Trung Quốc đột ngột chậm thu mua, giá một loại nông sản ở Tây Nguyên giảm dù đang vào vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trung Quốc chậm thu mua khiến giá tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên cuối tháng 1/2022 giảm nhẹ dù đang ở đầu vụ thu hoạch.
Giá tiêu giảm nhẹ do Trung Quốc chậm thu mua
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do Trung Quốc chậm thu mua nên giá tiêu ở một số tỉnh Tây Nguyên giảm nhẹ, dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch,
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Nông, những người trồng tiêu đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch hạt tiêu sớm. 
Mặc dù sản lượng tiêu đưa ra thị trường đợt này không nhiều nhưng do sức mua từ Trung Quốc giảm cũng tác động tiêu cực lên giá mặt hàng này. 
Khảo sát thị trường của Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, ngày 18/1/2022, giá tiêu đen tại thị trường trong nước giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so với ngày 30/12/2021, xuống mức 77.500 - 80.500 đồng/kg. 
Giá tiêu trắng giảm 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2021, xuống mức 117.000 đồng/kg.
Tính chung năm 2021, lượng hạt tiêu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 32,5%  so với năm 2020.
Do Trung Quốc chậm thu mua nên giá tiêu ở một số tỉnh Tây Nguyên giảm nhẹ, dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch. Trong ảnh: Nông dân Gia Lai thu hoạch tiêu. Ảnh: T.Hiền.
Do Trung Quốc chậm thu mua nên giá tiêu ở một số tỉnh Tây Nguyên giảm nhẹ, dù mới bước vào đầu vụ thu hoạch. Trong ảnh: Nông dân Gia Lai thu hoạch tiêu. Ảnh: T.Hiền.
Trung Quốc siết thông quan ảnh hưởng nhiều đến giá tiêu, xuất khẩu tiêu
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2021, ngành hạt tiêu xuất khẩu đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và sản lượng sản xuất giảm. 
Mặc dù vậy, nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh giúp ngành hạt tiêu nước ta vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2021. 
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 15.000 tấn, trị giá 70,88 triệu USD, so với tháng 12/2020 giảm 27,4% về lượng, nhưng tăng 23,5% về trị giá.
Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt xấp xỉ 261.000 tấn, trị giá 937,85 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020. 
Đáng chú ý, giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể. Tháng 12/2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.710 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 9/2017, tăng 1,6% so với tháng 11/2021 và tăng 70,2% so với tháng 12/2020.
Tính chung cả năm 2021, giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 3.593 USD/tấn, tăng 55,2% so với năm 2020.
Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2022, ngành hạt tiêu Việt Nam đối mặt với khó khăn do phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động thông quan ở một số cửa khẩu. 
"Khi mở cửa trở lại, phía Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tăng mạnh nhập khẩu để bù đắp cho thời gian bị gián đoạn. Dự báo năm 2022, ngành hạt tiêu Việt Nam vẫn được hưởng lợi về giá do nguồn cung hạn chế" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Trong khi xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc giảm thì Việt Nam lại tăng tốc xuất khẩu tiêu sang Mỹ.
Theo thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 11 tháng năm 2021 đạt 85.160 tấn, trị giá 318,4 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 38,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 58.100 tấn, trị giá 211,47 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 
Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Mỹ tăng từ 66,6% trong 11 tháng năm 2020 lên 68,25% trong 11 tháng năm 2021. 
Theo K.Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.