Trồng mai vàng vì sao phải kỳ công giăng lưới đuổi chim, hỏi tay lão luyện hóa ra đều là dân gốc Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến ngắm các vườn mai có tiếng của người trồng mai, chăm mai, cho thuê mai ở thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), chúng tôi thấy những gốc mai chi chít nụ sẵn sàng đón Xuân, như báo hiệu một năm mới có nhiều điều tốt lành.
Gần như trở thành thông lệ, bước sang tháng Chạp, tôi thường la cà với giới chăm mai, yêu mai ở các phường trên địa bàn thành phố Kon Tum. 
Ngồi nhâm nhi ly trà với các bạn chơi mai, các anh cho biết, năm nay thời tiết nắng ấm, dường như vườn mai nào cũng chi chít nụ hoa, sẵn sàng đón Xuân, làm đẹp lòng người trong ngày Tết.
Lặt lá cho mai. Ảnh: VN
Lặt lá cho mai. Ảnh: VN

Qua lời các bạn yêu mai, tôi vào thăm vườn mai của ông Võ Văn Tám,  phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Là người gắn bó với cây mai lâu năm, ông Tám xem đó như một nghề, là thú vui. Vườn mai của ông tuy không lớn, nhưng cây mai nào cũng sung sức và chi chít nụ hoa.

Vốn là dân gốc Bình Định, gắn bó nghề trồng mai, chăm mai, cho thuê mai lâu năm, ông Tám có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm mai. 
Chính vì vậy, vườn mai của ông năm nào cũng kịp phục vụ người chơi trong dịp Tết. So với mọi năm, vườn mai của ông năm nay được bạn nghề đánh giá cao về cây mai khỏe, nhiều nụ, chuẩn cho người chơi mai tết.
Để phục vụ cho thú vui tao nhã của những người chơi mai, đòi hỏi người trồng mai, chăm mai phải yêu mai, hiểu được đặc tính của cây mai và phải có kỹ thuật chăm sóc. 
Theo ông Tám, ở Kon Tum, mùa Đông thường khô hanh, nếu không nắm được kỹ thuật chăm sóc, không lặt lá cho mai phù hợp thì cây mai thường nở trước Tết Nguyên đán. Đã có rất nhiều người trồng mai, mua mai về chăm, nhưng do không nắm vững kỹ thuật, chăm mai vất vả cả năm, nhưng đến ngày Tết, chẳng có cây mai nào chưng vì mai nở trước Tết.
Ngay cả việc nụ mai sẵn sàng nghênh xuân, nhưng nếu sơ suất để những đàn chim sẻ rỉa nụ mai, vườn mai cũng như toi. 
Chính vườn mai nhà ông Tám có năm sau khi lặt lá mai, nụ rất đẹp, nhưng đàn chim sẻ rỉa hư hết, không có mai trưng bày và phục vụ nhu cầu mai tết của khách hàng. 
“Từ khi bị chim sẻ phá hư mai, hàng năm sau khi lặt lá mai, tôi rút kinh nghiệm, giăng lưới để chim sẻ sợ không dám đến phá và thường xuyên ra thăm vườn để lỡ chim sẻ sà xuống thì đuổi chúng đi. Nếu lơ là, sơ ý, đàn chim sẻ có thể phá hư cả vườn mai”- ông Tám bộc bạch.
Mai vườn nhà anh Đinh Xuân Chánh, đường Mai Xuân Thưởng, tổ 3, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đang khoe nụ. Ảnh: V.N
Mai vườn nhà anh Đinh Xuân Chánh, đường Mai Xuân Thưởng, tổ 3, phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) đang khoe nụ. Ảnh: V.N
Rời vườn mai của ông Tám, chúng tôi đến thăm vườn mai của anh Đinh Xuân Chánh, đường Mai Xuân Thưởng, tổ 3, phường Nguyễn Trãi, cũng là dân gốc tỉnh Bình Định.
Đúng như giới chăm mai, chơi mai khen nức tiếng, vườn mai của anh Chánh khoảng 700 chậu mai, nhưng chậu nào chậu nấy đều chi chít nụ hoa và sẵn sàng đón Xuân.
Tuy gắn bó với cây mai chưa lâu, chỉ mới mấy năm trở lại đây sau khi nghỉ hưu, nhưng do có lòng đam mê, chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, anh Chánh sớm nắm vững kỹ thuật và sành sỏi chăm mai. 
Tự học nghề, nắm vững nghề và dường như trở thành chuyên gia về mai, nhưng anh không giấu giếm làm của riêng. Nếu có ai tìm hiểu kỹ thuật chăm mai, anh sẵn sàng chia sẻ.
Có điều lạ là trong giới yêu mai, chăm mai, gắn bó với cây mai như một cái nghề để mưu sinh, để rèn luyện cốt cách mà tôi biết ở tỉnh, phần lớn đều là dân gốc tỉnh Bình Định. Có lẽ người dân tỉnh Bình Định từ lâu vốn nổi tiếng trồng mai, chăm mai, và xem việc trồng mai, chơi mai như một thú vui thanh tao nên di truyền lại cho thế hệ sau.
Cũng trồng mai, chăm mai, nhưng tôi chủ yếu để làm cảnh trong nhà, chưa năm nào tôi có một cây mai do mình tự chăm có thể đem trưng bày trong dịp Tết vì mai nở trước Tết, bản thân phải đi thuê hoặc mua chơi trong dịp Tết. 
Nghe tôi khen mai trong vườn khoe nụ còn hơn cả chợ hoa Xuân, anh Chánh cười hiền: Năm nay, thời tiết nắng ấm nên mai đẹp hơn mọi năm. Mới thượng tuần tháng Chạp mà có nhiều khách hàng đến đặt mai chơi Tết. 
Trước tình hình dịch Covid-19, không rõ các cấp chính quyền có tổ chức chợ hoa Xuân như mấy năm hay không, nhưng mình không lo lắm vì từ nhiều năm nay, giới chơi mai phần nhiều đã biết đến vườn mai nhà. Hơn nữa, mình cũng không có ý định tham gia chợ hoa Xuân vì sợ dịch Covid-19. Trong vườn, khách hàng đến xem và thuê mai về nhà chơi, mình sẽ cho người chở mai đến tận nhà.
Thấy mai khoe sắc, tôi sợ trời nắng nóng sẽ có một số cây mai trong vườn nở trước. Anh lại cười: Khỏi lo, nếu trời nắng nóng dài ngày, ít lạnh, mình đã chuẩn bị bạt che cho mai để giảm độ nóng, hạn chế mai nở trước Tết, bảo đảm nở đúng Tết.
“Bao nhiêu công sức, niềm tin và khách hàng gửi gắm ở vườn mai, mình phải bảo đảm mai nở đúng Tết đẹp nhất, đáp ứng yêu cầu của khách chơi mai”- anh Chánh giãi bày. 
Nhìn các vườn mai đang khoe nụ, tôi như thấy đất trời đang vào Xuân. Và tôi hy vọng, năm mới đến sẽ có nhiều điềm lành, mọi người, mọi nhà an vui và hạnh phúc.
Theo Văn Nhiên (Báo Kon Tum/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.