Tổ chức ăn uống trong khu nhà mả tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ khi đường Hồ Chí Minh, đoạn tránh đô thị Pleiku đưa vào sử dụng đến nay, người dân làng B (xã Gào, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có thêm nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Tuy vậy, nơi đây vẫn còn tồn tại một số tập tục lạc hậu. Mỗi khi có đám tang, lễ bỏ mả, bà con thường tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày.
Đặc biệt, hai bên đường dẫn vào khu nhà mả làng B là những hàng quán buôn bán bánh kẹo, đồ ăn thức uống, trao đổi các loại nông sản. Trong khu nhà mả có dù, chòi che nắng mưa phục vụ nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi… Ông Puih Lêr-Phó Chủ tịch UBND xã Gào-thừa nhận: “Việc tổ chức ăn uống, mua bán trong khu nhà mả làng B là có thật. Thời gian qua, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con không nên làm việc này trong khu nhà mả. Tuy vậy, một số người dân vẫn không chấp hành. Chúng tôi quyết tâm xóa bỏ triệt để việc tổ chức phô trương hình thức, ăn uống say sưa và họp chợ trong khu mả của các làng đồng bào người Jrai trên địa bàn xã”.
Người dân tổ chức ăn uống trong khu nhà mả làng B, xã Gào, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư
Người dân tổ chức ăn uống trong khu nhà mả làng B, xã Gào, TP. Pleiku. Ảnh: Hoàng Cư
Tương tự, tại làng Bong Phrâo (xã An Phú, TP. Pleiku) cũng xảy ra tình trạng người dân tổ chức ăn uống say sưa và buôn bán trong khu nhà mả. Ông Huy-già làng Bong Phrâo-bộc bạch: “Dân làng mình tổ chức ăn uống no say 2-3 ngày với người chết già, 1-2 ngày với người chết trẻ, chết bệnh. Có tổ chức ăn uống thì có người đến buôn bán bánh kẹo, nước ngọt, rượu bia, mì xào, chuối chiên, thịt cá… Ăn uống say sưa, nhiều người chẳng còn thiết nương rẫy. Cán bộ xã hướng dẫn mình khuyên bảo bà con không được uống bia rượu say sưa, không điều khiển xe máy khi đã có bia rượu trong người, không gây mất đoàn kết, không mua bán đồ ăn uống trong khu nhà mả”. Còn ông Ơn-Trưởng thôn Bong Phrâo thì chia sẻ: “Đi uống rượu nhà mả về, nhiều người mệt mỏi, đau bụng, thiếu tiền trả nợ, có khi bị tai nạn giao thông. Cán bộ cùng già làng tuyên truyền phải giữ khu nhà mả tôn nghiêm, không nên ăn uống, ồn ào trong đó”. 
Ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho hay: “Các làng trên địa bàn thành phố đều có hương ước, quy ước và cam kết thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, do tồn tại lâu đời nên một số tập quán lạc hậu vẫn chưa thể xóa bỏ triệt để. Tới đây, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu, quán triệt thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Địa phương nào không thực hiện tốt sẽ bị trừ điểm thi đua và bị xử lý theo quy định”.
HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.