Vì sao Mặt trăng càng ngày càng xa Trái đất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, Mặt trăng hình thành sau cú va chạm của tiểu hành tinh Theia với Trái đất vào 4,5 tỷ năm trước. Và theo thời gian, Mặt trăng đang càng ngày càng dịch chuyển xa khỏi hành tinh của chúng ta.
 
Mặt trăng là thiên thể gần nhất so với Trái đất trong vũ trụ.  Khoảng cách trung bình giữa Mặt trăng và Trái đất là 384.400km.  Nếu như con người đi bộ từ Trái đất đến Mặt trăng thì phải mất khoảng thời gian là 9 năm. Nếu như đi phi thuyền vũ trụ thì mỗi lần đi về từ Trái đất đến mặt trăng phải mất hơn 7 ngày.
Quỹ đạo quay quanh Trái đất của Mặt trăng là 27,32 ngày và khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trăng là 384.000 km. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng Mặt trăng đang dịch chuyển với vận tốc 3,8cm/năm cách xa khỏi Trái đất. Con số này khá nhỏ nên chúng ta không thể thấy được bằng mắt thường.
Với tốc độ này thì trong 10.000 năm qua, Mặt trăng đã đi xa khỏi Trái đất được 380 mét. Và như vậy phải mất khoảng 5 tỷ năm nữa Mặt trăng mới đi được 200.000 km. Dù thế, khi đó Mặt trăng vẫn sẽ ở trong quỹ đạo của Trái đất với một chu kỳ khác hơn bây giờ.
5 tỷ năm nữa cũng là thời điểm Mặt trời đi vào giai đoạn phồng to lớp vỏ và trở thành sao khổng lồ đỏ to lớn tới mức nghiền nát Sao Kim, Sao Thủy và cả Trái đất lẫn Mặt trăng. Đó là một khoảng thời gian quá dài so với một đời người nên chúng ta không cần lo lắng về điều này.
Một câu hỏi đặt ra là vì sao Mặt trăng lại dịch chuyển đi xa khỏi Trái đất? Lý do là vì Mặt trăng tự quay quanh Trái đất, song lại bị khóa thủy triều với hành tinh của chúng ta. Do đó chu kỳ quỹ đạo của Mặt trăng trùng với chu kỳ tự quay của nó, nên Mặt trăng luôn hướng về phía Trái đất.
Do Mặt trăng và Trái đất có lực hấp dẫn nhau nên cả hai bị phồng lên ở phần hướng về nhau. Trong khi đó, Trái đất có chu kỳ tự quay ngắn hơn của Mặt trăng nên chỗ phồng do Mặt trăng gây ra trên bề mặt Trái đất liên tục di chuyển. Từ đó khiến Trái đất quay nhanh hơn so với chuyển động quỹ đạo của Mặt trăng.
Lực hấp dẫn của Mặt trăng lại kéo Trái đất quay chậm lại làm cho năng lượng quay giảm. Năng lượng này lại được chuyển hóa trực tiếp qua khiến Mặt trăng quay nhanh hơn. Điều này khiến Mặt trăng tự dịch chuyển ra xa hơn theo định luật gia tốc.
Mặt trăng là một vệ tinh quay quanh Trái đất, Mặt trăng không phát nhiệt cũng không phát sáng. Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới.
Năm 1959 là năm mang tính lịch sử đối với công cuộc khám phá Mặt Trăng, mở đầu bằng chuyến bay của vệ tinh nhân tạo Luna 1 của Liên bang Xô viết đến phạm vi của Mặt Trăng, tiếp đó Luna 2 rơi xuống bề mặt của Mặt Trăng và Luna 3 lần đầu tiên cung cấp ảnh mặt sau của Mặt Trăng.
Năm 1966, Luna 9 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh thành công và Luna 10 là tàu vũ trụ không người lái đầu tiên bay quanh Mặt Trăng. Hiện nay, các miệng hố đen ở vùng cực Nam của Mặt Trăng là nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời.
Châu Anh (Theo Tiền Phong/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm