"Bọn phát tờ rơi cho vay, 'bốc bát họ' chỉ là trẻ trâu. Cho vay vài chục triệu lãi cắt cổ, rồi thuê bọn đầu trộm đuôi cướp dọa nạt đòi tiền. Giới buôn tiền cho vay tiền tỉ, kín đáo và lắm chuyện hơn nhiều" - ông chủ Tuân "bật mí".
|
Những tin nhắn đòi nợ khủng bố người vay - Ảnh: THANH TUẤN |
Mai Phương Thùy chờ đón con ở trường mà giật mình thon thót, thỉnh thoảng lại rút điện thoại xem. Cô đang bị "nhân viên thu hồi nợ" nhắn tin "spam".
Quay cuồng "giật gấu vá vai"
Thùy quê Tuyên Quang, lấy chồng ở Hà Nội rồi về Hải Phòng lập nghiệp. Chồng cô có công ty xây dựng nhỏ, công trình chủ yếu ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Sau tết, công nhân đến công trường làm được vài tuần thì phải giãn cách xã hội. Chồng cô buộc phải cho công nhân nghỉ.
Hai vợ chồng tất tả lo ứng lương công nhân, thuê bảo vệ máy móc, vật liệu... Chủ dự án chưa trả tiền vì nhà xây chưa xong. Thùy vay mượn tứ tung rồi đánh liều vay tiền qua app, vì nợ ngân hàng còn kẹt nên không gõ cửa kênh tài chính này được nữa.
"Bí quá, chẳng bấu víu vào đâu được nên em buộc phải vay tiền qua app điện thoại. Biết lãi rất cao, lại bị quấy nhiễu, nhưng em không còn cách nào" - Thùy nói.
Cô cho tôi xem điện thoại, một nick rất kêu Bella nhắn số tài khoản rồi đe dọa: "Đi thanh toán ngay trước khi bên tôi gọi nát danh bạ nhà chị nha chị!". Thùy nhắn lại hẹn cuối giờ chiều sẽ trả, bên kia nhắn lại: "Cuối giờ (...) mày! 5h nha con ngựa!".
Thùy cho hay chiều nay cô phải trả một khoản tiền gốc. App điện thoại cô vay tiền có tên Pay Online. Cô vay 5 triệu trong thời gian 1 tuần, nhưng bên cho vay chỉ chuyển cho cô 3,5 triệu đồng. "Họ lấy trước tiền lãi, nhưng không tính lãi trên tiền thực lĩnh 3,5 triệu của em mà vẫn tính lãi của 5 triệu".
Thùy thỏa thuận vay trong 7 ngày mà đến ngày thứ 5 đã bị gọi điện, nhắn tin đòi tiền. Tin nhắn ban đầu còn "chị chị, em em", càng đến gần thời hạn trả tiền, mức độ lịch sự giảm dần rồi chuyển sang dọa dẫm, thóa mạ. Thậm chí, Thùy còn bị gọi là "con chó", "con ngựa".
"Nhất tội, nhì nợ anh ạ. Mới đầu em vay người thân, rồi vay ngân hàng. Sau bí quá phải vay qua app để trả lãi ngân hàng. Rồi lại phải vay app sau để trả lãi app trước. Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu chắt" - Thùy thở dài lướt màn hình có đến 7 biểu tượng các app cho vay tiền.
Thùy chở cô con gái học lớp 6 ra về. Một chiếc xe máy dừng lại, hai thanh niên đeo khẩu trang, mặc quần cộc, áo thun đen nhảy xuống nhanh thoăn thoắt dán tờ rơi quảng cáo lên bức tường.
Tôi đến gần cả mảng tường nham nhở đủ loại quảng cáo "cho vay lãi nằm", "hỗ trợ tài chính", "vay công nhân, hưu trí"... Trên tờ rơi ghi rõ: chỉ 2.000 đồng/đầu triệu (2.000 đồng tiền lãi trên 1 triệu/1 ngày). Số điện thoại đẹp, thêm nhiều câu "slogan" chuyên nghiệp: "gọi là có", "giải ngân nhanh", "tuyệt đối bảo mật"...
Bà Phương - người dân ở phường Lãm Hà, Hải Phòng - than thở: "Cái bọn hút máu người nghèo! Nó gọi "lãi nằm" để lừa người ta".
Bà Phương giải thích: "Nếu vay theo hình thức phải trả lãi hằng tháng, còn tiền gốc trả vào cuối kỳ thì gọi là "lãi đứng". Còn "lãi nằm" là trả "một cục" cả gốc lẫn lãi. Nghe có vẻ xuôi tai, dễ vay, dễ trả, nhưng thực tế là vay nặng lãi". Bà Phương bức xúc, xé tờ rơi trên tường.
|
Người dân bức xúc, xé bỏ các bẫy nợ dán đầy tường - Ảnh: THANH TUẤN |
Thế giới "buôn tiền"
Tôi tìm đến Chiến - ông anh "xã hội" ở Sóc Sơn (Hà Nội). Chiến từng là một tay anh chị "có số má" ở vùng Sóc Sơn, Đông Anh, Bắc Ninh. Dưới tay cả chục đàn em bảo kê sới bạc, đá gà.
Mấy năm trước, công an truy quét mạnh, Chiến "giải nghệ", chuyển sang trồng rừng, mở dịch vụ câu cá và kinh doanh karaoke gần khu du lịch hồ Hàm Lợn (Sóc Sơn). Hắn thổ lộ, thu nhập tàm tạm nhưng tạo được việc làm cho mấy thằng em từng "vào sinh ra tử".
Chiến kéo tôi vào hồ câu, mời thêm một gã khách quen lên nhậu. Gã khách chừng hơn 50 tuổi, để râu rậm nên có biệt danh Tuân "râu", là chủ ba cửa hàng nội thất ở Hà Nội nhưng nghề là cho vay lãi "sấp".
Rượu tơi tới, Chiến giới thiệu tôi và nhờ Tuân "râu" giúp tôi món tiền để "nhổ" chiếc xe máy. Thấy tôi ngượng, Tuân "râu" vỗ vai tôi cười ha hả: "Chú mày cán bộ phỏng? Em thằng Chiến thì cứ như em anh, ngại gì".
Rượu ngấm sâu, Tuân "râu" "bật mí": trong giới làm ăn, "giật nóng" nhau vài trăm triệu hoặc vài tỉ là bình thường. Người kinh doanh nhỏ thì "giật" món nhỏ, người làm ăn lớn thì "giật" món lớn.
Khách của Tuân toàn khách quen, từ người buôn vải vóc, quần áo ở chợ đến những ông chủ nhà hàng, kể cả doanh nghiệp xây dựng, xuất nhập khẩu... cũng tìm đến Tuân để giải quyết nhanh.
Thông thường, khách tìm đến Tuân, cầm vài tỉ trong một tuần hoặc nửa tháng thì trả. Cán bộ, công chức cũng có vay, nhưng ít. Khách vay nợ loại này chỉ dám vay vài chục triệu để đưa con đi viện, mua xe máy hay đặt cọc mua nhà... rồi sau đó họ vay ngân hàng để trả.
Món vay càng nhỏ, lãi suất càng cao. Tùy từng món vay mà Tuân "râu" tính lãi từ 1.500 đồng/1 triệu/ngày đến 3.000 đồng/1 triệu/ngày.
Tôi hỏi thêm thủ tục, Tuân "râu" nói chỉ cần viết tờ giấy biên nhận, trong đó ghi rõ số thẻ căn cước, địa chỉ và số tiền gốc, hẹn ngày trả. Số tiền vài chục triệu, Tuân không cần cầm giấy tờ, hắn có trong tay hàng chục đàn em, sẵn sàng xả thân vì hắn, chưa con nợ nào dám xù nợ.
Trốn ở đâu đàn em hắn cũng "moi" được ra. Số tiền vay lớn, Tuân cầm "sổ đỏ", ôtô... Tất nhiên, chỉ khách vay đã rất quen, Tuân nắm được thân thế, địa chỉ và đủ độ tin tưởng hắn mới cho vay tiền. Tuân giao tiền mặt, tiền lãi trả hằng tháng hoặc khi nào trả gốc thì trả hết một cục.
Tuân "râu" phất lên từ buôn bàn ghế Đồng Kỵ. Ba cửa hàng của hắn bây giờ chỉ làm ăn túc tắc. Khoản thu nhập khá lớn để hắn nuôi được ba đứa con du học là nhờ nghề "buôn tiền". Tuân không gửi tiền vào ngân hàng vì lãi suất thấp.
Hắn vỗ phình phịch vào hình xăm trên vai khoe những năm lăn lộn ở bãi vàng Trại Cau (Thái Nguyên), có ít vốn, hắn về quê kinh doanh. Quan hệ "đen, đỏ" đều có nên đứng ra cầm đầu nhóm cho vay.
Mỗi món vay, Tuân có nửa vốn, nửa còn lại do năm người khác "gửi". Theo Tuân, giới cho vay ngầm ở Hà Nội hay cả ở miền Bắc đều có nhóm riêng. Không ai bỏ hết vốn liếng của mình ra theo kiểu "bỏ trứng chung một giỏ" mà phải có bạn, có phường.
"Đại gia" này khẳng định có cả một thế giới ngầm của nghề "buôn tiền". Gã khẳng định như đinh đóng cột rằng đám cho vay mà dán tờ rơi quảng cáo chỉ là "trẻ trâu". Những món đó ít tiền nhưng lãi cao, chỉ có dân cờ bạc, cá độ vay là chủ yếu.
Người lao động cũng vay nhưng họ chỉ vay khi đã bị dồn vào đường cùng. Lãi càng cao mức độ rủi ro càng lớn. Tuân "cấm chỉ" những khách hàng lêu lổng, xăm trổ, không công ăn việc làm đến vay tiền. Hắn nhắm vào những người làm ăn đang rất cần tiền và có thể trả được...
Những kẻ lao đầu vào đường cùng Lãi cắt cổ đến 30-60%/tháng, hầu hết đều là những người cùng đường mới lao đầu vào như bài bạc, thua độ bóng bị hăm "lấy xác" hoặc những kẻ cần vốn nóng quay vòng hàng phạm pháp, các cô gái "đi khách" cần tiền để lên đời nhanh chiếc xe tay ga, điện thoại iPhone... Nhiều người vay nóng kiểu này đã phải bỏ trốn, nhưng kẻ cho vay vẫn sống khỏe vì lãi suất quá cao, con nợ trước khi bỏ trốn cũng đã bị hút "cạn máu" rồi. MẠNH DŨNG |
---------------
Ai cũng biết vay nóng bên ngoài rất dễ rơi vào bẫy nợ với lãi suất cắt cổ, nhưng tại sao họ cứ lao đầu vào?
Kỳ tới: Đói vốn và đâm đầu vào bẫy nợ
Theo THANH TUẤN (TTO)