Về quê trồng rau thủy canh trong nhà kính thu 20 triệu đồng/tháng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù đã có công việc với mức lương ổn định tại TP.HCM nhưng anh Võ Trọng Nghĩa quê ở Quảng Nam vẫn quyết tâm rời phố về quê rẽ sang làm nông với nghề trồng rau thủy canh trong nhà kính, bước đầu mô hình này đã cho thu nhập cao.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thôn Thạch Thượng (xã Quế Phong, H.Quế Sơn, Quảng Nam) nhưng anh Võ Trọng Nghĩa đã sớm rời quê vào TP.HCM lập nghiệp. Nhiều năm bám trụ tại thành phố lớn này, anh Thượng đã có chỗ đứng vững chắc khi mở một công ty chuyên đồ điện với nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuối năm 2020, anh Nghĩa quyết định đưa vợ con về quê nhà khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính.

 

Anh Võ Trọng Nghĩa bên mô hình rau sạch của mình. Ảnh: Nam Thịnh
Anh Võ Trọng Nghĩa bên mô hình rau sạch của mình. Ảnh: Nam Thịnh


Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng rau thủy canh trong nhà kính, tháng 6.2021 anh Võ Trọng Nghĩa bắt đầu thử nghiệm mô hình trên diện tích 60 m2 để thử nghiệm. Anh mua vật liệu về tự lắp đặt nhà kính, hệ thống thủy canh và trồng các loại rau như xà lách, cải cay, cải ngọt, cải thìa, dưa leo… Sau khoảng 35 ngày chăm sóc, anh thu hoạch lứa rau đầu tiên được gần 200kg và cho lãi ròng hơn 10 triệu đồng.

Bước đầu thấy có hiệu quả kinh tế, anh Nghĩa quyết định đầu tư thêm hơn 300 triệu đồng mở rộng diện tích trồng rau thủy canh lên 500 m2.

“Sản xuất rau theo phương pháp thủy canh cho thu nhập cao gấp 2 - 3 lần so với trồng rau truyền thống. Ưu điểm của trồng rau bằng phương pháp thủy canh là có thể chủ động điều chỉnh dinh dưỡng cho cây, các loại dinh dưỡng được cung cấp theo yêu cầu của từng loại rau, có thể loại bỏ các chất gây hại cho cây. Đặc biệt, giảm được sức lao động và có thể trồng được rau trái vụ do điều khiển được các yếu tố môi trường”, anh Nghĩa nói.

Nhờ chú trọng khâu chọn giống, điều hòa dung dịch dinh dưỡng và xây dựng được lồng kính với hệ thống tự động hóa nên trại rau của anh Nghĩa phát triển xanh tốt và cho năng suất cao. Mỗi vụ rau anh thu hoạch hơn 1 tấn. Sản phẩm được bán trên các kênh online và cung cấp cho 2 cửa hàng thực phẩm sạch ở TP.Đà Nẵng, TP.Hội An và TX.Điện Bàn với giá dao động 50.000 - 60.000 đồng/kg. Mỗi vụ (khoảng 35 ngày), sau khi trừ tất cả chi phí anh thu về hơn 20 triệu đồng.

Theo anh Nghĩa, hiện mô hình nông nghiệp sạch của tôi đang đi đúng hướng và đang chiếm được sự tin dùng của khách hàng bởi các sản phẩm rau sạch, an toàn, tươi ngon mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giá thành ổn định. “Thời gian tới tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau thủy canh trong nhà kính lên 2.000 m2 để đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường; đặc biệt là đưa vào các siêu thị chuyên bán rau sạch”, anh Nghĩa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Quế Phong, cho biết mô hình trồng rau thủy canh trong nhà kính của anh Võ Trọng Nghĩa là mô hình mới tại địa phương, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu được các cấp ngành hỗ trợ nguồn vốn để mở rộng sản xuất và đăng ký được nhãn hiệu OCOP thì sản phẩm rau thủy canh của anh Võ Trọng Nghĩa sẽ đem lại hiệu quả kinh tế bền vững hơn. Đồng thời, cũng giải quyết được công ăn việc làm cho một số lao động tại địa phương.

 

Theo MẠNH CƯỜNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.