Trong đó, có câu nói của Anh hùng Lý Tự Trọng-người sáng lập ra tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác.”.
Lời của anh trở thành lý tưởng sống và kim chỉ nam hành động cho thế hệ thanh-thiếu niên, những người lính chúng tôi bấy giờ của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước đây, cũng như các thế hệ đảng viên, đoàn viên, thanh niên sau này.
“Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng không thể có con đường nào khác”. Đó là lời tuyên bố đanh thép trước kẻ thù-thực dân Pháp xâm lược. Ngày 9-2-1931, trong buổi mít tinh do những người cộng sản tổ chức, kỷ niệm 1 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái tại Sài Gòn, đồng chí Lý Tự Trọng đã bắn chết viên mật thám Pháp Le Grand để bảo vệ diễn giả Phan Bôi đang diễn thuyết tại Quảng trường Lareni. Sau đó, đồng chí đã bị giặc bắt giam vào khám lớn Sài Gòn và bị chúng đánh đập, tra tấn dã man, hòng để Lý Tự Trọng khai ra những manh mối, thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng.
Nhưng những đòn roi, thủ đoạn tàn bạo của bọn thực dân đã không thể quật ngã ý chí người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Tinh thần bất khuất, lòng gan dạ, dũng cảm của người chiến sĩ trẻ tuổi Lý Tự Trọng đã khiến một số tên mật thám từ căm giận đến sửng sốt, ngạc nhiên và khâm phục anh. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí Lý Tự Trọng còn động viên, khích lệ đồng đội trong tù vững tin để tiếp tục chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc.
Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa xét xử anh của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, nên “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói to: “Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.
Khi Bộ trưởng thuộc địa Pháp trực tiếp gặp Lý Tự Trọng và thốt ra giọng điệu “ngọt ngào” hòng mua chuộc anh, rằng: “Tuổi thanh niên ngông cuồng, nước Pháp sẵn sàng tha thứ cho anh. Đối với những người thông minh, Chính phủ bao giờ cũng nâng đỡ, chỉ cần anh thật thà hối cải. Nếu muốn anh có thể sang Pháp học để trở về giúp đất nước, tha hồ quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn, ăn mặc sung sướng”.
Đáp lại, Lý Tự Trọng đã dõng dạc: “Ta sinh ra không phải để ăn thứ cơm ấy”. Những câu nói mang đầy “chất thép” của anh Lý Tự Trọng trước quân thù đã thể hiện niềm tin, tinh thần lạc quan vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc và quyết chiến đấu với giặc tới cùng của người chiến sĩ cộng sản trẻ tuổi Lý Tự Trọng.
Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20-10-1914 tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. Anh là con trai ông Lê Khoan (tức Lê Hữu Đạt), quê ở làng Việt Xuyên (nay là xã Việt Tiến), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh và bà Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Là người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp dìu dắt từ tuổi thiếu niên, sớm được gặp các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Lý Tự Trọng đã được giác ngộ cách mạng. Khi phong trào cách mạng trong nước phát triển mạnh mẽ, theo sự phân công của tổ chức, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ làm liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng; đồng thời, vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để chuẩn bị thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản trong nước. Sau đó, Lý Tự Trọng trở thành người đoàn viên cộng sản đầu tiên.
Từ nhỏ, anh đã thể hiện được tư chất thông minh và trở thành một trong những học sinh giỏi của trường. Năm 1925, Lý Tự Trọng được sang Trung Quốc học tập và nói thạo tiếng Thái Lan, tiếng Hán và tiếng Anh. Anh hoạt động trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1929, đồng chí Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương và làm liên lạc cho Xứ uỷ Nam Kỳ với các tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ tài liệu của Đảng về nước. Trong những ngày cuối cùng ở xà lim án chém của kẻ thù, Lý Tự Trọng vẫn lạc quan yêu đời, tin tưởng vào sự thắng lợi của cách mạng.
Thực dân Pháp đã không dám xử công khai Lý Tự Trọng. Lợi dụng lúc rạng sáng ngày 21-11-1931, chúng đã hèn hạ dựng máy chém ở ngay khám lớn Sài Gòn giết anh trong im lặng.
Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ, góp phần động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng tinh thần cách mạng của anh trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên noi theo. Tinh thần và chí khí người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng sáng ngời, thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ đoàn viên thanh niên.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, tri ân công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất, tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ hôm nay nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, yên bình.
Hơn bao giờ hết, câu nói “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác” càng thôi thúc tuổi trẻ cố gắng phấn đấu học tập, rèn luyện, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, thế hệ thanh niên Việt Nam noi gương anh Lý Tự Trọng, nguyện viết tiếp trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
--------------------
(*) Theo “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng- Người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên (20/10/1914-20/10/2024)” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh biên soạn.