'Vàng đen' ở Singapore

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2018, đảo quốc sư tử bỏ đi 763.000 tấn thức ăn và chỉ 17% trong số này được tái chế. Tuy nhiên, có một phong trào đang nổi lên: dùng thức ăn thừa làm phân bón cho cây trồng.

Người dân mang các túi thức ăn thừa tới một khu vườn cộng đồng để dùng làm phân trộn - Ảnh: SCMP
Người dân mang các túi thức ăn thừa tới một khu vườn cộng đồng để dùng làm phân trộn - Ảnh: SCMP
Một trong những yếu tố khiến nhiều người nể phục đất nước nhỏ bé, không tài nguyên như Singapore là khả năng khai thác để tái sử dụng.
Trộn phân cũng cần học
Họ có những công dân như Pui Cui Fen, một trong những người theo lối sống không rác thải. Theo báo South China Morning Post tuần này, cô Pui cùng một nhóm nhỏ những người cùng chí hướng thay phiên gom nhặt bã cà phê và thực phẩm thừa để làm phân trộn cho những khu vườn cộng đồng ở Singapore.
Cách làm này giúp tăng quá trình phân hủy lá cây, rau củ và các nguyên liệu hữu cơ vì tạo điều kiện lý tưởng để vi sinh vật phát triển. Đổi lại là sự ra đời của một loại phân hữu cơ (phân compost) giàu dinh dưỡng cho cây trồng.
Năm 2014, Pui bắt đầu làm phân trộn tại vườn cộng đồng thuộc khu nhà ở của cô tại vùng Bukit Gombak. Năm 2017, Pui và bạn bè có cơ hội "giải cứu" 350kg vỏ chuối tại một sự kiện chạy marathon lớn và đưa tới 5 khu vườn cộng đồng khắp Singapore. Năm nay, Pui và một người khác đang cùng dẫn dắt "Dự án vàng đen", một sáng kiến được Quỹ môi trường OCBCCares tài trợ.
Có nhiều loại phân trộn khác nhau, gồm phân chất thành đống lớn, phân chứa trong các rãnh, phân đựng trong thùng, phân ủ với sâu trùng, phân "ruồi lính đen"… "Học cách trộn phân giống như học từ mẫu giáo lên bậc tiến sĩ" - Pui so sánh một cách lý thú.
Làm phân trộn vừa là nghệ thuật vừa là khoa học và mọi thứ có thể gặp trục trặc. Nếu được làm từ lá, cành cây vụn vặt, phân có mùi giống trong các khu rừng mưa và những đống phân được làm từ nguyên liệu tự nhiên sẽ dễ xử lý nhất. 
Nhưng nếu được làm từ quá nhiều vật liệu đã qua xử lý như bìa cactông, đống phân sẽ mắc chứng "khó tiêu" giống như ruột con người. Các thực phẩm thừa như trái cây có thể tạo ra mùi hôi và thu hút đàn ruồi. 
"Trộn phân giống như làm một chiếc bánh. Bạn phải hiểu biết các nguyên liệu và sắp chúng thành từng lớp. Sau đó thêm nước vào và cho một chút thời gian. Chuyện còn lại để vi sinh vật lo" - Pui chia sẻ.
Sự đổi thay còn chậm
Vài năm qua, Singapore ngày càng nhận thức rõ hơn về vấn đề và sẵn sàng giảm lượng thức ăn thừa. Một cuộc khảo sát năm 2019 có sự tham gia của Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore đã hỏi 1.000 người dân và nhận thấy trong các thói quen mua sắm, nấu ăn, ăn uống…, công chúng đã nhận thức về môi trường nhiều hơn. "Một điều thú vị là một số hộ (chiếm 3%) đang làm phân trộn từ thức ăn thừa", theo ghi nhận từ khảo sát.
Năm ngoái, Singapore đã ra kế hoạch chỉ đạo không rác thải, trong đó các trung tâm mua sắm lớn, khách sạn và các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống buộc phải tách riêng thức ăn thừa bắt đầu vào năm 2024. Thức ăn thừa có thể được xử lý lại và dùng trong các mục đích khác như làm thức ăn cho động vật hoặc làm phân cho cây trồng.
Tuy nhiên, nhiều người Singapore vẫn còn lạ lẫm với ý tưởng vườn cộng đồng. Chee Zhi Kin - người sáng lập nông trại cộng đồng đô thị đầu tiên của Singapore với mong muốn trở thành trung tâm thu gom và làm phân trộn trong tương lai - cho biết đội ngũ của anh bắt gặp "những cái nhìn kỳ quặc" khi thuyết phục những người bán sữa đậu nành và các lò bánh quyên góp những nguyên liệu thừa để làm phân trộn.
Còn cô Pui cho rằng trong đầu của nhiều người Singapore, những khu vườn cộng đồng này gắn với người già hoặc những người "vô công rỗi nghề". Cô nói mọi người phải thay đổi suy nghĩ. Cô hi vọng Singapore sẽ có mạng lưới phân trộn ở khắp các khu, người dân sẽ dành ra thức ăn thừa để làm phân trộn và kết nối với nhau.
Cô tin người Singapore có thể "thu hoạch núi vàng đen này", giúp cải tạo đất và trồng trọt mang lại nguồn thức ăn.
BẢO ANH (TTO)

Có thể bạn quan tâm