(GLO)- Trước tình hình ảnh hưởng của cơn bão số 15, từ ngày 14-11 đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có mưa vừa đến mưa to tại các huyện, thị xã phía Đông tỉnh với lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm. Trên sông Ba đã xuất hiện lũ với mức trên báo động III, sông Ayun trên báo động I. Lũ lụt đã cuốn trôi 2 người tại huyện Kbang và gây thiệt hại cơ sở hạ tầng và sản xuất nông nghiệp.
Ngày 16-11 UBND tỉnh Gia Lai đã có Công điện khẩn số 32/CĐ-UBND về việc triển khai cấp bách công tác phòng-chống, ứng phó, khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 15.
Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của các cơn lũ, chủ động triển khai công tác phòng-chống, ứng phó với mọi diễn biến của mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức di dời dân ở những nơi bị ngập lũ hay bị lũ cô lập, sạt lở đất đến nơi an toàn. Đặc biệt là dọc triền Đông Trường Sơn, hệ thống sông Ba và sông Ayun.
Tổ chức lực lượng túc trực tại các tuyến giao thông bị ngập lũ để hướng dẫn người dân qua lại an toàn, tránh gây thiệt hại về người. Thông báo cho người dân sản xuất ven sông, suối đề phòng lũ về, không được bơi lội qua sông, suối dễ bị lũ cuốn trôi. Đặc biệt, nghiêm cấm vớt củi khi có lũ về.
Đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đao các lực lượng công an, quân đội, đoàn viên thanh nirn giúp đỡ nhân dân sửa chữa nhà cửa bị ngập lụt, hư hỏng và thu dọn vệ sinh để tránh ô nhiễm môi trường. Chủ động xuất ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra. Riêng huyện Kbang tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình có người bị thiệt hại do lũ cuốn trôi. Tiếp tục huy động lực lượng quân đội, công an tìm kiếm người mất tích do lũ cuốn trôi.
Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban chỉ đạo Phòng-chống lụt bão) tiếp tục trực ban 24/24 giờ trong tình hình mưa lũ. Thường xuyên liên lạc với Ban Chỉ huy phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp để đôn đốc triển khai cấp bách công tác ứng phó với mưa lũ, kiểm tra nhắc nhở các chủ đập thủy lợi, thủy điện xả lũ an toàn, tránh gây thiệt hại vùng hạ du.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh huy động ngay các lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho chính quyền địa phương giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Các chủ đập thủy lợi, thủy điện triển khai cấp bách công tác đảm bảo an toàn đập; thông báo xả lũ cho chính quyền địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 24 giờ khi xả lũ công trình thủy điện, thủy lợi để người dân vùng hạ du biết. Tránh gây thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân.
Các Sở Công thương; Lao động-Thương binh và Xã hội; Y tế kiểm tra nhắc nhở các chủ đập thủy điện xả lũ an toàn, tránh gây thiệt hại cho người dân. Kiểm tra tình hình thiếu đói trong nhân dân do ảnh hưởng của lũ lụt gây ra để đề xuất UBND tỉnh để có biện pháp cứu trợ kịp thời. Chỉ đạo các Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố theo dõi tình hình dịch bệnh ở người tại vùng ngập lụt để chữa trị (nếu có). Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn nhân dân xử lý ô nhiễm môi trường, nguồn nước uống…
Các sở, ngành giao thông, bưu điện, điện lực kiểm tra, tu sửa, sửa chữa kịp thời các sự cố hư hỏng về cầu đường, điện sáng, điện thoại để đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc và điện thắp sáng.
Các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục thông tin, tuyên truyền về tình hình mưa lũ để người dân chủ động phòng tránh và ứng phó.
Nguyễn Diệp