(GLO)- Đó là ông Nguyễn Văn Đạt (thôn Đoàn Kết, xã Ia Ga, huyện Chư Prông). Sau gần 30 năm gắn bó với mảnh đất này, gia đình ông Đạt đã có 5 sào điều, 5 sào bời lời, 4 ha cà phê và hơn 4.000 trụ tiêu, mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Đạt. Ảnh: H.T |
Năm 1985, từ Nam Định, ông Đạt theo bố mẹ vào Ia Ga sinh sống. Cũng như nhiều gia đình đi kinh tế mới khác, cuộc sống những năm đầu của gia đình ông gặp vô vàn khó khăn. “Ngày mới vào, nơi đây toàn rừng núi âm u, đi đến đâu cũng bắt gặp bom, mìn nên khai hoang sản xuất là một việc hết sức nặng nề. Đã thế, nước uống không có, sốt rét rừng liên tục hoành hành khiến cho nhiều gia đình không trụ được phải bỏ về quê sinh sống. Nghĩ cảnh ở quê cũng nghèo khó, quanh năm lam lũ vẫn không đủ ăn nên gia đình tôi quyết tâm ở lại lập nghiệp trên mảnh đất này”-ông Đạt nhớ lại. Sau khi tìm được vị trí đẹp để ở, gia đình ông đi cắt cỏ tranh về làm nhà, tìm suối lấy nước về sinh hoạt và đi nhặt từng mảnh sắt từ bom, mìn đã phát nổ trong chiến tranh còn sót lại để bán lấy tiền mua gạo giải quyết cái đói trước mắt; đồng thời, bắt tay vào khai hoang sản xuất.
Đến năm 1994, sau khi lập gia đình, ông được bố mẹ cho 3 ha đất để làm vốn sản xuất. Thời điểm đó, trồng cà phê đang cho hiệu quả cao nhưng vì không có vốn nên hai vợ chồng ông quyết định đầu tư vào trồng mì, đậu phụng và bắp lai. Đến năm 1998, cùng với nguồn vốn có được từ bán sản phẩm, vợ chồng ông vay thêm 10 triệu đồng từ ngân hàng để trồng cà phê, điều, cao su, bời lời. Nhờ chăm sóc tốt nên các loại cây trồng này đều cho năng suất cao và từ đó, gia đình ông bắt đầu có của ăn, của để. Không dừng lại ở đó, năm 2000, nhận thấy ở nhiều vùng đất khác trồng tiêu cho năng suất cao, ông mạnh dạn vay thêm ngân hàng, bán cà phê, điều lấy tiền đầu tư trồng 5 sào hồ tiêu. Cứ thu hoạch vụ này, ông lại bán để lấy tiền mua đất trồng thêm tiêu mới. Đến nay, gia đình ông có 4.000 trụ tiêu.
Ông Triều Văn Hiang-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Ga nhận xét: Ông Đạt là hộ có mức thu nhập hàng năm thuộc loại cao nhất trong xã. Không những thế, ông còn là Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh, nhiệt huyết trong công tác Hội nên đã vận động được hội viên đóng góp nhiều công sức, vật chất để thực hiện các chương trình, phần việc ở địa phương, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới. Mới đây, ông vận động được 60 hội viên trong thôn đóng góp 54 triệu đồng mua cột và lắp 30 bóng điện thắp sáng đoạn đường 700 mét trên tỉnh lộ 665. |
Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, ông Đạt cho rằng, ngoài chăm chỉ lao động, cần phải năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đặc biệt là không ngừng học hỏi kinh nghiệm sản xuất từ các phương tiện thông tin đại chúng; mạnh dạn đầu tư máy móc, phương tiện sản xuất và phải có giếng để lấy nước tưới cho cây trồng. Bởi vậy, từ năm 2000 đến nay, ngoài mua sắm máy cày mi ni, máy xay tiêu, máy phát điện, xe chở nông sản, ông Đạt còn mạnh dạn bỏ ra 500 triệu đồng khoan 6 giếng để lấy nước tưới cho 4 ha cà phê và 4.000 trụ tiêu của gia đình.
Hiện nay, mỗi năm, gia đình ông Đạt thu lãi gần 1 tỷ đồng từ sản phẩm hồ tiêu, cà phê, điều, cao su và bời lời. Ông Đạt vui vẻ nói: “Lúc đầu, vợ chồng tôi chỉ nghĩ là làm sao để đủ ăn, chứ không dám nghĩ là sẽ làm giàu trên mảnh đất khắc nghiệt này. Và cho đến bây giờ, dù cuộc sống đã đủ đầy thì vợ chồng tôi vẫn chưa dám cho phép mình ngơi nghỉ. Mình còn sức khỏe thì vẫn cứ phải làm…”.
Hồng Thương