(GLO)- Theo lý giải của một số người già ở Tây Nguyên, tổ tiên họ cho rằng với hàm răng sắc bén như dao cạo, cọp sấu giết hại con người nên chúng là loài ác thú. Để tỏ rõ sự căm phẫn chúng cũng như sự khác biệt giữa người và thú nên tổ tiên của họ quyết định cà răng. Ngoài ra, ý nghĩa sâu xa, hơn đó là qua đây rèn luyện cho dân làng tính can trường, không sợ đau đớn, không sợ chết, con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười, mọi người khinh thường.
Ở Tây Nguyên, trước đây người đồng bào dân tộc bản địa nếu như bước vào tuổi 14, 15 mà không bị cà răng sẽ xem như là đứa con lạc loài. Sau khi cúng Yang, những người có uy tín trong làng sẽ lấy chính những hòn đá nhặt được dưới các dòng suối cà mạnh vào chiếc răng cửa của những người tham gia hành lễ. Khi nào những chiếc răng được cà mòn một nửa mới thôi. Sau khi cà răng xong, họ lấy nhựa một loại cây trong rừng bôi lên từng chiếc răng bị cà. Cứ mỗi ngày sau bữa ăn bôi một lần, bôi liên tục hàng tháng thì hàm răng sẽ bóng và chắc. Chỗ nào đã bị cà mòn thì từ nay về sau không còn sưng tấy, đau nhức. Sau khoảnh khắc này, những người được cà răng chính thức trưởng thành.
Cà răng có ý nghĩa sâu xa đó là rèn luyện cho dân làng tính can trường, không sợ đau đớn, không sợ chết, con trai con gái đến tuổi không chịu cà răng dân làng chê cười. Ảnh: Bá Thăng |
Trong các sử thi của người M’nông, những “nàng kiều” có sắc đẹp khiến các chàng dũng sĩ đem lòng mê say như Kong, Binh, Jong... đều có nụ cười giòn như “tre nổ” và hàm răng “nhọn như gai mây”. Theo quan niệm của đồng bào, người nào không cà răng là xấu xí, bị người đời chê cười, con trai không lấy được vợ, con gái không lấy được chồng. Người M’nông cà, cắt bốn cặp răng cửa, chỉ còn lại chân răng, sát với nướu, hàm phía dưới vót thật nhọn. Việc cà, cắt răng bằng cách dùng đá mài cho răng ngắn dần hoặc dùng dao sắc xén từng miếng mỏng. Khi cà, cắt răng chân răng bị động nên chảy máu nhiều hai hàm răng bị sưng cả tuần lễ, không ăn được gì, chỉ húp cháo. Với người M’nông và một số tộc người khác, cà răng phải làm đúng vào tuổi đã trưởng thành, phải mọc đủ 32 cái răng và trễ nhất là ở tuổi hai mươi trước khi cưới vợ gả chồng.
Cà răng là một cực hình rất đau đớn, khổ sở nhưng các chàng trai, cô gái miền sơn cước này vẫn tự nguyện xin được cà răng để hội nhập cộng đồng, để được mọi người trong buôn làng công nhận là đẹp và đã trưởng thành. Họ có thể dùng nhiều cách khác nhau: có dân tộc thì dùng cưa, có dân tộc thì dùng đá để cà, có dân tộc thì dùng dao nhỏ có hình lưỡi cưa để cắt. Số lượng răng được cà thường là 4 hoặc 6 cái răng cửa phía trước, cũng có dân tộc còn vót thêm 6 cái răng cửa của hàm dưới theo hình tam giác. Thường thì người được cà răng phải nằm trên đống rơm, cỏ hoặc trên sàn nhà, đầu thì gối lên đùi người cà.
Già làng Y Bhiong Niê, người Ê Đê, ở buôn A Kõ Dhong, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đak Lak cho biết: “Nếu tục căng tai diễn ra khi con gái mới lọt lòng vừa nhìn thấy ông mặt trời mấy bữa thì tục cà răng dành cho hết thảy mọi người khi đã gần đến tuổi trăng tròn, khoảng 14-15 tuổi. Lúc ấy, người đã lớn, trí óc đã biết khôn. Tục cà răng có từ khi nào tôi cũng không nhớ nữa, chỉ nhớ là cha mẹ, ông bà của tôi cũng làm như thế rồi”.
Thế hệ trẻ ngày nay không còn phải chịu cảnh cà răng nữa. Ảnh: Bá Thăng |
Ông Y Biu, buôn Ama Tha, huyện Buôn Đôn nhớ lại: Lễ cà răng thường được diễn ra vào những đêm tối trời. Trước khi cà răng, thầy mo khấn: “Ơ Yang muôn vàn kính yêu và ngài kỳ đẳng tối thượng, hãy về đây xem những chiếc răng kỳ lạ của buôn làng được cà. Cà để trưởng thành, cà để khẳng định những đứa con của núi rừng đã khôn lớn…”.
Người được cà răng nằm dài trên sàn, cạnh đó có một hai người thạo việc này sẽ dùng dao, liềm hoặc rựa nhỏ với hòn đá mài rồi cà từng chiếc răng cửa hàm trên cho mòn dần đến sát lợi, máu ra lênh láng, đau tưởng chừng đứt ruột. Thường có bốn hoặc sáu chiếc răng phải cà trong lễ tục này. Người nhà và bạn bè trong làng ngồi quanh động viên người được cà răng. Họ dùng bông gạo lau sạch máu cho người ấy và giúp việc súc miệng, rồi cầm máu bằng thứ nhựa đen được lấy từ một loại cây rừng. Đây là loại thuốc hiệu nghiệm dùng để sát trùng và làm chắc răng.
Tục cà răng là một trong những nét văn hóa đặc trưng phản ánh nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của một số tộc người ở Tây Nguyên. Nó đã từng tồn tại một thời gian dài trong lịch sử nhưng ngày nay với cuộc sống thời hiện đại do sự hội nhập và giao lưu văn hóa, kinh tế rộng rãi nên nhận thức và quan niệm của đồng bào cũng đã có nhiều thay đổi. Các chàng trai, cô gái Tây Nguyên ngày nay không còn phải khổ sở vì phải chịu những cực hình để “làm đẹp” theo quan niệm xưa.
Bá Thăng