(GLO)- Đó là cô Nguyễn Thị Minh Khanh hiện công tác tại Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).
33 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, từ một giáo viên dạy học ở các điểm trường làng cho đến khi đảm nhận vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, cô Khanh luôn được nhiều thế hệ học trò nhớ đến không chỉ vì dạy giỏi mà còn bởi sự tận tâm với học trò nghèo. Nhiều em giờ đã thành đạt và khi có dịp lại quay về trường để cảm ơn cô giáo cũ.
Cô Khanh bên những học trò của mình. Ảnh: Đ.Y |
Gặp cô Khanh vào một ngày đầu năm, cô bảo, ngay từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, hình ảnh thầy-cô giáo đứng trên bục giảng luôn để lại trong cô nhiều ấn tượng khó phai. Vì thế, khi học xong bậc THPT, cô Khanh thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai. Năm 1984, sau khi tốt nghiệp, cô Khanh được điều động về dạy môn Toán-Lý ở Trường PTCS Kon Dơng (thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang).
Nhớ lại ngày đầu về nhận công tác, cô Khanh kể: “Buổi tối đầu tiên ở lại trường, tôi được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp sắp xếp chỗ nghỉ. Song do vừa mệt vừa lạ nhà nên tôi không sao ngủ được. Nhưng sáng hôm sau, nhìn thấy học trò vui đùa tung tăng trước sân trường, nhìn những ánh mắt thơ ngây của các em, tôi như có thêm sức mạnh để bám trụ”.
Sau nhiều lần luân chuyển, điều động, tháng 6-1996, cô được phân công về Trường THCS Võ Thị Sáu, tiếp tục “truyền lửa” cho bao thế hệ học trò. Đến tháng 11-2006, cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng.
Trong suốt những năm tháng đứng lớp, cô Khanh luôn tìm tòi những phương pháp giảng bài ngắn gọn, dễ hiểu. Đối với những bài toán nâng cao, cô tìm ra nhiều cách giải khác nhau, sau đó chọn một cách giải dễ hiểu nhất để giảng cho học sinh. Nhờ vậy, môn Toán do cô Khanh đứng lớp được rất nhiều học trò yêu thích. Cô Khanh còn là giáo viên giỏi của huyện, hàng năm được Phòng Giáo dục và Đào tạo cử đi ôn luyện cho các em đi thi học sinh giỏi. Hầu như năm nào huyện Đak Đoa cũng có học sinh giỏi môn Toán cấp huyện và cấp tỉnh do cô Khanh kèm cặp, dạy dỗ.
Không chỉ vậy, cô Khanh còn là một “người mẹ” hết lòng vì học trò nghèo. Trong những năm tháng dạy học, cô Khanh nhớ nhất trường hợp của cậu học trò Nguyễn Đức Hải (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa)-học lớp 7 do cô chủ nhiệm. Do nhà nghèo, Hải phải bỏ học giữa chừng. Cô Khanh đã tìm đến tận nhà để động viên bố mẹ cho Hải đi học. Khi tìm đến nhà, thấy cậu học trò đang nằm co ro vì đau ruột thừa trên miếng ván kê tạm làm giường, lại không có phụ huynh ở nhà, cô bèn vội vàng mượn xe đẩy Hải đến Trạm xá Nông trường Chè Ayun (cách nhà 5 km), rồi xin xe chở em đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Rồi cô ở lại chăm sóc Hải, mãi đến chiều tối khi bố mẹ em đến, cô lại lặng lẽ giúi vào tay họ ít tiền để lo việc chữa trị. Sau khi bình phục, Hải đi học trở lại và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bây giờ, Hải đã là một doanh nhân thành đạt, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) năm nào anh cũng quay về trường thăm thầy-cô giáo cũ, đặc biệt là cô Khanh.
Nhắc đến cô Khanh, thầy Đặng Xuân Tình-Chủ tịch Công đoàn nhà trường, nhận xét: “Cô Khanh không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là người lãnh đạo rất nghiêm khắc. Cả đời cô Khanh đã hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để chăm lo cho 8 người em của mình thành đạt sau khi bố mẹ qua đời. Cô cũng là người hết lòng vì học trò nghèo”. Còn nói như cô Phan Thị Thùy Trang-Hiệu trưởng nhà trường thì: “Cô Nguyễn Thị Minh Khanh là một tấm gương sáng cho phong trào “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”. Cô Khanh luôn chuyên tâm với công việc, là người quản lý có năng lực. Nhiều năm qua, Trường THCS Võ Thị Sáu là lá cờ đầu trong phong trào học tập của huyện Đak Đoa. Có được thành quả ấy là nhờ sự nỗ lực của tất cả giáo viên trong Hội đồng sư phạm nhà trường, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cô Khanh”.
Đinh Yến