Trung học phổ thông: "Cánh cửa" không nhất thiết phải bước qua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở (THCS) được xem là giải pháp tích cực của ngành Giáo dục-Đào tạo nhằm hướng nghiệp cho học sinh và hướng tới việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, do nhận thức của gia đình, học sinh và toàn xã hội còn chưa cao nên việc phân luồng còn gặp không ít rào cản.

Nhiều rào cản

Ông Huỳnh Minh Thuận-Giám đốc Sở Giáo dục-Đào, cho biết: “Hàng năm, Sở Giáo dục-Đào tạo đều lồng ghép việc phân luồng học sinh THCS trong hướng dẫn triển khai nhiệm vụ từng năm học, trong đó yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tuyển sinh học sinh sau THCS vào học các chương trình giáo dục thường xuyên. Kết quả phân luồng sau THCS ở tỉnh ta đến nay chỉ mới đạt 17,5%”. Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo lý giải nguyên nhân: Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều được thi tuyển hoặc xét tuyển vào lớp 10 của các trường THPT trong tỉnh nên hạn chế nguồn tuyển đối với các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên; cơ chế và chính sách về phân luồng THCS chưa thật sự đầy đủ, giáo dục nghề nghiệp chưa thu hút nhiều học sinh vào học; cơ sở vật chất, chương trình đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu lao động của thị trường. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; nhiều học sinh không lượng được sức học của bản thân và điều kiện kinh tế gia đình để tìm con đường học nghề từ sớm; tâm lý chung đều muốn con vào đại học để mong có cơ hội thuận lợi về vị trí việc làm sau tốt nghiệp.


 

 Anh Ngô Đức Thọ (bìa trái) là một điển hình của sự thành công khi theo học nghề sau THCS. Ảnh: P.L
Anh Ngô Đức Thọ (bìa trái) là một điển hình của sự thành công khi theo học nghề sau THCS. Ảnh: P.L

Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Văn Điều-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, cho rằng: “Do số trường học bậc THPT trên địa bàn tỉnh quá nhiều, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 cao, thậm chí còn cao hơn cả số lượng thí sinh đăng ký, nên học sinh không mặn mà với các trường nghề; tốt nghiệp THCS khi mới 15 tuổi nên các em chưa quan tâm tới việc định hướng nghề nghiệp; việc triển khai công tác hướng nghiệp ở các trường THCS vẫn còn hạn chế về khâu tổ chức; chất lượng đào tạo nghề của một số trường chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều em học nghề khi trở về địa phương không được ưu tiên trong tuyển dụng”.

THPT không phải là con đường duy nhất

Phân luồng học sinh sau THCS là một trong những giải pháp để tạo nguồn nhân lực phù hợp với nền kinh tế thị trường hiện nay. Khi tốt nghiệp các trường có đào tạo nghề, các em học sinh vừa có bằng văn hóa, vừa có bằng nghề; như vậy đỡ tốn cả thời gian lẫn chi phí. Nếu làm tốt công tác phân luồng ngay từ bậc THCS, đối tượng này sẽ trở thành nguồn nhân lực cho xã hội sớm được 3 năm. Bên cạnh đó, nhu cầu lao động hiện nay đã có sự phân hóa rõ rệt; chuyện cử nhân đại học, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường thất nghiệp là chuyện thường.

Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều người “lập thân, lập nghiệp” thành công từ việc định hướng đúng nghề nghiệp sau khi học xong THCS, chứng tỏ THPT không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Trường hợp của anh Ngô Đức Thọ (SN 1982, đường Tôn Thất Thuyết, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một điển hình. Tốt nghiệp THCS, vì một số lý do cá nhân nên anh Thọ không tiếp tục học lên THPT. Bỏ dở sự nghiệp học hành một thời gian, năm 2008, anh đăng ký học nghề điện-công nghiệp dân dụng tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ra trường với tấm bằng trung cấp và những kinh nghiệm tích lũy được từ việc thực hành thường xuyên, ban đầu, anh Thọ đi làm thuê cho một số cửa hàng kinh doanh. Sau đó, anh mạnh dạn vay vốn để mở Xưởng Cơ khí Tuấn Thảo chuyên cung cấp vật liệu xây dựng, điện nước, thép tấm… với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Hiện tại, xưởng cơ khí của anh Thọ đang tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương 9 triệu đồng/tháng. Không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai cũng được anh tạo điều kiện làm việc nếu có tay nghề vững. “Đối với tôi, việc không có bằng THPT cũng không quan trọng lắm, miễn sao mình học được một nghề phù hợp, nuôi sống được bản thân và gia đình. Việc lựa chọn nghề từ sau khi tốt nghiệp THCS cũng phải được cân nhắc bởi phải có niềm đam mê mới theo học và lập nghiệp được sau khi ra trường”-anh Thọ tâm sự.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có khá nhiều trường đào tạo nghề sau THCS, đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, hiện trường đang đào tạo 19 nghề thuộc hệ Trung cấp, 12 nghề thuộc hệ Cao đẳng. Khi vào học tại trường, học sinh có thể nhận được nhiều đãi ngộ như: được miễn giảm học phí từ 30% đến 70%; có chỗ ăn ở và được hỗ trợ chi phí đi lại, sinh hoạt. Em Đinh Thị Dăm (SN 2001, dân tộc Bahnar, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro)-đang theo học năm thứ nhất ngành Công tác Xã hội tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai, chia sẻ: “Ở chỗ em ở đã có nhiều anh chị theo học Trường Cao đẳng Nghề và về nhà mở tiệm kinh doanh cho thu nhập rất ổn định. Vì thế, sau khi tốt nghiệp THCS, biết được sức học của mình nên em liền đăng ký vào học tại đây. Em được miễn giảm học phí, lại được bố trí chỗ ăn nghỉ nên giảm bớt chi phí cho gia đình”.

Giải pháp nào?

Đối chiếu với mục tiêu đến năm 2020 “Phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề” theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị, việc phân luồng sau THCS ở tỉnh ta tuy đã có sự chuyển biến nhưng để tăng cường chất lượng, hiệu quả thì cần phải có sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành.

Theo Thạc sĩ Phạm Văn Điều, để thu hút học sinh, nhà trường đã cử các cán bộ về các trường THCS, các địa phương để vận động, tư vấn nghề nghiệp, giải đáp những thắc mắc liên quan, giới thiệu công tác đào tạo của trường để học sinh và phụ huynh có thêm thông tin. Nhà trường cũng sẵn sàng tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh trực tiếp tham quan, tìm hiểu các ngành nghề đào tạo ở trường. Đồng thời, tích cực phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các em thực hành và tìm đầu ra cho các em sau khi tốt nghiệp”.

Chia sẻ về những giải pháp trong thời gian tới, ông Huỳnh Minh Thuận cho rằng: Muốn công tác phân luồng học sinh sau THCS đạt kết quả cao trong thời gian tới, cần có kế hoạch phân chia chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý hàng năm cho các cơ sở giáo dục thường xuyên, các trường chuyên nghiệp và các trường nghề trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sớm ổn định biên chế đội ngũ giáo viên của các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Giáo dục Nghề nghiệp tỉnh ngay sau khi triển khai việc sáp nhập các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên với các Trung tâm Dạy nghề theo chủ trương của Chính phủ. Cần tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng cần mở rộng quy mô, tăng cường cơ sở vật chất…

 Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.
Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

Người chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của học sinh

(GLO)- Cách đây 5 năm, anh Tạ Ngọc Thinh quyết định từ bỏ cơ hội làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để về Gia Lai lập nghiệp bằng việc mở Trung tâm Ngoại ngữ Việt Anh VES (số 30 Trần Quang Khải, TP. Pleiku). Từ đó, anh đã góp phần chắp cánh cho ước mơ học tiếng Anh của nhiều em học sinh.
Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Mức lương cao nhất lên đến 15 triệu đồng/tháng

Thị trường lao động đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi tương đối nhanh nhờ việc kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19. Từ nay đến cuối năm, vẫn có rất nhiều doanh nghiệp và người lao động có nhu cầu tuyển dụng và tìm kiếm việc làm ở mức cao. Do đó, các phiên giao dịch việc lưu động thời điểm này đang được tích cực triển khai thực hiện, nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các bên.
Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

Gia Lai: Tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội

(GLO)- Trong 2 ngày (30 và 31-10), tại TP. Pleiku, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức tập huấn chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội cho 172 công chức văn hóa-xã hội thuộc các huyện: Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh, Chư Prông, Đak Đoa, TP. Pleiku và các cơ sở bảo trợ xã hội, gồm: Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp tỉnh, Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh, Nhà trẻ mồ côi Sao Mai, chùa Bửu Châu, Làng trẻ em SOS Pleiku.
Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

Cải cách hành chính kỳ cuối: Công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ

(GLO)- Mặc dù còn nhiều khó khăn song kết quả cải cách hành chính (CCHC) nhà nước của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2011-2020 đã tạo sự chuyển biến về cải cách thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công và hiện đại hóa hành chính. Đó là tiền đề để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu CCHC, hướng đến sự hài lòng của người dân.