Tìm đầu ra cho nông sản Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tây Nguyên có hơn 5 triệu héc-ta đất nông nghiệp và có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng. Vùng đất này trở thành trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực của cả nước như cà-phê, hồ tiêu, cao-su, điều, mắc-ca... cùng nhiều loại cây ăn quả. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của toàn vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn xảy ra, có lúc nông sản "tắc" đầu ra, đẩy nông dân vào vòng luẩn quẩn trồng-chặt, chặt-trồng...
 

 Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy ở huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng.
Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại Công ty TNHH sản xuất thương mại nông sản Phong Thúy ở huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng.


Nghịch lý trên là do người dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và tự ý phát triển diện tích cây trồng không theo khuyến cáo, định hướng của ngành chức năng. Các sản phẩm nông nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà chưa chú trọng về chất lượng, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Dù sinh sống trên vùng đất trù phú, nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản Tây Nguyên là yêu cầu cấp thiết.

Giá cả bấp bênh

Ðắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 650.000ha, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa phù hợp phát triển nhiều loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Ðến nay, tỉnh Ðắk Lắk phát triển được 213.000ha cà-phê với sản lượng 530 nghìn tấn cà-phê nhân; 33.000ha hồ tiêu với sản lượng 85 nghìn tấn; hơn 34.330ha cây cao-su, 27.702ha điều, gần 43.000ha cây ăn quả với chủng loại đa dạng, phong phú như: sầu riêng, bơ, cam, quýt, bưởi, mít, nhãn, vải, chuối, chanh leo... với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Tuy nhiên, đầu ra nông sản còn hạn chế, giá cả bấp bênh khiến đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Gia đình ông Trần Văn Phương ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk có 1ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây ông trồng cà-phê. Nhưng khoảng năm 2012, vườn cây già cỗi, năng suất thấp, giá cà-phê nhiều năm liền giảm sâu, bị thua lỗ, cho nên ông nhổ bỏ chuyển sang trồng hồ tiêu. Ðến khi hồ tiêu cho thu hoạch thì giá lại rớt từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 40.000-50.000 đồng/kg khiến ông càng lỗ nặng. Những năm gần đây, thấy người dân địa phương đổ xô trồng cây ăn quả nên ông trồng xen sầu riêng, bơ vào vườn hồ tiêu và chính ông cũng không biết cây nào là chính.

 

Làm nông nghiệp quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm. Nhưng với giá cả bấp bênh, lên xuống thất thường như lâu nay, tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra thì nông dân chúng tôi rất khó khăn.

 Ông Phương chia sẻ

Còn ông Nguyễn Xuân Ðại, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ thương mại Rạng Ðông, tỉnh Kon Tum cho biết: Cái khó của nông dân là không chủ động được đầu ra của nông sản, mà phụ thuộc vào thương lái. Các loại nông sản, nhất là trái cây đến ngày thì phải thu hoạch, chưa được giá mà chín đồng loạt thì vẫn phải bán, nên chuyện bị ép giá là không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc trồng cây gì để đầu ra ổn định là điều chúng tôi luôn trăn trở".

Một nắng hai sương làm ra nông sản, nhưng giá cả bấp bênh, bị ép giá, thậm chí "tắc" đầu ra là nỗi trăn trở bao năm nay của người dân Tây Nguyên. Ðặc biệt thời gian gần đây, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến việc vận chuyển, lưu thông gặp khó khăn, nhiều nông sản chủ lực ở Tây Nguyên tiêu thụ chậm. Trong khi đó, Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà-phê chiếm 94,8%; hồ tiêu chiếm 68,6%; cao-su chiếm 22,1%. Một số cây ăn quả tăng nhanh, sầu riêng chiếm tới 43,1% diện tích và 36,3% sản lượng; bơ chiếm tới 78,1% diện tích và 81,9% sản lượng. Tây Nguyên còn là vùng sản xuất chanh leo lớn nhất cả nước, chiếm hơn 70% diện tích...

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, phần lớn nông dân ở khu vực Tây Nguyên vẫn thiếu tính liên kết trong chuỗi sản xuất, chế biến. Mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị hàng nông sản chưa được xác lập bền vững trên cơ sở xử lý hài hòa, cân bằng các lợi ích. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu. Chất lượng giống cây trồng chưa cao. Các sản phẩm chủ lực của Tây Nguyên chất lượng không đồng đều, còn gặp phải nhiều hàng rào thương mại mang tính kỹ thuật và bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới, nhất là thị trường Trung Quốc và châu Âu. Những lý do trên khiến tiêu thụ nông sản không ổn định, giá cả bấp bênh.

Để đầu ra của nông sản ổn định hơn

Nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang nỗ lực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Tại Diễn đàn kết nối Tây Nguyên với chủ đề "Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên" được tổ chức mới đây tại tỉnh Gia Lai, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: Ðể nông sản Tây Nguyên có đầu ra ổn định, Bộ sẽ tập trung vào một số nội dung trọng điểm như tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn Tây Nguyên.

Ðịa phương cần xác định các cây trồng ưu tiên, xây dựng một số trung tâm sản xuất cây công nghiệp, nông nghiệp giá trị cao. Ðồng thời sẽ phát triển mạnh các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Tây Nguyên đẩy mạnh hợp tác, liên kết nông nghiệp nội vùng với các vùng lân cận cũng như cả nước. Triển khai hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao, nông nghiệp số, sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ. Về thị trường tiêu thụ, sẽ đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước, mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho biết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, nhằm nâng cao đời sống của người dân. Gia Lai xác định nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp là những chủ thể quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu, từ đó vào cuộc quyết liệt để huy động các thành phần này tham gia xây dựng chuỗi liên kết, tạo ra giá trị gia tăng và phát triển bền vững hơn.
 


Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng, Nguyễn Văn Châu chia sẻ: "Ðể mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường tiềm năng như EU, chúng tôi xác định giải pháp là mở rộng canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bảo đảm an toàn gắn với chế biến sâu để tạo giá trị gia tăng. Ðồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu về các dịch vụ trọn gói như đóng gói, lưu kho, thực hiện các thủ tục hải quan, vận chuyển, giao hàng"...

Ngoài ra, Lâm Ðồng cũng tìm kiếm và khai thác các thị trường mới dựa trên lợi thế về chủng loại, chất lượng và mùa vụ nông sản... Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðắk Lắk, Nguyễn Hoài Dương cho rằng, để đầu ra nông sản ổn định, tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tạo ra các chuỗi giá trị khép kín để liên kết, hợp tác từ khi xác định sản phẩm để sản xuất cho đến khi đưa vào thị trường tiêu thụ, vừa giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.

Ngành nông nghiệp các tỉnh Ðắk Nông, Kon Tum đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất có chứng nhận theo chuẩn VietGAP, 4C, UTZ Certified, GlobalGAP, Organic, Flo, Rainforest..., đồng thời hỗ trợ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, cấp mã vùng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý... để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ngoài thị trường truyền thống, các tỉnh tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh phát triển sàn thương mại điện tử, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn Sendo, Tiki, BigC/GO, Shopee, Lazada, Alibaba... để nông sản Tây Nguyên không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn vươn ra thế giới.

Bài, ảnh: Biểu Lý Hòa-Yên Bảo Thắng
(Dẫn nguồn NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm