(GLO)- Có lẽ đối với người mẹ, không có gì sánh nỗi bằng những đứa con yêu, người chồng tay ấp, kề gối. Nhưng, khi đất nước cần mẹ phải hiến dâng, để rồi lần lượt những người con, người chồng của mẹ ra đi mãi mãi không về... Mẹ là Phạm Thị Lộc ở thị trấn Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh)-một trong những người mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất trên đất nước này.
Sau chiến tranh, mừng ngày đất nước thống nhất chưa nguôi thì tin dữ cùng một lúc dội về mẹ Phạm Thị Lộc: Đứa con đầu hy sinh, đến chồng, đến con trai kế, con trai áp út, rồi đến người con gái duy nhất cũng ra đi. Mẹ như không tin được, dù đó là sự thật. Đêm từng đêm, nỗi đau cứ dằn xé tận tâm can, nhưng rồi, mẹ hiểu, để có ngày thống nhất, các con mẹ, chồng mẹ và hàng vạn chiến sĩ vô danh, có danh trên đất nước này phải hy sinh thầm lặng. Mẹ gạt nước mắt để sống và vun đắp cho những đứa con yêu sống sót từ chiến trường trở về.
Anh Nguyễn Tấn Việt bên mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lộc. Ảnh: Trường An |
6 lần tiễn chồng, con-5 lần ly biệt
Tháng 7, hoa phượng nở đỏ rực những con đường, mái trường. Cũng là lúc các cấp chính quyền, ngành chức năng đi thăm, viếng, tri ân những gia đình liệt sĩ, có công cách mạng. Chúng tôi, tìm đến mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Lộc để lắng nghe, chia sẻ nỗi đau, mất mát cùng mẹ. Trong căn nhà rộng thoáng đãng của người con trai Nguyễn Tấn Việt ở thị trấn Sơn Tịnh, hàng ngày mẹ Lộc được chăm sóc khá chu đáo. Mẹ năm nay đã 94 tuổi-cái tuổi mà mọi cảm xúc không thể kiềm nén được. Thế nhưng, khi nhắc về những người con, người chồng của mình hy sinh, mẹ vẫn dấu đi nỗi niềm riêng mà tự hào, kể: "Sau năm 1945, ổng (chồng) được giao nhiệm vụ hoạt động cách mạng nằm vùng. Năm 1959, cơ sở bị lộ, ổng bị bắt vào nhà lao Quảng Ngãi, rồi ra đi biền biệt từ đó".
Mẹ Lộc tin rằng, chồng mình sẽ bình an trở về. Mẹ ở nhà một mình nuôi 6 người con thơ. Chiến tranh ngày càng ác liệt. Địch khống chế những vùng trọng yếu. Hàng ngày mẹ phải "đóng" đủ vai để quảy gánh bán mắm muối, vừa hoạt động cách mạng, vừa kiếm tiền nuôi con. Những người con của mẹ lần lượt lớn lên trong đạn bom. Thấy đất nước ngày càng nguy nan, các con mẹ tuổi chưa tròn 18, đôi mươi thì đã lần lượt vào chiến trường. Mẹ ở nhà làm tròn nhiệm vụ là mẹ của binh sĩ. Hết liên lạc với tổ chức, mẹ kiếm gạo để nuôi quân, che dấu bộ đội, khi cơ sở lâm nguy...
Mẹ Lộc nghĩ rằng dù chiến tranh có khốc liệt, nhưng mỗi người dân đều góp sức lực cho Tổ quốc thì sẽ có ngày đất nước thống nhất. Mẹ lạc quan tin tưởng vào ngày mai mà dốc sức động viên các con chiến đấu. Ngày 30-4-1975, một ngày mà cả dân tộc "đẫm" mình trong những khúc ca khải hoàn mừng ngày chiến thắng, mẹ Lộc nôn nao đợi chờ các con và chồng trở về đoàn tụ. Thế rồi... không thấy bóng người, mà mẹ cứ lần lượt nhận tin dữ: chồng Nguyễn Đỉnh, hy sinh năm 1962 tại nhà lao Quảng Ngãi; kế đến là con trai đầu Nguyễn Văn Chính hy sinh năm 1967; rồi đến con Nguyễn Tấn Lức hy sinh năm 1968 tại chiến trường Tây Nguyên. Cầm giấy báo tử mà mẹ không tin được. Mẹ cứ hy vọng và thấp thỏm đợi chờ... Nghiệt ngã hơn, sự mong chờ không đến mà mẹ tiếp tục nhận hai giấy báo tử cùng một lúc: Người con gái duy nhất là Nguyễn Thị Chức hy sinh năm 1968 và con trai kế út Nguyễn Ngọc Nam hy sinh năm 1971 tại chiến trường Quảng Ngãi. Mẹ Lộc như ngã quỵ trước anh linh của các con và chồng. 6 lần tiễn chồng và con đi, ngày đất nước khải hoàn mẹ chỉ ôm được vào lòng người con trai thứ Nguyễn Tấn Việt trở về.
Tổ quốc mãi ghi ơn
Sau chiến tranh, đất nước bình yên, nhưng trên chiến trường Quảng Ngãi, trên đường tàu thống nhất Bắc-Nam vẫn còn vô số bom mìn. Một lần nữa mẹ lại để con trai Nguyễn Tấn Việt ra đi làm nhiệm vụ. Sau hai năm gở bom mìn, anh Việt trở về bình an bên mẹ. Mẹ Lộc hướng anh vào ngành Kiểm lâm để bảo vệ rừng. Một mình mẹ ở lại làng chài Tịnh Khê (huyện Sơn Tịnh) nuôi con trai út. Nơi đây, có những đêm biển lặng sóng, nhưng "sóng" lòng mẹ luôn âm ỉ. "Mỗi lần trái gió trở trời, mẹ không ngủ được, hay mê sảng và kể về thằng Nam nhiều thứ. Thằng nhỏ lanh lợi, hay giúp mẹ, giúp người. Mẹ không nghĩ nó hy sinh trong chiến trường"-anh Nguyễn Quốc Việt tư lự kể về những lần mẹ thẩn thờ, mê sảng gọi tên con. Rồi mẹ nhớ về người con gái duy nhất của mình mà có lần mặt mẹ buồn hiu. Người con có nhiều nét giống mẹ, ít cười, nói. Có chuyện vui, buồn luôn dấu thầm kín bên trong...
Mất chồng, con là nỗi mất mát quá lớn của đời người phụ nữ. "Ngẫm lại, có nhiều gia đình cũng rơi vào hoàn cảnh như mình, nhưng họ đã biết trân trọng cuộc sống hôm nay mà cố gắng làm ăn vun đắp cho các con"-mẹ lộc suy nghĩ vậy. Thế rồi, mẹ tiếp tục gồng gánh lại cái nghề bán mắm ngày xưa. Cái nghề mà đi suốt cùng mẹ qua hai thời cuộc. Một thời cuộc vì đất nước thống nhất và thời cuộc bây giờ là vì con, mẹ không muốn các con thua sút bạn bè. Đến nay, hai người con còn lại của mẹ, người đã là giáo viên, người làm Kiểm lâm. Giờ, anh Việt về hưu phụ giúp cùng vợ mở Công ty TNHH một thành viên Sơn Hải. Khi cuộc sống đủ đầy, anh làm nhà trên thị trấn Sơn Tịnh và đón mẹ mình lên ở cùng để tiện bề chăm sóc.
Hơn 10 năm ở trong ngôi nhà của con trai, mẹ được con dâu và các cháu chăm sóc bằng tình yêu thương vô bờ. Hàng năm, lãnh đạo các cấp Đảng và Nhà nước đã đến thăm, chia sẻ, động viên, an ủi cùng mẹ. Nỗi đau của mẹ như phần nào đã được xoa dịu khi Tổ quốc mãi ghi ơn. Tuy nhiên, mẹ năm nay đã 94 tuổi, như ngọn đèn treo trước gió, nhưng mẹ vẫn đau đáu về hai người con chưa tìm được hài cốt. Mẹ thầm mong, có gia đình nào đó, biết được mộ của các con mẹ mà báo tin.
Trường An