Trà chòi mòi lưu giữ hương vị Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn giữ gìn chút hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, chị Mai Thị Thanh Nga-chủ quán Chạm Caffè (số 40C Hùng Vương, TP. Pleiku) đã cùng nhóm bạn trẻ nghiên cứu, cho ra sản phẩm Trà chòi mòi đầy cuốn hút.

Đánh thức hương vị núi rừng

Chòi mòi là loại quả đặc sản của núi rừng Tây Nguyên và gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân nơi đây. Cây chòi mòi đa phần mọc hoang dại trong rừng và các khu vực ngoại thành Pleiku như các xã: Gào, Ia Kênh, Biển Hồ,... Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, cây chòi mòi dần thưa đi nên rất ít khi bắt gặp lá hay quả chòi mòi bày bán ở các chợ quê.

Quả của cây chòi mòi mọc thành từng chùm dài khi chín thì có màu đỏ và đen, khi còn xanh sẽ có màu xanh non. Ảnh: Sưu tầm

Quả của cây chòi mòi mọc thành từng chùm dài khi chín thì có màu đỏ và đen, khi còn xanh sẽ có màu xanh non. Ảnh: Sưu tầm

Xuất phát từ những kỷ niệm tuổi thơ với quả chòi mòi và trong một lần bắt gặp các chị người dân tộc thiểu số bày bán tại chợ gần nhà, chị Mai Thị Thanh Nga nảy ra ý tưởng nghiên cứu, pha chế thức uống từ quả này. Chị đã cùng cộng sự nghiên cứu, pha chế ra món nước mang tên Trà chòi mòi.

Theo đó, các chị mua quả chòi mòi về, đem rửa sạch, tuốt bỏ phần cuống và lá, sau đó có thể ngâm với nước muối pha loãng trong vòng 5-10 phút rồi rửa lại một lần nữa, vớt ra và để ráo nước. Trộn đều chòi mòi với đường và thực hiện sên mứt như cách làm mứt dâu tằm.

“Để giữ đúng hương vị tự nhiên trong thời gian dài, mứt chòi mòi cần được sên từ 100% quả chín đen và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sau khi để nguội.”-chủ quán Chạm Caffè bộc bạch kể về bài học kinh nghiệm của mình.

Trà chòi mòi được ăn kèm với nhãn ngâm, vì cả 2 đều mang tính bình sẽ không làm mất hương vị tự nhiên. Ảnh: ĐVCC

Trà chòi mòi được ăn kèm với nhãn ngâm, vì cả 2 đều mang tính bình sẽ không làm mất hương vị tự nhiên. Ảnh: ĐVCC

Hơn một tháng, nghiên cứu và thử nghiệm pha chế với nhiều loại trà, điều chỉnh lượng đường trong mứt, cân đối lượng nước cốt chanh; nhóm các bạn trẻ đã chọn trà hoa lài (có vị hơi chát nhẹ và ngọt hậu) làm nguyên liệu chính kết hợp với mứt chòi mòi để mang lại một thức uống lạ miệng, không chất bảo quản, giữ nguyên vị chua ngọt của quả chòi mòi vào cuối tháng 8-2023.

“Mặc dù, trên thị trường có rượu chòi mòi, chòi mòi ngâm đường nhưng hương vị của chòi mòi vẫn chưa được phổ biến rộng rãi và có vẻ như vẫn chưa giữ đúng hương vị tự nhiên của loại quả này. Đa phần các bạn trẻ hiện nay cũng ít người biết đến quả chòi mòi. Đó là lý do quán chọn quả chòi mòi mà không phải là một loại quả nào khác để nghiên cứu pha trà. Tuy nhiên, quán không tập trung vào mỗi quả chòi mòi mà sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm về các nông sản tại Gia Lai để giới thiệu đến người dùng”-chị Mai Thị Thanh Nga chia sẻ.

Theo cảm nhận của các bạn trẻ, thưởng thức, Trà chòi mòi mang đến một hương vị hòa quyện giữa chua, ngọt và chát nhẹ ở cuống họng. Tuy nhiên, món nước này có thể khó uống đối với những ai lần đầu nếm thử vị chát nhẹ của quả chòi mòi.

Nhân viên quán Chạm Caffè (40C Hùng Vương, TP. Pleiku) pha chế trà chòi mòi. Ảnh: H.H

Nhân viên quán Chạm Caffè (40C Hùng Vương, TP. Pleiku) pha chế trà chòi mòi. Ảnh: H.H

Để phục vụ khẩu vị ưa chua ngọt của khách hàng, năm 2024, quán Chạm Caffè đã ra mắt thêm sản phẩm “Trà chòi mòi đác thơm”. Với mục tiêu, lan tỏa nhiều hơn về quả chòi mòi qua từng khẩu vị và từng bước tạo nên thương hiệu nước uống từ chòi mòi đặc trưng riêng của quán.

Chị Đào Thanh Loan (tổ 11, phường Yên Đỗ)-một tín đồ của loại thức uống này cho rằng: “Trà chòi mòi có vị rất đặc trưng, một lần uống là nhớ mãi không thôi. Thức uống này hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm du lịch của Gia Lai, giống như Cà Mau có biểu tượng cua, Đồng Tháp có sen, giúp nâng tầm du lịch trải nghiệm tại Gia Lai.”

Không chỉ mang lại vị chua ngọt lạ miệng, sử dụng quả chòi mòi trong chế độ ăn hàng ngày có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Trong cuốn sách “Cây thuốc Việt Nam”-do Tiến sĩ, thầy thuốc Võ Văn Chi chủ biên, Nhà xuất bản Y học phát hành còn đề cập đến việc quả chòi mòi còn có tác dụng chữa ho, bổ phổi. Đồng thời, một số bộ phận của cây chòi mòi còn được dùng làm thuốc như: lá có thể giã dùng đắp ngoài da giúp giảm đau đầu, cành non dùng để điều hòa kinh nguyệt, vỏ cây giúp cầm tiêu chảy và làm thuốc bổ, hoa chòi mòi dùng trị tê thấp.

Quả chòi mòi chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C, chất chống oxy hóa, và các khoáng chất như kali, canxi, và magie. Những thành phần này không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch mà còn có tác dụng chống viêm, bảo vệ tế bào và duy trì sức khỏe tim mạch.

Thêm thu nhập lúc nông nhàn

Nhờ sự ưa chuộng của khách hàng, năm 2023, quán của chị Nga đã thu mua hơn 400 kg quả chòi mòi tươi, tuy nhiên vẫn không đủ sản lượng để phục vụ khách hàng. Quán đã phải tạm ngưng bán “Trà chòi mòi” trong 6 tháng đầu năm 2024 để chờ mùa vụ mới và trong 2 tháng vừa qua vào đầu vụ chòi mòi, quán đã thu mua hơn 300 kg quả để làm nguyên liệu. Để có được nguồn hàng, chị Nga đã liên hệ, đặt hàng từ các bạn trẻ tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Pleiku và các địa phương lân cận.

Bắt nguồn từ việc muốn nhiều người dân biết đến hương vị chòi mòi, giờ đây quán đã tạo thêm thu nhập cho nhiều người dân sống gần rừng trên địa bàn trong những tháng mùa mưa. Chòi mòi ra hoa và cho quả lai rai từ khoảng tháng 3 đến tháng 6 và rộ nhất từ tháng 7, giúp người dân có thêm một nguồn thu nhập nhỏ.

Tại các chợ truyền thống giá chòi mòi dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng cho 1 kg. Ảnh: Hoàng Hoài

Tại các chợ truyền thống giá chòi mòi dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng cho 1 kg. Ảnh: Hoàng Hoài

Được thu mua hơn 10 kg chòi mòi hái từ trong rẫy về với giá 10.000 đồng/kg, anh Siu Tuyn (làng Khôi Zét, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) phấn khởi chia sẻ: "Ngày xưa, quả chòi mòi không bán được đâu, chỉ có bọn trẻ trong làng hái ít để ăn và chơi thôi, giờ có thể bán lấy tiền. Do đó, mình tận dụng những ngày nhàn rỗi sau khi xuống giống vụ mùa để đi hái chòi mòi về bán. Nhờ đó, mình có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống cũng như mua thêm sữa cho con uống. Mình vui lắm".

Việc sáng tạo và phát triển món nước từ quả chòi mòi đã không chỉ giúp giữ gìn hương vị đặc trưng từ núi rừng Tây Nguyên mà còn mở ra cơ hội cho giới trẻ quảng bá đặc sản quê hương đến khách du lịch khi ghé thăm Gia Lai.

Chòi mòi là một loại thực vật có hoa, thuộc họ Diệp Hạ Châu chủ yếu sinh sống và phát triển các vùng có khí hậu nhiệt đới đặc trưng ở châu Á. Cây chòi mòi có tên khoa học là Antidesma ghaesembilla; còn ở Việt Nam, chòi mòi có nhiều tên gọi khác nhau như: cây chùm mồi, cây cơm nguội, chóp mòi, chua mòi, mà ca, xô con,… và thường mọc hoang ven rừng hoặc mọc quanh các vùng đồi núi ở Tây Nguyên và cả miền Trung, Nam.

Có thể bạn quan tâm

Khi người trẻ mê ăn chay

Khi người trẻ mê ăn chay

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ ở tỉnh Gia Lai bắt đầu hướng đến chế độ ăn chay với các tiêu chí xanh-sạch-lành. Điều này vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa giữ gìn vóc dáng và hình thành lối sống xanh.

Khởi nghiệp với quầy nước take away

Khởi nghiệp với quầy nước take away

(GLO)- Đam mê kinh doanh thức uống, song với số vốn còn hạn chế, nhiều bạn trẻ ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã chọn khởi nghiệp bằng những quầy nước theo hình thức take away (mang đi) và từng bước xây dựng, khẳng định thương hiệu cá nhân.