Tình yêu sông Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nói đến Đà Nẵng, du khách hình dung ngay rằng đó là một thành phố tuyệt đẹp nằm bên dòng sông Hàn, hướng mặt về phía biển Đông với những nét quyến rũ chưa từng có ở các đô thị biển khác… Đây là lần thứ 6, Đà Nẵng tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế. Hàng vạn du khách trong và ngoài nước ngóng chờ từng giờ bởi sự cuốn hút lạ kỳ từ loại nghệ thuật đa sắc màu này…

Sáng 26-3, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức cuộc họp công bố cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2013 (DIFC 2013) chủ đề “Tình yêu sông Hàn”. Cuộc thi diễn ra trong 2 đêm (29 và 30-4-2013) ở phía bờ Đông sông Hàn với sự tham dự của 5 đội, gồm: Nga, Ý, Nhật Bản, Hoa Kỳ và đội chủ nhà Đà Nẵng. Mỗi đội tham gia trình diễn trong khoảng từ 20 đến 22 phút.

Hội ngộ anh tài

Điểm nhấn DIFC 2013 là ý tưởng, sự đa dạng và chủ đề của màn trình diễn. Sự phong phú, đa dạng về màu sắc. Tính độc đáo và chất lượng của màn trình diễn. Quy mô và số lượng hiệu ứng. Sự đồng bộ giữa âm thanh và hình ảnh, sự phù hợp của nhạc với hình ảnh của pháo hoa. Phù hợp với chủ đề và thể hiện được ý nghĩa chủ đề cuộc thi.
 

Đội Đà Nẵng trình diễn pháo hoa bên cầu sông Hàn. Ảnh: Bùi Oanh
Đội Đà Nẵng trình diễn pháo hoa bên cầu sông Hàn. Ảnh: Bùi Oanh

Đội Ý với lịch sử hơn 100 năm, truyền thống và bí quyết kinh doanh của Công ty Parente được truyền từ đời này sang đời khác cho đến ngày nay. Cái tên “Parente Fireworks” bắt nguồn từ cuối thế kỷ XIX khi người đứng đầu gia tộc, ông Romualdo Parente, với niềm đam mê cháy bỏng dành cho ngành pháo hoa, đã quyết định bắt đầu theo đuổi sự nghiệp này ngay tại nơi ông sinh sống ở miền Đông Nam nước Ý. Năm 1951, Antonio, một trong những người con của Romualdo, rời miền Nam đến Melara, một thị trấn ở vùng Đông Bắc nước Ý có truyền thống sản xuất pháo hoa nổi tiếng. Ông nhanh chóng hợp tác với một nhà sản xuất pháo hoa địa phương thực hiện các chương trình biểu diễn nhỏ cho đến năm 1955. Một năm sau đó, với sự trợ giúp của hai người con trai, ông đã thành lập một nhà máy mới của riêng mình với diện tích hơn 3.000 m2. Với sự phát triển và mở rộng không ngừng, cơ sở sản xuất của gia đình Parente hiện nay đã bao trọn một diện tích khoảng 100.000 m2 với nhiều khu nhà được sử dụng làm các kho chứa thiết bị và phương tiện vận chuyển. Ngoài ra, còn có khoảng 20 nhà xưởng và 16 nhà kho dùng để chứa pháo hoa và thuốc súng. Parente nổi tiếng với chất lượng pháo hoa do công ty sản xuất và sử dụng, cùng với hệ thống bắn và phần dàn dựng tuyệt hảo. Năm 2013 là lần thứ ba liên tiếp Parente tham dự cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng.

Đội Nhật Bản là Công ty Tamaya Kitahara đoạt giải ba DIFC2010. Công ty Tamaya Kitahara bắt đầu tham gia vào lĩnh vực pháo hoa từ thế kỷ XVII. Sau khi Công ty mới được thành lập vào năm 1982, Tamaya đã biểu diễn pháo hoa khắp trong và ngoài nước trong 30 năm qua và tự hào với những kỹ thuật, công nghệ mới nhất kết hợp với truyền thống. Họ tổ chức trình diễn hơn 150 màn pháo hoa mỗi năm tại nhiều sự kiện khác nhau.

Đội Nga-Trung tâm Pháo hoa “Khan” bước vào thị trường pháo hoa Nga từ năm 1993. Đến năm 2005, Công ty tham gia trình diễn pháo hoa theo nhạc với màn trình diễn “Kalinka” tại lễ hội pháo hoa quốc tế Croatia và sau đó là giải Vô địch Pháo hoa mở rộng ở Utska. Hiện Trung tâm Pháo hoa “Khan” là Công ty pháo hoa hàng đầu ở Nga, đại diện cho đất nước này tại các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế. Điểm khác biệt giữa Trung tâm Pháo hoa Khan và các công ty khác ở Nga là: “Khan” là công ty duy nhất sử dụng thiết bị bắn hiện đại “Pyrodigit” để biểu diễn các màn pháo hoa lớn và hiệu ứng đặc biệt trong các tòa nhà.
 

Màn trình diễn đặc sắc của đội Ý tại DIFC 2012. Ảnh: Bùi Oanh
Màn trình diễn đặc sắc của đội Ý tại DIFC 2012. Ảnh: Bùi Oanh

Đội Mỹ-Melrose Pyrotechnics là nơi công nghệ kết hợp với truyền thống. Họ nổi tiếng với thương hiệu về sự say mê và tài năng, được bổ trợ với những kỹ thuật pháo hoa tốt nhất và rực rỡ nhất. Với các sự kiện pháo hoa theo nhạc, họ kết hợp giữa sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp của các nhạc sĩ tài năng với sự lập trình chuẩn xác của các kỹ thuật viên điêu luyện để làm ra những màn trình diễn bừng sáng bầu trời, sân vận động hay cả trí tưởng tượng của con người. Truyền thống trình diễn pháo hoa của công ty khởi đầu từ những năm 1960 ở Melrose Park, Illinois, Hoa Kỳ, khi cha của ông Mike Cartolano, hiện là Chủ tịch của Melrose Pyrotechnics, kết hợp với đội bóng chày Chicago White Sox xây dựng màn trình diễn pháo hoa trên bảng tỷ số. Đến những năm đầu thập kỷ 1980, dưới sự dẫn dắt của Mike, Melrose Pyrotechnics trở thành một trong những công ty đầu tiên áp dụng công nghệ bắn điện tử, mở ra một kỷ nguyên mới cho công ty cũng như cho ngành công nghiệp pháo hoa theo nhạc.

Đội Việt Nam-thành phố Đà Nẵng được thành lập vào tháng 8-2008, đội Đà Nẵng là đại diện đầu tiên của Việt Nam tham gia vào các cuộc trình diễn pháo hoa quốc tế, có trang-thiết bị bắn hiện đại ngang tầm với các nước trên thế giới. Các thành viên của đội được đào tạo tại nước ngoài và thường xuyên được nâng cao trình độ về nghệ thuật trình diễn pháo hoa. Đội Đà Nẵng đã đem đến cho người dân thành phố Đà Nẵng và bạn bè gần xa những màn pháo hoa rực rỡ trong cuộc thi và các ngày lễ, Tết. Đặc điểm nổi bật của đội Đà Nẵng chính là tinh thần đoàn kết và cao thượng. Từ khi thành lập đến nay, đội Đà Nẵng đã thể hiện những bước tiến rõ rệt qua từng cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng hàng năm với những màn bắn ngày càng đặc sắc và được dàn dựng hấp dẫn hơn. Năm 2012, đội đã vinh dự được mời tham dự trình diễn tại “Lễ hội Ánh sáng” tại Vancouver, Canada và được vị trí thứ nhì.

Cú hích cho ngành du lịch

Theo kế hoạch phát hành vé xem cuộc thi DIFC 2013 do Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành, giá vé khán đài C1 là 300.000 đồng/vé/người/đêm, khán đài C2 250.000 đồng/vé/người/đêm, khán đài C3 200.000 đồng/vé/người/đêm. Trong đó, khán đài phục vụ DIFC 2013 gồm hai khu: Khu khán đài A, B tại sân khấu chính với sức chứa 19.500 chỗ ngồi và khu khán đài C với sức chứa khoảng 17.700 chỗ ngồi. Ban tổ chức sẽ bán khoảng 25.000 vé xem pháo hoa, giá vé khán đài B4, B5 là 400.000 đồng/người/đêm. UBND thành phố Đà Nẵng đã cho phép các đơn vị có tàu du lịch bán vé trên tàu xem trình diễn pháo hoa. Tuy nhiên phải có cam kết đảm bảo về an toàn, chất lượng dịch vụ và giá vé bán không được quá 300.000 đồng/vé/người/đêm. Ngoài phần trình diễn của các đội tham dự, DIFC 2013 còn có các hoạt động phụ trợ về văn hóa, thể thao, du lịch được tổ chức trước, trong và sau cuộc thi, nhằm thu hút người dân và du khách. Đồng thời, trong khuôn khổ lễ hội pháo hoa, nhiều hoạt động phụ trợ sẽ diễn ra như liên hoan giao lưu ẩm thực, trang trí ánh sáng nghệ thuật, diễu hành thuyền hoa, trình diễn và tổ chức các hoạt động thể thao biển, các chương trình ca nhạc và thời trang...
 

Đội Ý vinh quang nhận cúp vô địch DIFC 2012. Ảnh: Bùi Oanh
Đội Ý vinh quang nhận cúp vô địch DIFC 2012. Ảnh: Bùi Oanh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Gia Lai điện tử, mặc dù còn hơn một tháng mới đến cuộc thi bắn pháo hoa nhưng hiện tại các khách sạn Đà Nẵng dọc hai bờ sông Hàn và trung tâm Đà Nẵng đã bắt đầu nóng lên khi khách du lịch bắt đầu liên lạc đặt phòng. Các khách sạn tại các khu vực này đã được các đơn vị lữ hành, công ty du lịch và nhiều cá nhân, gia đình đặt trước khá lâu. Các khách sạn nhỏ hơn nằm dọc sông Hàn ở đường Bạch Đằng và Trần Hưng Đạo cũng trong tình trạng tương tự. Đây là những khách sạn có tầm nhìn bao quát sông và cầu sông Hàn, thuận lợi cho du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn những màn trình diễn pháo hoa.

Trong khi đó, tính toán của Ban tổ chức, dịp lễ hội pháo hoa Đà Nẵng 2013 năm nay Đà Nẵng có thể đón 500.000 du khách (năm 2011 là hơn 300.000 khách đến xem bắn pháo hoa) nhưng năng lực phòng trên địa bàn chỉ khoảng 5.000 phòng với hơn 10.000 giường. Vì thế một số đơn vị lữ hành tổ chức các tour đưa khách vào Hội An (Quảng Nam), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) tham quan ban ngày, ban đêm trở lại Đà Nẵng xem pháo hoa.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch TP. Đà Nẵng cho biết, để chuẩn bị cho lượng khách rất lớn đổ về Đà Nẵng xem pháo hoa và nghỉ ngơi trong dịp lễ 30-4 và 1-5, đơn vị đã chủ động phối hợp với Hội An (Quảng Nam), Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) để chia sẻ lượng khách, với tổng năng lực lưu trú.

Bùi Oanh-Thiên Ân

Có thể bạn quan tâm

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

Sẽ nâng cấp Hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên quy mô cấp tỉnh

(GLO)- Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh đã có cuộc khảo thực tế tại huyện Ia Grai để đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nâng cấp Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô-tranh cúp A Sanh lên cấp tỉnh.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.