Bộ quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch; cộng đồng dân cư...
Chợ đêm Đà Lạt là nơi thu hút đông du khách nhưng là nơi thường xảy ra tranh chấp giữa người bán hàng với khách du lịch. |
Sáng 12-11, tại TP. Đà Lạt, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức lễ phát động “Triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Nội dung của Bộ quy tắc bao gồm 2 chương, 12 điều nhằm điều chỉnh hành vi ứng xử cho 10 đối tượng liên quan. Cụ thể gồm: tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch; doanh nghiệp lữ hành; hướng dẫn viên du lịch; cơ sở lưu trú du lịch; đơn vị vận chuyển khách du lịch; nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống; điểm mua sắm phục vụ khách du lịch; điểm tham quan, điểm du lịch; cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Đối với mỗi nhóm đơn vị, đối tượng cũng có những thông điệp, quy tắc riêng nhằm mục tiêu xây dựng hình ảnh con người Đà Lạt - Lâm Đồng “Hiền hòa - thanh lịch - mến khách”.
Sẽ có 10 đối tượng liên quan áp dụng Bộ quy tắc ứng xử. |
Bao gồm cả hướng dẫn viên du lịch. |
Sau lễ phát động, UBND TP. Đà Lạt đã trao bảng quy tắc ứng xử cho đại diện 10 nhóm đơn vị, đối tượng để niêm yết, thực hiện.
Tiếp sau TP. Đà Lạt, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch sẽ được triển khai trên tất cả các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là những nơi có tiềm năng phát triển du lịch như: TP. Bảo Lộc, huyện Lạc Dương, Lâm Hà…
Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 1.300 cơ sở lưu trú du lịch, hơn 100 điểm tham quan du lịch, 58 doanh nghiệp lữ hành và hàng ngàn tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh các loại hình dịch vụ du lịch, mua sắm, vận chuyển… Năm 2017, dự kiến có khoảng 5,9 triệu lượt khách du lịch đến với Lâm Đồng, trong đó có hơn 400.000 lượt khách quốc tế. |
Đoàn Kiên (TTO)