'Săn' sao chổi cổ đại ở Nhật Bản, chàng trai Việt nhận kết quả bất ngờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vẻ đẹp sao chổi cổ đại 80.000 năm mới 'hiện hình' và dải ngân hà trên bầu trời Nhật Bản cùng xuất hiện trong một bức ảnh của chàng trai Việt Nam khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Đã rất lâu rồi người yêu thiên văn trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam được dịp chiêm ngưỡng một sao chổi trải dài trên bầu trời buổi tối tháng 10 này. Đó là sao chổi cổ đại C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) nổi tiếng hơn 80.000 năm mới hiện hình.

Khoảnh khắc sao chổi cùng dải ngân hà nhận về "mưa tim". Ảnh HUY HYUNH
Khoảnh khắc sao chổi cùng dải ngân hà nhận về "mưa tim". Ảnh HUY HYUNH

Sau ngày sao chổi này đến gần với trái đất nhất hôm 12.10, nhiều người Việt yêu thiên văn đã "chạy đua với thời gian" để chụp được sao chổi hiếm có này, bởi đây chính là lần cuối trong đời nhiều người nhìn thấy được nó.

Trong đó có anh Huỳnh Hào Huy (còn gọi là Huy Hyunh, quê An Giang), hiện đang là thực tập sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Mới đây, anh Huy đã chụp được khoảnh khắc sao chổi C/2023 A3 xuất hiện cùng với dải ngân hà trên bầu trời nơi anh sống.

Sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, bức ảnh đã nhận được sự quan tâm lớn của những người Việt yêu thiên văn. Nhiều người ngỡ ngàng trước khoảnh khắc đẹp nói trên, cũng có người xin "bí quyết" để có thể chụp được sao chổi.

Anh Huy đã thất bại nhiều lần khi chụp sao chổi vì thời tiết không ủng hộ. ẢNH: HUY HYUNH
Anh Huy đã thất bại nhiều lần khi chụp sao chổi vì thời tiết không ủng hộ. ẢNH: HUY HYUNH

May mắn mỉm cười khi săn "sao chổi"

Chủ nhân bức ảnh cho biết anh vừa chụp nó hồi giữa tháng 10 tại TP.Tamano, Okayama. "Từ khi sao chổi này vừa được phát hiện và có thông tin nó sẽ đến gần trái đất, mình đã dùng ứng dụng thiên văn để kiểm tra và biết rằng tháng 10 năm nay sao chổi sẽ nằm gần với dải ngân hà nên mình luôn ấp ủ dự định sẽ săn được chúng vào cùng một khung hình", anh chia sẻ.

Vấn đề lớn nhất mà anh Huy gặp phải chính là thời tiết bởi nhiều lần săn sao chổi của chàng trai đều không thuận lợi. Bên cạnh đó, có những lần anh không canh đúng hướng sao chổi dẫn đến việc bị núi che, không thể chụp được ảnh.

Sau đó, may mắn đã mỉm cười khi thời tiết tốt hơn. Sau khi đi làm về, chiều tối anh bắt đầu tiếp tục săn sao chổi khoảng 30 phút và kết quả vượt ngoài mong đợi. Vì đây là sao chổi di chuyển quanh mặt trời theo chu kỳ khoảng 80.660 năm, nên đây là lần đầu cũng như lần cuối anh Huy nhìn thấy nó. Đó là lý do anh vô cùng trân trọng bức ảnh của mình.

Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2.2023. ẢNH: HUY HYUNH
Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2.2023. ẢNH: HUY HYUNH

Quan sát bức ảnh được chia sẻ trong các hội nhóm thiên văn, anh Ngọc Thành (23 tuổi) cho biết bản thân vô cùng ấn tượng vì khoảnh khắc anh Huy chụp tuyệt đẹp. Theo anh Thành, nhiều người chia sẻ ảnh sao chổi, tuy nhiên đây là bức ảnh đầu tiên anh thấy nó hiện lên cùng với dải ngân hà.

Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2.2023 bởi kính thiên văn đặt tại Nam Phi của dự án khảo sát khả năng va chạm của các tiểu hành tinh với trái đất (viết tắt là ATLAS).

Sau thời điểm cận nhật diễn ra vào ngày 27.9, ngày 12.10 sao chổi này đến gần với trái đất nhất. Sao chổi C/2023 A3 sẽ tô điểm cho bầu trời của chúng ta từ ngày 12 - 24.10 hoặc đến cuối tháng 10 nếu may mắn, theo chuyên gia.

Theo Cao An Biên (TNO)

Có thể bạn quan tâm