Lê Quốc Thạch chưa từng nghĩ mình sẽ đi bán bánh mì, cho tới khi học xong cao đẳng công nghệ thông tin mà trầy trật chưa xin được việc làm nào như ý.
Lê Quốc Thạch chăm chút cho từng sản phẩm của mình |
Trong một chiều đói bụng về ngang đường Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ăn ổ bánh mì kẹp thịt, một ý tưởng nảy ra trong anh.
“Đổ máu” vì bánh mì
Chàng trai 30 tuổi giơ cánh tay trái ra khoe, phía trong chi chít các vết sẹo, “ngày xưa mới làm, mài dao thái thịt nướng thì lia luôn dao vào tay, máu chảy ròng ròng”.
“Tại sao là bánh mì mà không phải món ăn nào khác?”, chúng tôi hỏi Thạch. “Một cái gì đó gần gũi với người Việt, ai cũng có thể ăn được, và ăn nhiều ngày, giá cả bình dân, đó là bánh mì. Áp lực mưu sinh càng khiến tôi phải làm bằng được”.
Năm 2014, Thạch và người bạn gái mở một quán cà phê nhỏ, bán kèm bánh mì trong một khu dân cư đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM); chỉ sau 5 tháng thì dẹp tiệm, hơn 50 triệu đồng bỏ ra đầu tư chỉ vớt vát lại được vài triệu đồng tiền thanh lý bàn ghế. Sốc và buồn, nhưng Thạch vẫn nung nấu ý định với bánh mì kẹp thịt nướng trong ổ bánh hình tam giác, kèm nước xốt và các loại rau. Lần này anh chỉ bán trên xe đẩy ở vỉa hè đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), đầu tư ban đầu hơn 20 triệu.
Anh từng đi từ Sài Gòn ra Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác chỉ để ăn thử bánh mì kẹp thịt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ để làm ra chiếc bánh mì sao cho đúng hương vị VN nhất, từ loại thịt heo chọn để nướng, tới rau củ quả có bốn mùa, ai cũng ăn được. “Làm nước xốt cho bánh mì kẹp là rất quan trọng. Nhưng chọn thịt, ướp và thái thịt cũng không hề dễ. Trước giờ tôi chưa biết gì về bánh mì, cứ đi ăn nhiều nơi, về vừa làm vừa sửa. Làm sao để chiếc bánh mì kẹp thịt mà người ta thấy rất nhiều trên phố, vào tay mình phải ngon nhất, khác biệt nhất”, Thạch chia sẻ. “Những ngày đầu mới làm, lúc thì thịt cháy, lúc lại mặn quá, khô quá, có lúc thịt cũng ngon rồi đấy nhưng ế ẩm, hai đứa ăn bánh mì trừ cơm”, Thạch nhớ lại.
Khởi đầu gian nan
Bán hàng được chừng một năm rưỡi, lúc khách bắt đầu quen vị thịt nướng thơm ngậy và lớp vỏ bánh mì giòn tan của anh, thì xung quanh mọc thêm 2 điểm bán cạnh tranh; chủ nhà lại nâng giá thuê nhà lên chót vót, Thạch đành đóng cửa.
Năm 2016, Thạch thành lập công ty, đăng ký thương hiệu, chú trọng bộ nhận diện sản phẩm, làm bao bì cho chiếc bánh mì để nó đẹp và tiện lợi hơn. Anh liều lĩnh thuê mặt bằng giá “chát” tại khu ẩm thực đường phố tại chợ Bến Thành (Q.1) rồi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, cư xá Bắc Hải (Q.10)... tiếp tục nuôi mộng làm ông chủ bánh mì, nhưng cũng lần lượt không thành.
Trong nỗi buồn thất bại, Thạch lên mạng đăng ký vào một chương trình của thung lũng Silicon VN, bất ngờ được chọn là một trong 11 nhà khởi nghiệp được tham gia khóa học tại Hà Nội một tháng với nhiều kiến thức khởi nghiệp trước nay anh chưa từng biết. “Khóa học đã thay đổi trong tôi nhiều tư duy kinh doanh. Tôi hiểu rằng sản phẩm của mình không chỉ là ổ bánh mì kẹp thịt, mà còn là quy trình để làm ra chiếc bánh mì đó. Tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về nhượng quyền, những lợi nhuận mình có thể tạo ra khi có ngày càng nhiều cửa hàng mua bản quyền của mình”, Thạch chia sẻ.
Cùng những người trẻ khác xây dựng cuộc đời
Từ những cửa hàng nhượng quyền đầu tiên ở Đà Lạt, TP.HCM rồi vươn tới Phan Thiết, Đà Nẵng, Đồng Tháp... và nhiều tỉnh thành miền Bắc, sau 5 năm khởi nghiệp với bánh mì, chàng trai Bình Định giờ đã là ông chủ thương hiệu bánh mì Kebab Torki với 110 cửa hàng nhượng quyền và hợp tác kinh doanh phủ sóng 31 tỉnh thành trên cả nước.
Trong niềm vui chứng kiến đứa con tinh thần của mình ngày một lớn, Thạch cũng xúc động khi thấy những người trẻ cùng anh mang chiếc bánh mì kẹp thịt tới gần hơn với mọi người, đang dần dần xây dựng được sự nghiệp riêng của họ. “Đó là vợ chồng Dương ở TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp, ngày mới cưới nhau, họ đi một chiếc xe máy cũ kỹ khi tới gặp tôi xin được nhượng quyền một xe bánh mì. Có gì đó quả quyết trong đôi mắt của người chồng, tôi đồng ý để họ trả góp. Bây giờ thì họ đã sinh con, mở thêm cửa hàng bánh mì thứ 2. Đó là Phong, mới 22 tuổi, ở huyện Củ Chi, cũng xin trả góp để có một xe bánh mì, bây giờ mở thêm chi nhánh nữa, lợi nhuận mỗi xe hơn 30 triệu đồng/tháng”, Thạch kể.
Thạch ấp ủ mục tiêu mang bánh mì kẹp thịt của mình tới thị trường Lào và Campuchia. Anh cho hay mình không dừng lại mục tiêu chỉ kiếm tiền được trên phần bản quyền và cung cấp nguyên liệu cho các cửa hàng, mà anh còn muốn dựa trên các cửa hàng đã có, khách hàng đã xây dựng được để phối hợp thêm với các nhà khởi nghiệp khác, kinh doanh thêm các sản phẩm trên các xe bánh mì. “Có thể đó là nước ép, cà phê hoặc báo chẳng hạn. Tôi nghĩ mỗi người mua ổ bánh mì kèm thêm ly cà phê hay tờ báo đọc buổi sáng, thế là chào một ngày mới rất vui”, Thạch hào hứng.
Thúy Hằng (thanhnien)