(GLO)- Sau 1 năm triển khai, mô hình trường học bán trú theo đặc thù trên địa bàn huyện Phú Thiện đã góp phần duy trì sĩ số học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện Phú Thiện hiện có 42 đơn vị trường học ở 3 bậc: THCS, Tiểu học và Mầm non với 589 lớp, 16.638 học sinh; trong đó, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 50%. Xuất phát từ thực tế học sinh DTTS một buổi đến trường, một buổi ở nhà theo bố mẹ lên nương rẫy, ít có điều kiện đầu tư cho việc học, dẫn đến nhiều em bỏ học giữa chừng hoặc nghỉ học nhiều, không theo kịp chương trình trên lớp, năm học 2017-2018 huyện Phú Thiện đã triển khai thí điểm mô hình trường học bán trú theo đặc thù của huyện tại 11 trường (gồm 8 trường Tiểu học và 3 trường THCS) với tổng số hơn 900 học sinh được ăn, ở bán trú.
|
Mô hình trường học bán trú theo đặc thù góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu. Ảnh: T.D |
Nội dung chương trình dạy học ở các lớp bán trú được xây dựng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đảm bảo 7 buổi/tuần đối với bậc Tiểu học và 8 buổi/tuần đối với bậc THCS. Học sinh được ăn trưa, ngủ nghỉ tại trường, đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sức khỏe. Ngoài việc học chính khóa, các giáo viên còn tăng cường ôn tập, củng cố kiến thức, đặc biệt là tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS cũng như đẩy mạnh các hoạt động, phong trào rèn luyện kỹ năng sống phù hợp với tâm lý, lứa tuổi học sinh.
Từ khi tham gia mô hình trường học bán trú theo đặc thù được triển khai, khả năng nói chuyện bằng tiếng phổ thông của em Siu Thu Nga (học sinh lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Tất Thành, xã Ia Yeng) đã được cải thiện hơn rất nhiều; khả năng tiếp thu bài của em cũng nhanh hơn. Nga phấn khởi cho biết: “Bây giờ em nói tiếng phổ thông lưu loát rồi, tiếp thu bài giảng cũng rất nhanh. Em được thầy cô giảng dạy thêm, được ăn cơm, vui chơi với bạn bè nữa nên em rất thích đến trường.”
Còn em Siu H’Ngân (học sinh lớp 2A, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Chrôh Pơnan), cho biết: “Ở đây em được ăn với đầy đủ các món như cá thịt, rau, quả… lại được chơi với các bạn nữa. Em thấy vui lắm và rất thích đến trường.”
|
Mô hình trường học bán trú theo đặc thù của huyện thu hút sự quan tâm hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.D |
Kinh phí để thực hiện mô hình bán trú chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa. Ủy ban nhân dân huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, bếp ăn bán trú; các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, chính quyền địa phương phối hợp với nhà trường, Ban Đại diện cha mẹ học sinh để vận động xã hội hóa phục vụ lớp bán trú; các trường tự trồng vườn rau xanh phục vụ bếp ăn; Hội Phụ nữ phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Đại diện cha mẹ học sinh tổ chức nấu cơm, phục vụ học sinh…
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Ngần-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ia Piar) cho biết: Nhà trường đã làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, giáo viên. Qua đó, giáo viên đã tự nguyện dạy ngày 2 buổi và hàng tuần thay phiên nhau đến để chăm sóc, trông coi các em. Bên cạnh đó, để khẩu phần ăn của các em thêm phong phú cũng như rèn thêm cho các em tính chăm chỉ, yêu lao động thầy và trò nhà trường đã cùng nhau làm vườn rau sạch, mỗi khối trồng từ 1 đến 2 loại rau khác nhau để phục vụ cho bữa ăn hàng ngày. Từ khi triển khai mô hình trường học bán trú, học sinh đi học đều hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhanh, thậm chí không còn nữa. Học lực của các em cũng từ đó nâng lên đáng kể trong năm học vừa qua.
|
Bữa ăn trưa của thầy trò Trường Tiểu học Lý Tự Trong, xã Ia Piar. Ảnh: T.D |
Có con hạc bán trú tại Trường Tiểu học Kpă Klơng (xã Ia Peng), chị Ksor H’Nhut phấn khởi cho biết: “Trong thời gian qua, nhà trường đã tạo điều kiện cho con tôi được học, được ăn trưa, ngủ nghỉ tại trường nên tôi rất an tâm. Trước kia học lực con tôi khá yếu. Từ khi được học bán trú, con tôi học khá hơn, việc đọc, viết và nói tiếng phổ thông cũng tốt hơn. Cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện cho con em chúng tôi”.
Bà Nguyễn Thị Hoa-Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện, cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với mô hình trường học bán trú theo đặc thù của huyện là khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn lực hỗ trợ về bữa ăn trưa cho các cháu. Phòng cũng đã đề nghị các cấp, các ngành và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ xây dựng một số hạng mục cơ sở vật chất phục vụ các trường bán trú.” |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, quá trình triển khai mô hình trường học bán trú theo đặc thù của huyện cũng gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, nhiều trường phải tận dụng các khoảng không gian phòng học, phòng chức năng để làm nơi ăn và nghỉ trưa cho học sinh; việc vận động đóng góp, hỗ trợ về gạo, các nhu yếu phẩm, trang-thiết bị phục vụ bán trú tại các trường vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn còn nhiều hạn chế…
Tấn Dũng