Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị “Khát vọng cống hiến-Lẽ sống thanh niên”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sáng 18-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Tỉnh Đoàn Gia Lai tổ chức chương trình sinh hoạt chính trị “Khát vọng cống hiến-Lẽ sống thanh niên”.

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914-20/10/2024), 79 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên tỉnh Gia Lai (29/10/1945-29/10/2024) và 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).

fa5a3913badf95984809aec4e4a49d19-552.jpeg
Các đại biểu tham dự chương trình sinh hoạt chính trị “Khát vọng cống hiến-Lẽ sống thanh niên”. Ảnh: P.L

Tham dự chương trình có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh Đoàn Gia Lai; đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; các Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn, Thường trực các Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn và Đoàn trực thuộc; hơn 300 cán bộ Đoàn chủ chốt các xã, phường, thị trấn và đoàn viên, thanh niên đến từ các tổ chức cơ sở Đoàn đơn vị lực lượng vũ trang, Đoàn Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.

Phát biểu tại chương trình, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo nhấn mạnh: Tinh thần và chí khí của đồng chí Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên, thanh niên. Câu nói bất hủ “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” của đồng chí Lý Tự Trọng đã trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Gia Lai nói riêng trong mọi thời kỳ.

Câu nói của đồng chí Lý Tự Trọng đã thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, tin tưởng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tự giác, tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học kỹ thuật, tay nghề, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại; tích cực tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh; xung kích đi đầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia.

a74bd8d2c3bd45bda22982f9a697b7f0-1943.jpeg
Thạc sĩ Dương Trọng Phúc báo cáo chuyên đề tại chương trình sinh hoạt chính trị. Ảnh: P.L

Tại chương trình, Thạc sĩ Dương Trọng Phúc-Phó Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ với các đại biểu cùng đoàn viên, thanh niên về tiểu sử cùng quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng và “tinh thần Lý Tự Trọng-Lẽ sống thanh niên”.

Đồng chí Lý Tự Trọng (tên thật là Lê Hữu Trọng), sinh ngày 20-10-1914 trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Năm 1923, đồng chí Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong Hội Thanh niên cách mạng. Năm 1931, trong buổi mít tinh kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tổ chức tại Sài Gòn, đồng chí Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết. Đồng chí Lý Tự Trọng bị bắt giam ngay sau đó. Lợi dụng lúc rạng sáng ngày 21-11-1931, thực dân Pháp đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn giết đồng chí trong im lặng.

d8e2428643304b5c7f4b37e8898dea44-1945.jpeg
Quang cảnh chương trình sinh hoạt chính trị. Ảnh: P.L

Đồng chí Lý Tự Trọng-Người thanh niên yêu nước, bản lĩnh, khát khao lý tưởng, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, khi đứng trước cái chết không hề run sợ. Đồng chí đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, đồng chí Lý Tự Trọng đã gạt phắt và dõng dạc nói “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

Câu nói ấy đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết chiến đấu với giặc tới cùng của người chiến sĩ cộng sản trẻ Lý Tự Trọng. Sự hy sinh anh dũng của anh hùng Lý Tự Trọng-người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên đã trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là lời hiệu triệu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

697e18799380ecf6103aa74d034db03c-2665.jpeg
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình (bìa trái) cùng Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo (thứ 2 từ phải sang) tặng hoa cảm ơn các đại biểu báo cáo chuyên đề tại chương trình sinh hoạt chính trị. Ảnh: P.L

Các đại biểu cùng đoàn viên, thanh niên đã được nghe Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn-nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chia sẻ chuyên đề “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay”.

Dịp này, Tỉnh Đoàn đã tổ chức lễ tổng kết, trao giải cuộc thi giới thiệu cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm gương hy sinh anh dũng và tinh thần, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng.

Cuộc thi được chia thành 2 bảng thi: bảng A dành cho thí sinh là đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên đang học tập, công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh Gia Lai; bảng B dành cho thí sinh là học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Với 163 bài dự thi, Ban Tổ chức đã chấm điểm, lựa chọn trao 11 giải cho 11 thí sinh có bài dự thi xuất sắc nhất.

cde1b19ac6f388cfe0832354906f4948-404.jpeg
Ban tổ chức trao giải nhất cho các thí sinh đạt giải cuộc thi tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm gương hy sinh anh dũng và tinh thần, lý tưởng cách mạng của đồng chí Lý Tự Trọng. Ảnh: P.L

Trong đó, ở bảng A, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba, 1 giải khuyến khích cho các thí sinh; trong đó, giải nhất được trao cho Đại úy Nguyễn Hữu Hiếu-Bí thư Chi đoàn Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh). Ở bảng B, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba, 2 giải khuyến khích cho các thí sinh; trong đó, giải nhất được trao cho nhóm thí sinh Nguyễn Nhã Uyên và Đào Trần Thảo Nguyên-học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (TP. Pleiku).

Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi đã trao 3 giải phụ: thí sinh có phần xây dựng video clip xuất sắc nhất, thí sinh có chất giọng xuất sắc nhất, thí sinh có phần kịch bản video clip sáng tạo nhất. Ban tổ chức cũng trao 2 giải tập thể cho 2 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong triển khai cuộc thi, gồm Thành Đoàn Pleiku và Huyện Đoàn Đak Đoa.

Nhân dịp này, Tỉnh Đoàn đã phát động cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân” trong cán bộ Đoàn-Hội-Đội, đoàn viên, thanh niên. Cuộc thi gồm 2 hình thức: thi viết và thi trực tuyến với nội dung về: Quan điểm Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc.

Cảm nhận của cá nhân về lịch sử, truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phẩm chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; trách nhiệm tiếp nối, phát huy truyền thống trong học tập, lao động, công tác, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa… Cuộc thi bắt đầu từ ngày 4-11-2024 và kết thúc vào ngày 6-12-2024.

Trước đó, Tỉnh Đoàn Gia Lai đã tổ chức lễ dâng hoa trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và dâng hương tại nơi thờ Bác Hồ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.