Viên kim cương xấu xí nắm giữ bí mật cổ xưa của trái đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những viên kim cương không hoàn hảo, bị các thợ kim hoàn chê lại trở thành báu vật đối với các nhà khoa học bởi người ta phát hiện nó nắm giữ bí mật của các lục địa sơ khai.
Nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học Karen Smit, đến từ Viện Nghiên cứu đá quý phi lợi nhuận Mỹ, cho thấy một số viên kim cương tìm thấy ở Sierra Leone (Tây Phi) không tinh khiết vì chứa khoáng chất lưu huỳnh bên trong, lại có thể tiết lộ những bí mật cổ xưa tận 2,5 tỉ năm về trước, theo cuộc trao đổi giữa bà Smit và tờ Live Science.
 Một viêm kim cương
Một viêm kim cương "không hoàn hảo" tìm thấy ở Tây Phi - ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Các phân tích cho thấy số khoáng chất đó đã tồn tại trên bề mặt hành tinh tận 2,5 tỉ năm về trước, trước khi có sự gia tăng của oxy trong khí quyển. Thế nhưng, một quá trình kỳ lạ của trái đất đã đưa những vật chất này vào thế giới hàng trăm km dưới lòng đất, nằm yên tại đó và đợi đến mốc khoảng 650 triệu năm trước, những viên kim cương hình thành và bao bọc lấy chúng.
Quá trình kỳ lạ đó là sự hút chìm và những khoáng chất tồn tại trong kim cương cho thấy chính sự hút chìm đã tạo nên lục địa Châu Phi – cái nôi của loài người. Sự hút chìm là một quá trình xảy ra khi 2 mảng kiến tạo chuyển động theo hướng hút vào nhau, để rồi một trong 2 mảng sẽ chui xuống bên dưới mảng kia. Tất nhiên, khi một mảng kiến tạo "chìm" vào lòng đất, những vật chất khác sẽ có cơ hội trồi lên. Quá trình kiến tạo mảng liên tục đã tạo ra trái đất với những lục địa và đại dương như chúng ta thấy ngày nay.
Trở lại với khoáng chất lưu huỳnh, việc nó nằm ẩn trong kim cương cho thấy mảng kiến tạo mà nó từng ngự trị đã rời bỏ mặt đất hàng tỉ năm trước đã chui vào tận thế giới lòng đất, nơi kim cương được hình thành. Kim cương vốn hình thành sâu trong lớp phủ, đa số khoảng 200 km dưới lòng đất, một số là 400-700 km dưới lòng đất. Chúng ta tìm được kim cương là nhờ chúng theo những vụ phun trào núi lửa sâu bắn ra khỏi thế giới lòng đất. Những khoáng chất lưu huỳnh cổ xưa một lần nữa lại có cơ hội nhìn thấy mặt trời, nhờ các "chuyến tàu" bằng kim cương và những dòng sông dung nham.
Nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu những viên kim cương bọc khoáng chất ở mỏ Ekati của Canada và thu được kết quả tương đương. Những "tạp chất" trong các viên kim cương Canada có niên đại tới 3,5 tỉ năm.
Họ đang tiếp tục thu thập những viên kim cương không hoàn hảo từ nhiều nơi nữa trên khắp thế giới để củng cố công trình.
A. Thư (Theo Live Science, nld)

Có thể bạn quan tâm