Nhiều người trẻ lựa chọn phong cách chụp ảnh mang hơi thở cổ điển, xưa cũ để tạo điểm nhấn đặc biệt cho những bộ ảnh kỷ niệm.
Hoài niệm về một thời đã qua
Ngô Hồng Phúc, thợ chụp ảnh tự do (28 tuổi) tại quận 11, TP.HCM, cho biết nhiều khách hàng trẻ yêu thích phong cách "vintage", hoài cổ bởi nó tạo được dấu ấn đặc biệt trong những bức ảnh kỷ niệm.
“Bản thân tôi cũng yêu thích phong cách chụp ảnh này và thường xuyên tư vấn cho khách hàng để họ lựa chọn màu sắc hoài cổ cho bộ ảnh kỷ niệm. Chúng tôi thường tìm đến những nơi có bối cảnh xưa cũ, cùng với trang phục của người mẫu, tôi cảm giác được quay về và sống trong không gian của thập niên 1980 và 1990”, Phúc chia sẻ.
Phúc cho biết anh thường đến những địa điểm như các chung cư cũ của khu Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM), bờ sông ở Q.2 và những góc phố mang hơi hướng cổ điển của khu Q.5 để chụp ảnh cho khách.
Chàng nhiếp ảnh trẻ cho biết thời gian lý tưởng để cho ra những tấm ảnh có ánh sáng đẹp là từ 15 giờ. Trong quá trình chụp ảnh, anh Phúc mất khoảng 2 ngày để hoàn thành một bộ ảnh bao gồm việc lên ý tưởng, chụp ảnh và chỉnh sửa.
Những tấm ảnh hoài cổ mang màu sắc trầm buồn như một câu chuyện tình yêu của những đôi nam nữ thời xưa được thể hiện qua lăng kính của chàng nhiếp ảnh Ngô Hồng Phúc. Ảnh: Ngô Hồng Đức |
“Khi theo đuổi phong cách này, các bạn trẻ nên chú ý lựa chọn trang phục hơi hướng cổ điển với những tông màu trầm như nâu, đen…, trang điểm nhẹ nhàng và phải biết hòa mình vào bối cảnh, biểu cảm một cách tự nhiên nhất. Người chụp ảnh cũng phải chú ý tới việc bắt chọn những khoảnh khắc đẹp, góc máy và bố cục phải chắc chắn”, Hồng Phúc chia sẻ.
Ngô Hồng Phúc, chàng nhiếp ảnh trẻ yêu thích việc tạo ra những tấm ảnh hoài cổ. Ảnh: NVCC |
Yêu thích phong cách chụp ảnh mang phong cách hoài cổ, Trần Việt Anh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Tôi thích những thứ xưa cũ, nó khiến người ta hoài niệm về những khoảng thời gian đã đi qua của thế kỷ trước. Dù không trực tiếp đi qua nhưng xem những thước phim về thập niên 1980, 1990 của thế kỷ 20, tôi luôn ấn tượng”.
Trần Việt Anh trẻ trung, đầy khí chất trong những tấm ảnh mang hơi hướng hoài cổ. Ảnh: NVCC |
Chàng trai trẻ thích chụp ảnh mỗi khi có cảm hứng và anh thường tận dụng không gian của những con hẻm cũ, mảng tường đầy rêu nhuốm màu thời gian… làm bối cảnh chính. Việt Anh lưu ý, trang phục theo phong cách “vintage” không quá cầu kỳ nên chỉ cần phù hợp màu ảnh là cũng đủ để tạo ra nét hoài cổ.
Như được sống trong thời “ông bà anh”
Đam mê nhiếp ảnh, Phạm Quang Hiếu, sinh viên ĐH RMIT, cho biết những bức ảnh mang màu sắc cổ điển, có chút u buồn khiến anh có cảm giác như được sống ở những ngày xưa cũ của thế kỷ trước, thời của “ông bà anh”.
Những ngày rảnh rỗi, Hiếu cùng bạn bè xách chiếc máy ảnh đến những địa điểm như Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đi xe bus 2 tầng dạo quanh TP.HCM… để có những khoảnh khắc đẹp mang màu sắc hoài cổ.
Phong cách chụp ảnh của Phạm Quang Hiếu khiến người xem liên tưởng đến những tấm ảnh được chụp từ thế kỷ trước. Ảnh: NVCC |
“Nhóm của tôi thường chọn những buổi chiều có ánh sáng đẹp. Trang phục không quá cầu kỳ nên các bạn trẻ chỉ cần mặc những bộ trang phục thoải mái, phóng khoáng. Hãy tận hưởng mọi khoảnh khắc để cho ra những biểu cảm tự nhiên nhất, còn lại các phần mềm chỉnh ảnh sẽ giúp bạn làm ra những bức ảnh thật xưa cũ”, Hiếu chia sẻ.
Cũng là một tín đồ của phong cách "vintage", Phan Thị Hoài Phương, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thường xuyên chia sẻ những bức ảnh mang màu sắc hoài cổ. Cô gái trẻ luôn biết tạo điểm nhấn bằng những bộ trang phục nhiều lớp, có màu sắc tối giản nhưng vẫn nổi bật. Phương cho biết cô thường tự thiết kế trang phục mới từ quần áo “secondhand”.
Phan Thị Hoài Phương ma mị, tận dụng ngôn ngữ hình thể trong trong những tấm ảnh mang màu sắc hoài cổ. Ảnh: NVCC |
“Phong cách này khiến tôi được là chính mình. Từ nhỏ, khi xem những tấm ảnh của ông bà hay cha mẹ, tôi rất thích cách họ mặc đồ, cũng như thần thái của họ trong những tấm ảnh có màu cũ kỹ. Hoài cổ không phải là làm cho mọi thứ cũ đi, mà mang những cái cũ xưa phù hợp hơn với thời hiện đại nhưng vẫn mang cái hồn vốn có”, Phương chia sẻ.
Phương cũng thích những tấm ảnh có chiều sâu từ biểu cảm gương mặt, ngôn ngữ cơ thể được khai thác một cách chừng mực. Cô gái trẻ thường mất từ 2 - 3 giờ để chụp ảnh, gần 2 giờ để làm hậu kỳ và luôn biết tận dụng bối cảnh gần gũi trong cuộc sống để cho ra những bức ảnh hoài cổ.
Theo Nguyễn Điền (TNO)