9 tháng đầu năm 2019 ghi nhận một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào ngành chế biến, xuất khẩu gỗ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho ngành, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại, có thể có hình thức “đầu tư núp bóng”.
Số lượng tăng, quy mô nhỏ
Theo báo cáo “Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam” của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh (HAWA), Hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức Forest Trends, tính đến hết tháng 9/2019, ngành gỗ nhận được 67 dự án đầu tư mới, với tổng số vốn đầu tư trên 581 triệu USD, tương đương với 216% tổng số vốn đầu tư FDI mới vào ngành trong cả năm 2018.
Gia công đồ gỗ xuất khẩu ở Công ty TNHH Tường Văn ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Ảnh: Xuân Trung
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 10/2019 ước đạt 1,049 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng ước đạt 9,041 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chính gồm: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 7,81 tỷ USD. |
Nhìn chung quy mô vốn trung bình của các dự án FDI trong ngành gỗ nhỏ, khoảng 3-5 triệu USD/dự án (chiếm 38,8%), tiếp đến là số lượng dự án có quy mô rất nhỏ (dưới 1 triệu USD/dự án, 22,4%). Các dự án có quy mô dưới 3 triệu USD chiếm 61,2%. Tổng vốn đăng ký của các dự án này chỉ chiếm 10% trong tổng vốn đăng ký.
Các dự án FDI mới trong ngành gỗ chủ yếu tập trung vào mảng chế biến gỗ với trên 64% số dự án đầu tư tập trung vào mảng hoạt động này. Dự án chế biến gỗ và sản xuất ván nhân tạo chiếm trên 80% trong tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ hàng năm.
Cũng theo báo cáo, trong 9 tháng đầu 2019, có 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu trong danh sách các quốc gia đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam. Trong 9 tháng đầu 2019, số dự án FDI từ Trung Quốc đầu tư mới vào Việt Nam là 40, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư.
Tuy nhiên, theo TS Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trends, mặc dù Trung Quốc có số lượng dự án FDI đông đảo, tổng vốn đầu tư của các dự án từ quốc gia này chỉ chiếm 23,5% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký. Nhìn chung, các dự án FDI từ Trung Quốc có quy mô nhỏ. “Trong số 15 dự án có quy mô dưới 1 triệu USD đầu tư mới vào ngành 9 tháng năm 2019 có 10 dự án từ Trung Quốc, tương đương 67%. Đáng chú ý, có một nhà máy sản xuất ván tại Yên Bái vốn đầu tư đăng ký chỉ 23.000 USD” – ông Phúc thông tin. Trong khi đó, các dự án từ Hàn Quốc và một số nước khác có số lượng nhỏ nhưng vốn đầu tư trên mỗi dự án lớn.
Rà soát các dự án quy mô nhỏ
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các dự án FDI đã, đang và sẽ tiếp tục là một bộ phận không thể thiếu được của ngành gỗ Việt Nam. Năm 2018 có 529 doanh nghiệp FDI trong ngành gỗ trực tiếp tham gia xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,96 tỷ USD, chiếm 46,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8,48 tỷ USD của ngành. Trong 9 tháng năm 2019, số doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu tăng lên con số 565, với tổng kim ngạch gần 3,4 tỷ USD, tương đương 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu (7,3 tỷ USD).
Không chỉ trực tiếp tham gia vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp FDI khác hiện đang cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến, cung cấp dịch vụ logistic và các loại hình dịch vụ khác.
“Gia tăng đầu tư FDI cho thấy ngành gỗ có tính hấp dẫn của mình, thể hiện qua các điểm mạnh như giá nhân công thấp, tiếp cận nguồn nguyên liệu đầu vào dễ dàng, cơ sở hạ tầng thuận lợi, ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng đầu tư FDI vào ngành gỗ Việt Nam” – ông Quyền nói.
Tuy nhiên, TS Tô Xuân Phúc nêu câu hỏi, liệu sự mở rộng khối FDI trong ngành có tạo ra những rủi ro mới nào cho ngành và nếu có thì cơ chế kiểm soát các rủi ro này ra sao? Bởi theo nhận định, các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng; cảnh báo về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa cũng đã được đưa ra.
Ông Phúc kiến nghị, để phát triển bền vững, ngành gỗ cần phải có những cơ chế chính sách hữu hiệu để giảm các rủi ro trong đầu tư FDI. “Cần ưu tiên rà soát, tập trung vào các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, bao gồm nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, với vốn đăng ký dưới 1 triệu USD /dự án” – ông Phúc nói.
Trong khi đó, ông Quyền kiến nghị, Chính phủ cũng cần có cơ chế cho phép các hiệp hội gỗ mở rộng thành viên của mình, với các doanh nghiệp FDI có thể trở thành thành viên chính thức. Mô hình này cũng giúp tăng cường trao đổi thông tin, từ đó góp phần giảm thiểu các xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp.
“Hiện tồn tại một số sự cạnh tranh, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu và lao động giữa các doanh nghiệp khối FDI và doanh nghiệp nội địa. Mở rộng mô hình hoạt động của các hiệp hội, với các doanh nghiệp FDI có cơ hội trở thành thành viên chính thức có thể giúp giải quyết một phần vấn đề này” – ông Quyền nói.
Ngoài ra, ông Quyền kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ để thanh toán, nhập khẩu nguyên liệu.
Khánh Nguyên (Dân Việt)