Trồng mía hố-cách làm hay ở thành phố Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ năm 2019 đến nay, một số bà con nông dân tại thành phố Kon Tum triển khai “Mô hình trồng mía hố” trên vùng đất đồi dốc để thay thế phương pháp trồng mía truyền thống.

Qua thực tế triển khai, mô hình này giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại thu nhập cao cho các hộ trồng mía.

Theo phương pháp truyền thống, cây mía được trồng theo hàng tại các khu vực bằng phẳng; mía đạt sản lượng cao ở năm đầu và giảm sản lượng đáng kể ở các năm sau đó. Mặt khác, phương pháp trồng mía truyền thống không thể trồng trên đất đồi dốc, do đất trồng dễ bị rửa trôi, xói mòn.

Để khắc phục các hạn chế của phương pháp trồng mía trước đây, một số hộ dân tại thành phố Kon Tum mạnh dạn triển khai mô hình trồng mía hố. Ưu điểm của mô hình này là có thể trồng mía tại khu vực đất đồi dốc, khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng và giữ nước tốt hơn, giúp cây mía đảm bảo độ ẩm, hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho những vùng trồng mía không chủ động được nước tưới.

Vườn mía của gia đình anh A Phéo (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết) bước vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: TL

Vườn mía của gia đình anh A Phéo (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết) bước vào giai đoạn thu hoạch. Ảnh: TL

Về quy trình trồng, người trồng mía dùng thiết bị cơ giới khoan các hố có chiều rộng 70-80cm, chiều sâu 40-50cm, khoảng cách giữa các tâm hố là 1,5m. Sau khi bón lót, hom mía đặt nằm ngang dưới mặt hố theo hình cánh quạt, mỗi hố đặt 12-14 hom (hom mía có chiều dài khoảng 30cm, có từ 3-4 mắt mầm). Tiếp đó, người dân tiến hành lấp đất lên hom khoảng 15cm để hoàn tất quá trình trồng mía hố.

Kỹ thuật chăm sóc mía hố tương tự so với phương pháp trồng mía theo hàng truyền thống; trong đó cần chủ động các khâu làm cỏ, bón phân theo đúng quy trình.

Mô hình trồng mía hố tại thành phố Kon Tum hiện đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Tháng 12/2021, gia đình anh Lê Hồ Kim Trọng ở thôn 5, xã Đoàn Kết tiến hành trồng 2ha mía hố trên diện tích đất đồi. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc mía hố, trong vụ thu hoạch đầu tiên, vườn mía của gia đình anh Trọng cho sản lượng 180 tấn. Cây mía lưu gốc tiếp tục phát triển trong các năm tiếp theo, cho sản lượng và năng suất cao hơn so với năm đầu thu hoạch.

Anh Lê Hồ Kim Trọng chia sẻ: So với trồng mía theo hàng, việc trồng mía hố giúp gia đình tiết kiệm hơn về chi phí phân bón, lượng phân nằm trong hố ít bị thất thoát do quá trình rửa trôi. Bên cạnh đó, năng suất, sản lượng đạt cao hơn so với cách trồng truyền thống khoảng 20%, giúp gia đình chúng tôi có thêm thu nhập.

“Với khoảng 2ha mía trồng theo mô hình mía hố, năng suất mía của gia đình tôi thu được trong năm 2023 ước đạt 210 tấn; chi phí bỏ ra trong năm thứ 2 giảm đáng kể nên lợi nhuận đạt khoảng 100 triệu đồng”, anh Trọng khẳng định.

Tương tự, vườn mía hố (0,5ha) của gia đình anh A Phéo (thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết) mang lại thu nhập cao hơn 20% so với phương pháp trồng mía truyền thống. Thấy được thành công của phương pháp trồng mía hố mà gia đình anh A Phéo, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đoàn Kết đến tham quan, học hỏi kỹ thuật để áp dụng nhân rộng trong thời gian đến.

Thành phố Kon Tum hiện có diện tích vùng nguyên liệu mía hơn 1.040ha, chiếm trên 80% tổng diện tích vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Đường Kon Tum trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thời gian qua mô hình trồng mía hố triển khai được 7,5ha tại 2 địa phương (gồm xã Chư Hreng 5ha, xã Đoàn Kết 2,5ha).

Trồng mía hố cho năng suất cao hơn 10-20% so với phương pháp trồng mía theo hàng. Ảnh: TL

Trồng mía hố cho năng suất cao hơn 10-20% so với phương pháp trồng mía theo hàng. Ảnh: TL

Qua theo dõi, mô hình trồng mía hố tại xã Đoàn Kết cho năng suất mía tơ đạt 90 tấn/ha, năm thứ 2 đạt trên 100 tấn/ha. Tại xã Chư Hreng, năng suất mía tơ đạt 105tấn/ha, năm thứ 2 đạt 98 tấn/ha. Năng suất mía hố cao hơn so với trồng mía theo cách trồng mía truyền thống từ 10-20%.

Thành công của mô hình trồng mía hố đã tạo tiền đề để thành phố Kon Tum thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích đất bạc màu, đất trồng mì bị bệnh khảm lá do vi rút chuyển sang trồng mía. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế mang lại trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, hạn chế được tình trạng xói mòn đất và tăng thu nhập cho người nông dân.

Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Trong thời gian tới, Phòng tăng cường phối hợp với UBND các xã, phường và Công ty Cổ phần Đường Kon Tum tuyên truyền, phổ biến về hiệu quả mô hình mía hố, nhằm khuyến khích bà con nông dân từng bước nhân rộng diện tích trồng mía hố trên địa bàn; vận động người dân thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm mía đường để đảm bảo đầu ra ổn định, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, triển khai xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trồng mía.

Có thể bạn quan tâm