Trẻ sắp được đi học mà trường không còn nữa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hà Nội là một trong số những địa phương cuối cùng lên phương án cho trẻ mầm non tới trường, nhưng nhiều phụ huynh đang lo lắng vì nhiều trường mầm non không còn nữa.

Nhiều cơ sở mầm non “kiệt sức” vì dịch bệnh

Hàng loạt chủ trường cơ sở mầm non tư thục tại Hà Nội đã rao bán trường vì sức cùng lực kiệt do nghỉ dịch từ đầu tháng 5.2021 đến nay. Trường không dạy trực tuyến và không thể thu bất cứ khoản nào từ phụ huynh, trong khi vẫn phải đóng tiền thuê cơ sở mỗi tháng.

Chủ cơ sở mầm non Galaxy Montessori Preschool viết trên một nhóm về giáo dục trên mạng xã hội: “Mình có cơ sở mầm non nhưng nghỉ dịch mãi không biết tới khi nào mới đi học lại. Trong khi hằng tháng chủ nhà vẫn thu 100% tiền thuê nhà (chỉ giảm 50% trong 6 tháng, từ tháng 11 trả 100% tiền nhà). Mình không có thu mà hàng tháng đến giờ không trụ nổi nữa nên trả lại nhà”…

“Sau 8 tháng gồng gánh, chúng tôi không thể duy trì trường mầm non được nữa... Sức cùng lực kiệt”, ông Vũ Đặng Quang Tùng, chủ một trường mầm non tư thục ở Q.Tây Hồ, viết trong thông báo về kế hoạch giải thể trường. Cuối năm 2018, ông Tùng đầu tư hơn 4 tỉ đồng thành lập trường mầm non với 20 giáo viên (GV), nhân viên. Hoạt động được một năm, trường phải nghỉ dạy vì dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2021, thời gian trường đóng cửa dài gấp đôi thời gian hoạt động. Trong khi đó, ông Tùng vẫn phải chi tới 200 triệu đồng mỗi tháng, gồm chi phí duy trì cơ sở vật chất và hỗ trợ GV.


 

 Cơ sở mầm non tư thục ở Q.Hà Đông tiêu điều, cỏ mọc kín do “bỏ hoang” quá lâu. Ảnh: Hồng Minh
Cơ sở mầm non tư thục ở Q.Hà Đông tiêu điều, cỏ mọc kín do “bỏ hoang” quá lâu. Ảnh: Hồng Minh


Ông Tùng đăng trên trang cá nhân thông báo tặng trường cho nhà đầu tư nào có đủ tâm huyết và vật lực tiếp quản để giữ lại cơ sở này. “Học sinh và GV vẫn đang tha thiết chờ ngày hết dịch để quay lại... Dù rất tâm huyết nhưng tôi phải bỏ cuộc. Nếu các trường mầm non tiếp tục không được hỗ trợ cụ thể bằng chính sách, khi Chính phủ cho phép mở cửa trở lại, tôi sợ không còn mấy trường còn hoạt động”, ông chia sẻ thêm.

Câu chuyện của ông Tùng cũng là khó khăn chung của rất nhiều cơ sở mầm non tư thục. Bà Nguyễn Hoa Ban, chủ cơ sở mầm non tư thục Hoa Anh Đào (Hà Nội), chia sẻ: “Một năm nộp tiền mặt bằng để không, vừa đầu tháng 1 lại nhận được giấy hẹn nộp tiền mặt bằng nữa. Tôi đọc mà nước mắt tuôn rơi. Tiền đâu để nộp bây giờ... Thực sự là không có lối thoát”.

Bà Trần Thanh Hà, chủ cơ sở mầm non tư thục TK Bé Yêu (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai), nghẹn ngào: “Không có một đồng nào thu về nhưng mỗi tháng tôi vẫn phải trả trên 40 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, đó là còn được chủ nhà thương tình giảm bớt một phần. Với nhiều lần nghỉ dịch từ năm ngoái đến nay, kinh tế đã kiệt quệ, không xoay đâu ra tiền, có những khi quá mệt mỏi, tôi chỉ biết nằm ôm gối khóc”.

Trông trẻ tại gia cũng bị cấm

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cuộc sống của nhiều cô giáo mầm non trường tư thục đã bị tác động mạnh mẽ. Nghỉ dạy không lương suốt thời gian dài, không ít GV phải bán hàng trực tuyến, làm công nhân… để kiếm sống. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này là hành trình dài gian khổ.

Cô P.T.T, một GV thuộc cơ sở mầm non tư thục ở Q.Thanh Xuân, cho hay: Do nghỉ dịch kéo dài, khi Hà Nội bỏ thực hiện giãn cách toàn thành phố cũng là lúc bố mẹ phải đi làm, nhiều phụ huynh nháo nhác tìm người trông trẻ nên khi phụ huynh tự “gom” một nhóm 3 - 5 trẻ và mời cô đến nhà để vừa trông vừa dạy các cháu theo giờ hành chính, cô đã vui vẻ nhận lời. Công việc này với cô vừa đúng chuyên môn, vừa có thu nhập để trang trải cuộc sống…

Tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn thì Phòng GD-ĐT Q.Thanh Xuân có văn bản yêu cầu GV tại các cơ sở mầm non tư thục phải viết cam kết không nhận trông trẻ tại gia đình để phòng dịch.

 

 Các cơ sở mầm non hoang tàn do đóng cửa quá lâu. Ảnh: Hồng Minh
Các cơ sở mầm non hoang tàn do đóng cửa quá lâu. Ảnh: Hồng Minh


Lo thiếu giáo viên trầm trọng khi mở lại trường

Tuy nhiên, cũng không ít GV mầm non trong hơn 9 tháng qua cuối cùng đã tìm được một công việc phù hợp, thu nhập tốt hơn và không bị áp lực như nghề trông trẻ. Họ chia sẻ, nếu trường học mở cửa lại họ cũng không quay trở lại nghề GV mầm non nữa khi mọi thứ đang tốt dần lên. Theo Bộ GD-ĐT, dự báo từ các địa phương cho biết khi trở lại học trực tiếp, hệ thống mầm non tư thục sẽ thiếu GV.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết: Thời gian đầu mới nghỉ phòng dịch một vài tháng, các cơ sở này cũng cố gắng duy trì thu nhập GV ở mức tối thiểu để giữ chân GV nhưng kéo dài thì chính các chủ trường cũng rơi vào khó khăn. Đến nay, khoảng hơn 30% cơ sở mầm non tư thục đã và dự kiến xin giải thể do không thể “trụ” nổi, nhiều GV đã xin thôi việc, đi làm công việc khác.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Ba Đình, cho hay: “Toàn quận có 12 trường ngoài công lập, 79 nhóm trẻ. Hệ thống ngoài công lập đã giúp tiếp nhận 33,4% trẻ mầm non của người dân trên địa bàn trong bối cảnh trường mầm non công lập còn hạn chế như hiện nay. Tuy nhiên, cũng như các địa bàn khác, hơn 30 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập có nguy cơ giải thể do không có tiền thuê nhà và trả lương cho GV; gần 100 GV, nhân viên bỏ nghề vì vấn đề thu nhập”.

Một vị đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho biết lo nhất vẫn là không có đủ nguồn để tuyển GV hoặc “lôi kéo” GV trở lại khi họ đã tìm được một việc làm có thu nhập ổn định, phù hợp. (còn tiếp)

 

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bỏ quy định cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT, vì sao?

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi đáng chú ý là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT. Xung quanh vấn đề này hiện có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.