Tàu vũ trụ Trung Quốc mang về Trái Đất mảnh đá vô giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong số 108 mẫu vật được tàu vũ trụ Hằng Nga 6 mang về Trái Đất, có một mảnh đá hoàn toàn khác biệt.

Nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Qiuli Li từ Viện Địa chất và Địa vật lý - Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phát hiện một báu vật vô giá lẫn trong số đất đá mà tàu vũ trụ trả mẫu thuộc sứ mệnh Hằng Nga 6 của Trung Quốc mang về từ "mặt tối" của Mặt Trăng.

Tàu vũ trụ làm nhiệm vụ trả mẫu vật về Trái Đất của sứ mệnh Hằng Nga 6 hạ cánh thành công hồi tháng 6 - Ảnh: CNSA
Tàu vũ trụ làm nhiệm vụ trả mẫu vật về Trái Đất của sứ mệnh Hằng Nga 6 hạ cánh thành công hồi tháng 6 - Ảnh: CNSA

Theo SciTech Daily, nhóm tác giả đã định tuổi 108 mảnh đá bazan từ lượng đất đá Mặt Trăng mà Hằng Nga 6 đem về Trái Đất trong sứ mệnh vừa qua.

Trong đó, 107 mảnh cho thấy tuổi hình thành nhất quán khoảng 2,8-3 triệu năm về trước, đại diện cho một chuỗi sự kiện núi lửa phun trào trong thời gian này.

Nhưng mảnh còn lại hoàn toàn khác biệt, là báu vật vô song: Nó đã 4-4,2 tỉ năm tuổi.

Mảnh đá khác thường được cho là có nguồn gốc từ một dải trầm tích núi lửa ở phía Nam địa điểm tàu vũ trụ hạ cánh. Đây là mẫu bazan Mặt Trăng lâu đời nhất mà nhân loại sở hữu.

Mẫu vật thứ 108 này chỉ ra rằng hoạt động núi lửa ở phía xa Mặt Trăng kéo dài ít nhất 1,4 tỉ năm và vật liệu mà núi lửa phun ra trong 2 thời kỳ đến từ các nguồn riêng biệt, có thành phần hóa học khác nhau.

Như vậy, mảnh đá chỉ nặng 1.935,3 g này lần đầu tiên giúp các nhà khoa học hiểu được hoạt động địa chất của Mặt Trăng từng sống động như thế nào, trước khi biến thành một quả cầu khô khan như ngày nay.

Các mẫu vật từ Mặt Trăng thể hiện 2 giai đoạn phun trào núi lửa khác nhau - Ảnh: Muhan yang
Các mẫu vật từ Mặt Trăng thể hiện 2 giai đoạn phun trào núi lửa khác nhau - Ảnh: Muhan yang

Hoạt động địa chất sôi động của một thiên thể liên quan rất nhiều thứ xảy ra trên bề mặt, bao gồm cả khả năng tồn tại sự sống.

Một số nghiên cứu trước đây thậm chí cho rằng vệ tinh của Trái Đất từng có sự sống - có thể là tới 2 lần - nhưng bị tuyệt chủng.

Ngoài ra, theo GS Li, việc làm sáng tỏ lịch sử núi lửa ở phía xa Mặt Trăng là rất quan trọng để hiểu được sự phân đôi bán cầu của thiên thể này.

Vị trí Hằng Nga 6 nghiên cứu là khu vực gần cực Nam của thiên thể, nằm ở "mặt tối", tức bán cầu quay về phía xa so với Trái Đất.

Mặt Trăng vốn bị khóa thủy triều với Trái Đất nên luôn hướng về Trái Đất với một bán cầu duy nhất.

Điều thú vị là mặt mà chúng ta không bao giờ nhìn thấy có rất nhiều điểm khác biệt so với mặt còn lại. Đó cũng là khu vực được cho là có thể lưu trữ nước lỏng và nếu may mắn là cả sự sống.

Lượng nước ở đây cũng biến mặt tối của thiên thể thành địa điểm phù hợp để xây dựng căn cứ Mặt Trăng, một dự án tương lai mà nhiều cơ quan vũ trụ trên thế giới đang theo đuổi.

Sứ mệnh Hằng Nga 6 của Trung Quốc được phóng vào ngày 3-5-2024, bao gồm tàu quỹ đạo mang theo 3 tàu nhỏ khác là tàu đổ bộ, tàu chuyển mẫu vật trở lại tàu quỹ đạo và một tàu làm nhiệm vụ trả mẫu vật về Trái Đất.

Trong đó, tàu trả mẫu vật đã hạ cánh ngày 25-6-2024.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm