Trưởng thôn mẫn cán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tận tụy, nhiệt huyết với công việc nên ông Phạm Hữu Trung (SN 1972, thôn 6, xã Thành An, thị xã An Khê, Gia Lai) được bà con trong xóm yêu mến, tin tưởng, từ đó tích cực tham gia các phong trào do thôn phát động.

Trách nhiệm, nhiệt tình

Đầu năm 2015, thôn 6 được tách ra từ thôn 1 và ông Phạm Hữu Trung được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Nhớ lại ngày mới thành lập, ông Trung chia sẻ: “Thôn 6 khi ấy có 157 hộ, trong đó số gia đình có điều kiện kinh tế khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thôn có 3 tuyến đường liên thôn thì đều là đường đất khiến nhân dân và các cháu học sinh đi lại rất khó khăn. Nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn là nhà mẫu giáo cũ đã xuống cấp, xập xệ”.

 

Ông Phạm Hữu Trung chăm sóc vườn hoa. Ảnh: P.L
Ông Phạm Hữu Trung chăm sóc vườn hoa. Ảnh: P.L

Năm 2015 cũng là thời điểm cả xã thi đua đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới. Mặc dù điều kiện thực tế còn nhiều khó khăn, song ông Trung vẫn quyết tâm làm thay đổi bộ mặt thôn xóm. Ông vận động bà con chung tay làm đường bê tông, trồng hoa tạo cảnh quan trước nhà. Ông cũng kêu gọi bà con đóng góp được 100 triệu đồng để xây nhà sinh hoạt cộng đồng. “Cái khó nhất của người làm Trưởng thôn chính là công tác vận động nhân dân. Nhưng nếu làm việc gì cũng đều đặt lợi ích của bà con lên hàng đầu và lấy đó làm mục đích để vận động thì sẽ tranh thủ được sự đồng lòng, ủng hộ của mọi người”-ông Trung bày tỏ.

Ngoài ra, để phát động nhân dân tham gia đảm bảo an ninh trật tự thôn làng, ông Trung xung phong đi đầu tuần tra canh gác. Nhờ đó, mọi hoạt động trong thôn đều được nắm bắt; các đối tượng lạ mặt đến địa bàn, các vụ việc phát sinh đều được báo cáo, xử lý kịp thời. Ông Trung còn trực tiếp tham gia hòa giải các vụ tranh chấp của người dân. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Thỉnh thoảng xảy ra vài vụ tranh chấp lấn chiếm bờ rào, hàng quán, chuyện con gà, con vịt. Dù vậy, khi hòa giải, mình cũng luôn thấu tình đạt lý, tùy đối tượng để có cách thuyết phục thì mới giải quyết êm xuôi được”.

Dân tin, dân quý

Thôn 6 bây giờ đã có nhiều đổi thay tích cực. Các tuyến đường sạch đẹp nhờ được bê tông hóa, nhà cửa khang trang. Hội trường thôn cũng được xây dựng bài bản, có vòm che mát cả khoảng sân rộng. Sự “lột xác” ấy là nhờ một phần tâm huyết xây dựng xóm làng của người Trưởng thôn.

Bà Ngô Thị Nhàn (người dân thôn 6) đã không tiếc lời khen ngợi khi nhắc đến ông Trung: “Thôn 6 thay đổi nhiều như hôm nay là có công sức rất lớn của ông Trung. Mọi người trong thôn đều quý mến ông bởi tinh thần làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, chuyện gì cũng có tình có lý”.

Do vậy, không lạ khi bà trong con thôn rủ nhau góp tiền mua bộ âm ly đặt tại nhà ông Trung rồi kết nối với 4 chiếc loa khác giúp ông thuận lợi hơn trong việc thông báo các cuộc hội họp, phổ biến công văn, giấy tờ hay tuyên truyền, vận động. Ông Trung cho hay: “Từ khi có bộ âm ly này, mỗi khi cần phổ biến công việc nào đó, tôi soạn văn bản sao cho dễ hiểu rồi phát lên loa cho mọi người cùng nghe. Nhờ đó mà các vấn đề về bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông… được bà con cập nhật nhanh chóng, kịp thời”.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh-Bí thư Đảng ủy xã Thành An (thị xã An Khê): “Mặc dù mới thành lập nhưng thôn 6 đã có những bước tiến vượt bậc so với các thôn khác trên địa bàn xã, từ cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nông thôn cho đến tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, xã hội hóa… Có được sự thay đổi ấy là nhờ vào sự “dẫn dắt” của Ban Nhân dân thôn, trong đó phải kể đến Trưởng thôn Phạm Hữu Trung. Hết lòng vì phong trào, chân tình, gần gũi, ông Trung tìm được sự chung sức, đồng lòng và tận dụng nguồn lực trong dân để xây dựng thôn xóm ngày càng khởi sắc”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Rượu ghè men lá H'nham

Rượu ghè men lá H'nham

Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23/6

Vận hành thử nghiệm hoạt động chính quyền cấp xã mới tại Lâm Đồng vào ngày 23-6

Việc vận hành thử nghiệm đối với các đơn vị hành chính cấp xã được chọn nhằm đánh giá trực quan để rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh nếu có khó khăn, vướng mắc; bảo đảm hoạt động của tất cả 124 đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Lâm Đồng mới thông suốt, khi chính thức hoạt động từ ngày 1-7.

Kết nối rừng và biển

Kết nối rừng và biển

Cùng với việc sáp nhập tỉnh, câu chuyện giao thông kết nối biển - rừng giữa các tỉnh Nam Tây nguyên với khu vực Duyên hải Nam Trung bộ cũng rất được người dân quan tâm, với mong mỏi có thể sớm "sáng uống cà phê ở rừng chiều tắm biển".

null