Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Hy vọng của Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đã được phóng thành công, đang trên đường tới sao Hỏa.
|
Tên lửa đẩy H-IIA của hãng công nghiệp nặng Mitsubishi phóng tàu thăm dò sao Hỏa của UAE từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima tại Nhật Bản vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam. Ảnh: Mitsubishi. |
Tàu thăm dò sao Hỏa mang tên Amal (Hy vọng) đã được phóng từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima của Nhật Bản trên đầu tên lửa đẩy H-IIA của Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi vào lúc 5 giờ 58 phút chiều Chủ nhật, ngày 19-7 theo giờ EDT, tức 4 giờ 58 phút sáng 20-7 theo giờ Việt Nam. Tàu vũ trụ tách khỏi tên lửa khoảng một giờ sau khi cất cánh và sẽ mở các tấm pin mặt trời để cung cấp năng lượng cho hành trình bảy tháng tới sao Hỏa.
Việc phóng ban đầu đã được lên kế hoạch vào ngày 14-7 nhưng đã bị trì hoãn nhiều lần do điều kiện thời tiết xấu tại địa điểm phóng.
Tàu vũ trụ Hy vọng trị giá 200 triệu USD, còn được gọi là Sứ mệnh sao Hỏa Emirates, là bước đột phá đầu tiên của UAE vào hoạt động thăm dò liên hành tinh và sự kiện này nhằm đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập của quốc gia dầu mỏ này. Cụ thể, UAE muốn có một dự án khởi động trong các ngành khoa học và công nghệ để tìm kiếm một mô hình kinh tế vượt ra ngoài sự giàu có về dầu mỏ của quốc gia này.
|
Tàu thăm dò quỹ đạo sao Hỏa của UAE. Ảnh: MBRSC. |
Vì vậy, UAE đã nhắm vào quỹ đạo sao Hỏa và xác định rằng sứ mệnh này sẽ đóng góp dữ liệu khoa học có giá trị quốc tế. Đối với một đất nước hầu như không có chuyên môn về khoa học vũ trụ, đó là một thách thức lớn.
Các nhà khoa học thực hiện nhiệm vụ này đã tham khảo các nhà khoa học về sao Hỏa từ khắp nơi trên thế giới và kết luận rằng họ có khả năng để thực hiện mục tiêu là thiết kế một tàu thăm dò thu thập dữ liệu toàn diện về bầu khí quyển sao Hỏa với tất cả sự phức tạp của nó.
Tàu thăm dò sao Hỏa Amal được thiết kế dựa vào công nghệ hiện có nhưng được đặt trong quỹ đạo xích đạo độc đáo, tàu sẽ cung cấp cho các nhà khoa học dữ liệu họ cần để cùng nhau nghiên cứu thời tiết thay đổi trên sao Hỏa trong suốt một ngày và một năm tại mọi địa điểm, đồng thời nghiên cứu bầu khí quyển đang mất đi của hành tinh này.
Bầu khí quyển của sao Hỏa rất mỏng manh và hiện nay đã bị chi phối bởi carbon dioxide, nhưng nó đã có một thời gian dài giữ nước cho hành tinh này, và các nhà khoa học muốn biết sự thay đổi đó diễn ra như thế nào.
Để trả lời những câu hỏi này, tàu Hy vọng được trang bị ba dụng cụ khác nhau, một thiết bị chụp ảnh và hai máy quang phổ. Thiết bị chụp ảnh sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết về bề mặt của hành tinh, trong khi cả ba thiết bị sẽ thu thập dữ liệu cho phép các nhà khoa học theo dõi có những thành phần nào trong bầu khí quyển của sao Hỏa.
|
Đồ họa của Cơ quan Vũ trụ UAE cho thấy hành trình lên sao Hỏa của tàu Hy vọng. Ảnh: MBRSC. |
Tàu Hy vọng vẫn có một cuộc hành trình dài phía trước với 500 triệu km để lên đến sao Hỏa. Tàu sẽ trải qua hành trình bảy tháng qua không gian trước khi rơi vào quỹ đạo quanh hành tinh Đỏ. Lúc đó, tàu Hy vọng sẽ dành trọn một năm sao Hỏa, bằng gần hai năm Trái đất, quay quanh sao Hỏa và nghiên cứu bầu khí quyển của nó.
Vị trí và khoảng cách giữa Trái đất và sao Hỏa không cố định, nên giai đoạn thích hợp nhất để bay từ Trái đất đến hành tinh Đỏ chỉ lặp lại sau 26 tháng, khi sao Hỏa và Trái đất nằm thẳng hàng cùng một phía của mặt trời. Tháng 7 đến tháng 8 năm nay chính là giai đoạn không thể bỏ lỡ.
Vì thế, ngoài UAE, còn hai quốc gia khác cũng đang lên kế hoạch phóng tàu lên sao Hỏa. Trung Quốc dự định sẽ phóng tàu Thiên Vấn 1 vào ngày 23-7. Thiên Vấn 1 gồm tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo, trạm đổ bộ và robot thám hiểm nhằm trả lời các câu hỏi về địa chất và môi trường của hành tinh Đỏ.
Còn nhiệm vụ sao Hỏa năm 2020 của NASA sẽ bắt đầu đếm ngược vào ngày 30-7. Đó là tàu robot mang tên Perseverance, trên đó mang theo một chiếc máy bay trực thăng nhỏ. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là máy bay đầu tiên bay trên hành tinh khác.
LÊ LÂM (Theo Space/NDĐT)