Về Krông Pa thưởng thức bánh tráng xoài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ai chả biết nắng Krông Pa đã đi vào thơ ca, hò vè. Nắng mang thương hiệu và trở thành đặc sản khi người ta nhắc đến các món bò một nắng, cá rô phi một nắng. Và giờ là bánh tráng xoài, một món ăn dân dã cũng mang đặc trưng mùi nắng của vùng “chảo lửa” Krông Pa.
 

Đi giữa cái nắng Krông Pa, ta sẽ gặp những cây xoài vàng ươm quả chín. Cũng chẳng lạ khi các chuyến xe xuất bến từ Krông Pa mà chất đầy những thùng to, thùng nhỏ toàn xoài. Ấy là tấm lòng thảo thơm của người xứ nắng gửi đến họ hàng, bè bạn phương xa. Còn nếu ở gần, có ai đó ghé thăm, người ta cùng hái dăm ba trái ăn chơi hoặc sẵn lòng cho nhau cả giỏ làm quà.

Xoài nhiều thế, dù bán vẫn có người mua nhưng rẻ, dăm ba ngàn đồng một ký, leo hái mỏi mà chả bõ công. Thế là nhiều nhà để chín rụng. Nhưng rồi thấy lãng phí nên người “xứ nắng” học đâu đó cách làm bánh tráng từ xoài. Cũng đơn giản lắm, bởi chỉ cần có xoài và có nắng. Mà xứ này xoài cũng sẵn, nắng cũng nhiều. Thế nên chỉ cần thêm một chút chịu thương chịu khó. Xoài chín cây vừa rụng, gọt lấy phần cùi, xay nhuyễn đặt lên bếp đun cho sánh lại, để nguội. Lấy bì bóng kít thức ăn trải ra phên nứa, phên tre, nong, nia, mâm, mẹt... rồi thoa chút dầu ăn (tốt nhất là dầu dừa) cho khỏi dính. Xong đổ lớp mỏng hỗn hợp sóng sánh đó lên, đem phơi nắng. Chọn đúng hôm nắng thật to. Và cũng chỉ đúng một nắng để bánh tráng giữ được nguyên vẹn cả hương lẫn vị và màu vàng óng của xoài. Thế là xong mẻ bánh tráng xoài như ý.

 

 


Sau vài mùa làm thử và rút kinh nghiệm, người “xứ nắng” Krông Pa biết pha chế để bánh tráng xoài có thêm nhiều vị khác nhau. Muốn ngọt lịm, chọn tất cả những trái chín cây. Muốn béo ngậy, cho thêm ít trái bơ cùng xay nhuyễn. Muốn có chút chua chua, cho thêm mấy trái ương ương. Muốn dai, quậy thêm ít bột mì nhất. Và năm nay, vài người không còn dùng bì bóng kít thức ăn, họ lấy báng tráng loại mỏng (loại dùng cuốn chả ram), đổ hỗn hợp xoài lên rồi đem phơi nắng, ăn vừa dẻo vừa dai vừa ngọt ngậy... Bánh tráng xoài, thức quà có thể để dành, đã trở thành hàng hóa được bán mua ở chợ huyện.

Hy vọng, cùng với bò một nắng, cá rô phi một nắng, bánh tráng xoài một nắng cũng trở thành đặc sản của Krông Pa và được nhiều người ưa thích. Để mỗi chiều chiều, sau những nhọc nhằn, cô bác, bè bạn ghé nhà nhau vừa trò chuyện, vừa nhai miếng bánh tráng xoài, nhấp thêm ngụm nước trà xanh để cùng cảm nhận tất cả những gì thanh ngọt nhất của thiên nhiên. Để thấy trong sự dẻo dai của bánh tráng vẫn vẹn nguyên hương vị vừa ngọt lịm, vừa thơm lừng của xoài chín quyện trong mùi nắng, mùi nước trà xanh thanh mát. Và như thế, mỗi câu chuyện đã thêm thi vị bội phần.

Sen Hạ

Có thể bạn quan tâm

Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.