Sau khi tạm giam bị can 18 tháng, 17 năm sau Công an huyện Krông Ana mới ban hành quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can, rồi làm thất lạc hồ sơ vụ án. Còn Viện Kiểm sát nhân dân huyện lại buông lỏng trách nhiệm, gây thiệt hại lớn, khiến người bị oan lìa đời vẫn ôm theo mối hận.
Bà Tâm nguyện đòi cho được công lý trước vong linh chồng
Đấu tranh đến cùng để giải oan
Báo Tiền Phong số ra ngày 19/11/2018 đăng bài “Vụ công dân mang án oan xuống mồ: Vẫn đùn đẩy trách nhiệm”. Công dân đó là ông Trịnh Công Minh (SN 1974, trú tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk).
Hồ sơ do gia đình nạn nhân cung cấp thể hiện: Hơn 21 năm trước, đêm 2/2/1997, ông Minh đi bộ đến nhà một người quen. Ông Minh đang ngồi trong nhà hỏi mượn gia chủ một chỉ vàng về mua đất, thì công an huyện phát hiện có chiếc xe máy từng bị mất cắp dựng bên hông căn nhà này, nên mời ông Minh về trụ sở làm việc, rồi ban hành quyết định bắt khẩn cấp, được viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn. Ông Minh bị khởi tố, tạm giam, rồi truy tố, bị xét xử về tội trộm cắp tài sản.
Dù kết luận điều tra và cáo trạng đầy lỗi tố tụng, Tòa sơ thẩm TAND huyện Krông Ana vẫn tuyên phạt ông Minh 12 tháng tù giam. Nhận đơn kháng cáo, TAND tỉnh xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm vì chứng cứ yếu, thu thập chưa khách quan. TAND huyện Krông Ana trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, ông Minh vẫn bị tạm giam tới gần 18 tháng mới được thả, đồng thời bị cơ quan điều tra áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau hơn 17 năm ông Minh liên tục kêu oan, tới ngày 19/3/2015 Công an huyện Krông Ana mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, với lý do “Thời hạn điều tra vụ án đã hết mà không chứng minh được bị can đã thực hiện hành vi phạm tội”.
Từ đó, ông Trịnh Công Minh bắt đầu hành trình đòi bồi thường oan sai, bền bỉ gửi rất nhiều đơn thư đến hàng chục cơ quan, cấp ngành có liên quan. Cả 3 cơ quan tố tụng của huyện Krông Ana là Công an-Tòa án - Viện kiểm sát liên tục đổ lỗi cho nhau, không bên nào chịu nhận trách nhiệm là nơi đứng ra xin lỗi và bồi thường cho công dân. Sau nhiều cuộc họp liên ngành không thống nhất được hướng giải quyết, Công an huyện bất ngờ báo cáo toàn bộ hồ sơ vụ án đã bị thất lạc, tìm không ra.
Trong lúc các nhà chức trách chưa thôi cãi nhau, thì ngày 13/2/2018 ông Trịnh Công Minh đã lìa đời vì bệnh ung thư. Trước khi mất, ông trăn trối với vợ - bà Tống Thị Thanh Tâm (SN 1985) là dù khó khăn mấy cũng phải đòi cho được công lý, phải đấu tranh đến cùng để giải oan cho chồng, để các con ông có tương lai, không bị mang tiếng là con kẻ trộm cắp.
Mới đây, bà Thanh Tâm đã gửi đơn đến các cơ quan tố tụng huyện, đòi bồi thường hơn 1 tỷ đồng tổn thất tinh thần và vật chất, yêu cầu các cơ quan này phải tổ chức xin lỗi công khai, để thực hiện tâm nguyện của chồng.
Phải phản hồi công khai
Báo Tiền Phong phát hành ngày 19/11, thì ngày 20/11 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) gửi công văn (CV) số 1060 cho Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk (Tòa tỉnh), đề nghị Tòa tỉnh chỉ đạo kiểm tra, làm rõ nội dung báo Tiền Phong phản ánh, có báo cáo phản hồi bằng văn bản gửi UBND tỉnh và Sở TT&TT, đồng thời gửi Trung tâm quản lý Cổng thông tin điện tử tỉnh để đăng tải.
Ngày 26/11/2018, Tòa tỉnh có CV số 67/TA “V/v phản hồi bài viết của báo Tiền Phong về vụ án oan của ông Trịnh Công Minh”. Trong CV này, thẩm phán Nguyễn Đình Triết- Phó Chánh án Tòa tỉnh phân tích sai phạm của các cơ quan liên quan, đặc biệt là 2 cơ quan Công an, Kiểm sát. CV 67/TA khẳng định “Hiện nay gia đình ông Trần Công Minh đã gửi đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại đến Viện KSND huyện Krông Ana để yêu cầu bồi thường thiệt hại nên trách nhiệm thuộc về Viện KSND huyện Krông Ana theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” .
Tiếp đó, ngày 3/12/2018 Sở TT&TT ký CV số 1132 gửi Viện KSND huyện Krông Ana “V/v kiểm tra, làm rõ nội dung báo Tiền Phong phản ánh để phản hồi thông tin báo chí”, kèm CV 67 mà Tòa tỉnh đã khẳng định trách nhiệm bồi thường thuộc về Viện KSND huyện. Sở TT&TT đề nghị Viện KSND huyện sớm có báo cáo phản hồi bằng văn bản trước ngày 11/12 để phản hồi thông tin cho báo chí, đồng thời gửi Cổng thông tin điện tử tỉnh để đăng tải. Theo đó, quan điểm hành động và nhận thức của lãnh đạo đơn vị này về vụ án oan Trần Công Minh sẽ phải được công khai để toàn dân được biết.
Có thể nói: “Công dân mang án oan xuống mồ” là vụ án oan sai điển hình về sự tắc trách, yếu kém trong chuyên môn lẫn ý thức trách nhiệm của các cơ quan tố tụng huyện Krông Ana, điển hình cả về nỗi đau khổ của dân oan suốt hành trình khiếu nại, kêu cứu. Vụ việc đã xảy ra từ 21 năm trước, tới nay hậu quả vẫn chưa giải quyết xong, tổn thất nghiêm trọng tới uy tín, danh dự của các nhà chức trách địa phương. |
Hoàng Thiên Nga (TP)