Tiếp tục sử dụng kết luận giám định cũ để buộc tội
Liên quan đến vụ án 6 cựu chiến binh ở Đắk Nông bị Viện KSND TP.Gia Nghĩa truy tố trở lại về tội "hủy hoại rừng" theo khoản 1, điều 189 bộ luật Hình sự 1999 (có khung hình phạt lên đến 5 năm tù), Thanh Niên tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia phân tích về quy định pháp luật.
Các bị cáo cùng với luật sư trở lại hiện trường vụ án năm 2020. Ảnh: Nhật Tiến |
Theo cáo trạng được ban hành cuối năm 2022, tại cuộc họp đầu năm 2015, ông Đỗ Mạnh Hùng (Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 6) đưa ra ý kiến chi hội sẽ phát dọn đất rừng tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, tiểu khu 1710 (TX.Gia Nghĩa) để trồng cây keo gây quỹ hoạt động. Tất cả các hội viên đồng ý.
Trong 2 ngày tháng 1.2015 và 2 ngày tháng 4.2015, các hội viên của chi hội đã chặt những cây bụi, dây leo, cây gỗ có đường kính từ 10 cm trở xuống và gom lại thành từng đống chờ khô sẽ đốt. Đây là đất rừng, do UBND tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty TNHH MTV Gia Nghĩa (Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín) quản lý.
Tại kết luận giám định (KLGĐ) ngày 24.4.2015 của giám định viên tư pháp Huỳnh Văn Triệu (thuộc Hạt Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa), rừng bị hủy hoại 0,98 ha, là rừng sản xuất, thiệt hại hơn 53 triệu đồng.
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa) và LS Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) đều cho rằng, cáo trạng mới chỉ nhắc nhiều đến hành vi của các bị cáo, chứ chưa đề cập nhiều về các căn cứ để chứng minh yếu tố cấu thành tội "hủy hoại rừng". Cụ thể, các LS đã chỉ ra 3 vấn đề lớn nhất, bởi đây chính là mấu chốt của vụ án để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo.
Thứ nhất, cáo trạng căn cứ vào bản đồ diễn biến rừng năm 2014, 2015 của UBND tỉnh Đắk Nông và kết quả điều tra kiểm kê rừng tháng 9.2014 xác định hiện trạng tại lô 3, lô 6, tiểu khu 1710 vào cuối năm 2014 và đầu 2015 đây là rừng tự nhiên, xanh trung bình.
"Điều này cho thấy cáo trạng xác định rừng trên tài liệu giấy mà chưa dựa vào kết quả điều tra thực tế tại hiện trường, như diện tích rừng về số lượng cây bị đốn hạ, độ che phủ, mật độ cây, độ cao vút ngọn theo yêu cầu của quyết định giám đốc thẩm", LS Phước phân tích.
Cũng theo LS, nếu dựa vào các văn bản lưu trữ của UBND tỉnh Đắk Nông như trên thì Cơ quan CSĐT cũng cần xem, đánh giá những tài liệu này có phù hợp với thực tế và với hiện trường của vụ án không? Thế nhưng cáo trạng lại không thấy thể hiện.
Tháng 3.2015, Hạt Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa đã có văn bản cho rằng tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, Tiểu khu 1710 mức độ thiệt hại về rừng 100%. Như vậy rừng đã bị thiệt hại (hủy hoại) hoàn toàn nên dựa vào đâu mà cáo trạng tiếp tục truy tố 6 cựu chiến binh hủy hoại rừng trong 2 ngày của tháng 4.2015?
Luật sư Nguyễn Văn Phước (nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa)
Thứ hai, sau khi bị hủy án, Viện KSND TP.Gia Nghĩa yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an TP.Gia Nghĩa trưng cầu giám định lại thiệt hại về rừng.
Tháng 8.2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông ra KLGĐ với nội dung: "Giám định viên không xác định được vị trí, diện tích cần giám định. Do đó không có cơ sở để xác định về loại rừng, trạng thái rừng và mức độ thiệt hại về rừng".
Tương tự, tháng 6.2022, Bộ NN-PTNT cũng KLGĐ: "Thiếu căn cứ về hệ thống số liệu của kết quả từ các biên bản vi phạm, biên bản xác minh hiện trường, không có ảnh vệ tinh nên không thể giám định được diện tích, trạng thái rừng bị thiệt hại... Thiếu các chỉ tiêu về đường kính, chiều cao vút ngọn của các cây gỗ trong các lô rừng, thiếu căn cứ về trạng thái rừng trước thời điểm mất rừng, nên không xác định được giá trị rừng bị thiệt hại".
Như vậy căn cứ vào hai KLGĐ trên, quá trình điều tra lại, Cơ quan CSĐT đã không chứng minh được có thiệt hại về rừng và diện tích đất rừng bị hủy hoại. Trong khi đó, tội "hủy hoại rừng", theo điều 189 bộ luật Hình sự 1999, là tội phạm cấu thành vật chất. "Việc xác định diện tích rừng bị hủy hoại và giá trị thiệt hại là yếu tố bắt buộc phải chứng minh. Đáng tiếc là cáo trạng lại tiếp tục sử dụng bản KLGĐ ngày 24.4.2015 của ông Triệu để kết luận diện tích rừng bị hủy hoại 0,98 ha, thiệt hại hơn 53 triệu đồng là không khách quan và cũng không có căn cứ", LS Hậu nói.
Bởi lẽ theo giám đốc thẩm đã phân tích rất rõ, KLGĐ ngày 24.4.2015 và ngày 14.7.2016 đều do ông Huỳnh Văn Triệu ký với tư cách giám định viên tư pháp. Việc giám định lại diện tích rừng bị thiệt hại do cùng một người ký là trái với điều 34 luật Giám định tư pháp 2013.
Cạnh đó, xác định diện tích rừng bị hủy hoại không được giám định viên có chuyên môn giám định mà căn cứ vào biên bản xác minh hiện trường không có giá trị pháp lý nên KLGĐ ngày 14.7.2016 cũng không có giá trị pháp lý.
"Tôi cho rằng hai KLGĐ của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông và của Bộ NN-PTNT có ý nghĩa rất quan trọng trong vụ án, để chứng minh các bị cáo có tội hay không có tội. Tuy nhiên, rất đáng tiếc là cáo trạng lại không đề cập đến", LS Hậu nhận định.
Không đủ căn cứ để buộc tội ?
Thứ ba, cáo trạng cũng không thể hiện có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh nơi xảy ra vụ án là rừng, chủng loại rừng theo quy định tại Nghị định 23 năm 2006 của Chính phủ, Quyết định số 186 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư số 34 năm 2009 của Bộ NN-PTNT.
Điều đáng nói, cáo trạng lần này cũng không thể hiện trong 4 ngày (2 ngày tháng 1.2015 và 2 ngày tháng 4.2015) mỗi ngày các bị cáo chặt cây rừng với diện tích bao nhiêu. Nếu căn cứ vào hồ sơ ban đầu, cho thấy 2 ngày của tháng 1.2015, các bị cáo chặt tổng cộng 0,4 ha (4.000 m2). Theo LS Phước, giả sử, nếu chứng minh được 6 bị cáo chặt, phá rừng trong 2 ngày tháng 1.2015 là 4.000 m2 thì cũng không đủ căn cứ để tiếp tục truy tố các bị cáo ra tòa.
6 cựu chiến binh bị đề nghị truy tố, gồm: Đỗ Mạnh Hùng (61 tuổi), Ngân Xuân Dũng (63 tuổi), Vũ Tất Đắc (70 tuổi), Hoàng Văn Sằn (66 tuổi), Nguyễn Nam Thái (56 tuổi) và Cao Minh Điến (55 tuổi) thuộc Chi hội Cựu chiến binh thôn 6, xã Trường Xuân, H.Đắk Song (Đắk Nông). Trước đó, cả 2 lần xét xử sơ thẩm, TAND TX.Gia Nghĩa (nay là TP.Gia Nghĩa) tuyên phạt 6 bị cáo với mức án từ 6 - 7 tháng tù. Các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan. Xét xử phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Đắk Nông hủy bản án sơ thẩm. Cuối năm 2017, TAND tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm (lần 2), bác kháng cáo kêu oan, tuyên y án sơ thẩm. Chấp hành xong hình phạt, ra tù, 6 cựu chiến binh tiếp tục gửi đơn kêu oan khắp nơi. Ba năm sau, tháng 3.2020, bản án của TAND tỉnh Đắk Nông bị Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm. Ngay sau đó, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM nêu ra 9 vấn đề cho thấy chưa đủ căn cứ buộc tội các bị cáo, để chấp nhận kháng nghị của chánh án, tuyên hủy cả 2 bản án kết tội các bị cáo để điều tra lại.
Bởi theo điều 189 BLHS 1999, điểm 3.4 Thông tư liên ngành số 19 (của Bộ NN-PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện KSND tối cao và TAND tối cao) và khoản 5 điều 20 Nghị định 157/2013 thì hành vi hủy hoại rừng sản xuất phải từ 5.000 m2 mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Tháng 3.2015, Hạt Kiểm lâm TX.Gia Nghĩa đã có văn bản cho rằng tại lô 3, lô 6, khoảnh 1, Tiểu khu 1710 mức độ thiệt hại về rừng 100%. Như vậy rừng đã bị thiệt hại (hủy hoại) hoàn toàn nên dựa vào đâu mà cáo trạng tiếp tục truy tố 6 cựu chiến binh hủy hoại rừng trong 2 ngày của tháng 4.2015?", LS Phước đặt vấn đề.
"Như vậy, cáo trạng vẫn chưa làm rõ được các vấn đề trên thì rất khó để buộc tội được 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng. Theo tôi, TAND TP.Gia Nghĩa cần trả hồ sơ về cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung. Nếu tiếp tục không làm rõ được nữa thì phải đình chỉ vụ án", LS Hậu nhìn nhận.