Vài nét về địa danh, địa giới của tỉnh Gia Lai trong lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung là vùng đất được sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam khá muộn dưới thời Pháp thuộc. Từ đó đến nay, địa danh, địa giới của tỉnh cũng đã có nhiều biến động.

Khái niệm hành chính đầu tiên được ấn định trên vùng đất này là Nghị định Toàn quyền Đông Dương, ngày 4-7-1905 với nội dung “Điều 1: Khu vực miền núi bao gồm các vùng lãnh thổ với tuyến đường và các khu vực rải rác của các bộ tộc có tên là Sedang, Láng Hạ, Rognao, Bahnar, Jarais và các nhóm phụ của cùng một ngôn ngữ hệ, hợp nhất vào lãnh thổ của An Nam và thành lập một tỉnh tự trị; Điều 2: Thủ phủ hành chính là làng Djarai de Pleikan-Derr cho đến khi có lệnh mới”.

 

Đường Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác
Đường Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác

Về điều này, Henri Maitre cho chúng ta biết thêm: Tỉnh lỵ của Pleikan-Derr ban đầu được đặt tại làng Jrai có tên là Plei Tai, phía Bắc Plei Tour. Nhưng tòa nhà hành chính vừa làm xong thì bị sét đánh cháy, vị quan cai trị tỉnh phải lang thang từ đồn này sang đồn khác. Gần 2 năm sau, tỉnh này đã bị bãi bỏ theo Nghị định Toàn quyền ngày 25-4-1907. Đất đai được chia làm 2 vùng: đại lý hành chính Kon Tum và đại lý hành chính Cheo Reo, được thành lập theo Nghị định ngày 12-6-1907. Đại lý Kon Tum thuộc tòa Công sứ Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), đại lý Cheo Reo thuộc tòa Công sứ Sông Cầu (tỉnh Phú Yên).

Theo Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 9-2-1913 (số 214 và 215), thực dân Pháp lập tỉnh Kon Tum trên cơ sở đất đai của tỉnh Plei-Kou-Der cũ, gồm toàn bộ đại lý Kon Tum (tách ra từ tỉnh Bình Định), đại lý Cheo Reo (tách ra từ tỉnh Phú Yên) cộng thêm đại lý Đak Lak (nguyên là một tỉnh hạ xuống thành đại lý).

Về sự kiện thành lập tỉnh Pleiku (nay là tỉnh Gia Lai) năm 1932, theo Địa chí Gia Lai: Ngày 24-5-1932, nghị định Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) để thành lập tỉnh Pleiku. Tòa Đại lý hành chính Pleiku theo đó cũng được đổi thành Tòa Công sứ. Theo Dương Trung Quốc: “Ngày 25-5-1932 thành lập tỉnh Plây Cu”.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của chúng tôi, việc thành lập tỉnh Pleiku phải trải qua 2 nghị định:
Nghị định Toàn quyền Đông Dương, ngày 24-5-1932,  do P. Pasquier ký, chỉ mới xác định việc thành lập một tỉnh mới trên lãnh thổ tỉnh Kon Tum với nội dung cụ thể là: “Điều 1: Nghị định thành lập trên lãnh thổ của tỉnh Kon Tum một tỉnh mới dưới quyền của một quan chức hành chính người Pháp, phía Đông giáp các tỉnh Bình Định và Phú Yên, phía Nam giáp tỉnh Đak Lak, phía Tây giáp Campuchia, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum; Điều 2: Nghị định về sau quy định thủ phủ và các giới hạn được xác định của tỉnh mới”.

Và theo quy định tại Điều 2, Nghị định ngày 24-5-1932 thì phải đến Nghị định ngày 4-3-1933, tên tỉnh là Pleiku và tỉnh lỵ của tỉnh này mới được xác định tại: “Điều 1: Tỉnh mới được thành lập ở An Nam theo Nghị định ngày 24-5-1932 sẽ được gọi là “tỉnh Pleiku”. Thị trấn sẽ được thiết lập tại Pleiku”.

Song song với tỉnh mới thành lập do viên Công sứ người Pháp cai trị, ngày 12-12-1932, trên địa bàn tỉnh Pleiku, vua Bảo Đại ra Chỉ dụ thành lập đạo Gia Lai, vốn là hạt Trà Cú, thuộc tỉnh Kon Tum (chủ yếu là đất đai của đại lý Pleiku thành lập theo Nghị định ngày 24-5-1925 và trở thành thị xã Pleiku theo Nghị định ngày 3-12-1929);  bổ nhiệm một Quản đạo, một Kinh lịch và ba Thừa phái để quản lý bộ phận người Kinh. Riêng đại lý An Khê (gồm đất đai các huyện, thị xã phía Đông Gia Lai ngày nay như Kbang, An Khê, Đak Pơ, Mang Yang, Kông Chro) cho đến Nghị định ngày 9-8-1943 mới tách khỏi tỉnh Kon Tum để sáp nhập vào tỉnh Pleiku.

Như vậy, địa danh Gia Lai có từ năm 1932, là biến âm từ tộc danh Gia Rai (Jrai) mà thành. Về điều này, trong Kon Tum tỉnh chí công bố trên tạp chí Nam Phong năm 1933, Võ Chuẩn (lúc đó là Quản đạo Kon Tum) cho biết: “Ở phía Nam tỉnh Kon Tum có người Già-rài (Djarai) nên lấy tên Già-rài đặt cho đạo Gia Lai”. Trong Sổ tay địa danh Việt Nam, Đinh Xuân Vịnh cũng viết: “Đạo Gia Lai ở Tây Nguyên thành lập năm 1932, tách từ tỉnh Kon Tum ra, đầu tiên gọi là đạo Trà Cú, Pháp gọi là Pleiku, lấy tên lỵ sở đạo mà gọi, sau đổi tên là đạo Gia Lai, lấy tên dân tộc thượng Gia Rai”.

Đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tỉnh Pleiku có: thị xã Pleiku, huyện An Khê, huyện Plei Kly, huyện Chư Ty và huyện Cheo Reo.

Sau 85 năm xây dựng và phát triển, ngày nay, tỉnh Gia Lai có 17 đơn vị hành chính, gồm 1 thành phố, 2 thị xã và 14 huyện. Đây là một lãnh thổ vừa có núi đồi, vừa có cao nguyên bazan bằng phẳng, rộng lớn, lại vừa có những cánh đồng giữa núi; hệ thống đường bộ và đường hàng không phát triển là những yếu tố thuận lợi trong phát triển kinh tế và giao lưu với thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Gia Lai còn có nguồn nhân lực dồi dào, đó là những cư dân tại chỗ đã thích nghi với cuộc sống trên vùng sơn nguyên, có bản sắc văn hóa độc đáo; đó là những người con từ khắp mọi miền đất nước đến lập nghiệp, đã coi vùng đất này là quê hương thứ hai và luôn sát cánh cùng bộ phận cư dân tại chỗ bảo vệ, khai thác và làm giàu cho tỉnh.

TS. Nguyễn Thị Kim Vân

Có thể bạn quan tâm