'Quái vật vũ trụ' rơi xuống Trái Đất làm sự sống bùng nổ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một siêu vật thể to gấp 200 lần tiểu hành tinh đã xóa sổ loài khủng long lại có thể là thứ giúp chúng ta hiện diện ngày nay trên Trái Đất.

Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, sự sống trên Trái Đất đã nhân lên và tiến hóa một cách chậm chạp trong thời kỳ sơ khai, khoảng trên dưới 4 tỉ năm về trước. Nhưng 3,26 tỉ năm trước, một bước ngoặt cực lớn có thể đã xảy ra.

Theo một nhóm nghiên cứu do nhà địa chất Nadja Drabon từ Đại học Harvard (Mỹ) dẫn đầu, bước ngoặt đó đến từ một kẻ tấn công khổng lồ từ vũ trụ.

Các lớp đá trong Vành đai đá xanh Barberton lưu giữ bằng chứng về vụ va chạm giúp sự sống Trái Đất bùng nổ - Ảnh: Proceedings of the National Academy of Sciences
Các lớp đá trong Vành đai đá xanh Barberton lưu giữ bằng chứng về vụ va chạm giúp sự sống Trái Đất bùng nổ - Ảnh: Proceedings of the National Academy of Sciences

Trong số các vật thể vũ trụ từng tấn công Trái Đất, tiểu hành tinh Chicxulub gây ra chuỗi thảm họa khiến khủng long tuyệt chủng có thể là nổi tiếng nhất.

Chicxulub có đường kính lên đến 10-20 km, mang sức mạnh tàn phá tương đương 1 triệu quả bom nguyên tử và ngày nay vẫn còn dấu vết là một hố va chạm đường kính 200 km vắt vẻo từ bán đảo Yucatan của Mexico xuống biển.

Theo Science Alert, nghiên cứu mới đã chỉ ra một thứ còn khủng khiếp hơn: Một "quái vật vũ trụ" có kích thước gấp 50-200 lần Chicxulub, đã giáng xuống Trái Đất 3,26 tỉ năm về trước.

Nhóm tác giả đã xác định được một hệ tầng được gọi là Vành đai đá xanh Barberton ở Nam Phi chứa bằng chứng về vụ va chạm kinh khủng nói trên, một sự kiện được gọi là S2.

Họ thực hiện một cuộc phân tích tỉ mỉ các khoáng chất trong lớp đá S2 và đưa ra một bản tái tạo chuỗi các sự kiện xảy ra sau đó.

Nhiệt từ vụ va chạm sẽ làm sôi lớp trên cùng của đại dương, trong khi bản thân vụ va chạm được dự đoán sẽ phun bụi và mảnh vỡ vào khí quyển, tạo ra một lớp sương mù dày chặn đi ánh nắng và cản trở các vi khuẩn quang hợp sống ở vùng nước nông.

Ngoài ra, một trận sóng thần khủng khiếp đã gần như nạo vét đáy đại dương, đưa vật liệu thường ẩn sâu dưới đáy đại dương lên bề mặt.

Mặc dù điều này có thể gây hại cho nhiều dạng sống đang phát triển đã tồn tại được vài trăm triệu năm tại thời điểm này, nhưng nó lại có lợi cho một số loài.

Ví dụ, bản thân "quái vật vũ trụ" sẽ giải phóng một lượng lớn phốt pho, trong khi nước được nạo vét từ đáy biển sẽ giàu sắt.

Cả hai nguyên tố này sẽ nuôi dưỡng bất kỳ vi khuẩn nào có khả năng chuyển hóa chúng, gây ra sự gia tăng đột biến ngắn nhưng đáng kể về số lượng của chúng trước khi Trái Đất ổn định trở lại.

Vậy là một cách vô tình, vụ va chạm lại đem đến bữa ăn khổng lồ cho vô số dạng sống đang chiến đấu với môi trường khắc nghiệt của Trái Đất sơ khai, giúp chúng có nguồn sống dễ dàng để sinh sôi và lan rộng.

Sinh vật đa bào xuất hiện sau đó rất lâu, nhưng cuộc bùng nổ sinh học hơn 3 tỉ năm trước đóng vai trò như cú hích quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của sự sống, giúp hệ sinh thái Trái Đất trở nên đa dạng như chúng ta đang thấy khi mới hơn 4,54 tỉ năm tuổi.

Theo Anh Thư (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm