Tiếng guitar trong gió

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi Ly vừa lớn lên đã ý thức được mình đẹp, vẻ đẹp rắn chắc, khỏe khoắn với nét duyên ngầm của con gái miền biển mà mình được thừa hưởng từ mẹ. Ly ghét điều đó, dù cô không bao giờ có thể thay đổi. Ly thèm có nét thật thà, chất phác trên khuôn mặt của ba, em yêu cả nước da đen sạm vì nắng gió của ba…

Quán cà phê của mẹ nằm liêu xiêu giữa những gốc phi lao già. Thực chất là cái rạp ba dựng từ những gốc cây trong vườn và kê những bộ bàn ghế nho nhỏ. Quán lạ, nằm xa trung tâm, xung quanh toàn đồi cát hoang vu nhưng khách theo nhau đến từng đoàn. Không chỉ xe máy, khách còn có cả những chiếc ô tô bóng loáng mang biển số Sài Gòn. Ly tự giải thích điều này, vì mẹ đẹp và hát hay.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Khi mẹ hát, ba luôn là người đệm đàn. Tiếng guitar gỗ trầm buồn của ba hòa với giọng hát hoang vu của mẹ trong tiếng phi lao vi vút gió làm thành cặp bài trùng, có sức mê hoặc. Tàn đêm, khi mẹ còn tẩy trang và bôi những thứ kem dưỡng da lên mặt, lên người thì ba dọn dẹp bàn ghế, rửa hết đống ly chén. Nhiều khi, Ly không hiểu vì sao ba chấp nhận khổ cực âm thầm chi vậy. Ngày, ba vất vả với xưởng làm nước mắm khá lớn trong vùng và làm đến tận nửa đêm. Mẹ hầu như không quan tâm sự nhọc nhằn ấy. Mẹ hát buổi tối, ngày rảnh rỗi đánh bài, thua nợ đầm đìa. Những khoản nợ ấy của mẹ, ba luôn là người theo sau giải quyết, không một lời phàn nàn.

Sự im lặng chịu đựng của ba không níu mẹ lại được. Ngày bỏ đi, mẹ để lại cho ba bức thư. Ly không biết thư viết gì nhưng mắt ba vằn lên vẻ giận dữ. Khi ba nhìn Ly, ông vẫn giữ vẻ uất giận ấy, nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm. Ba cười như mếu: “Mẹ mày không chịu nổi mùi nước mắm, ưa mùi nước hoa Sài Gòn. Mà cái đời tao có hơn gì một chum nước mắm đâu”-đó là lần đầu tiên ba nói từ “mày, tao” với Ly...

Ba tìm hết những gì còn sót lại của mẹ trong căn nhà chất thành một đống giữa sân, châm lửa đốt. Trong đêm, những ngọn lửa nhảy múa những hình thù ma quái, rần rật, rần rật phả hơi nóng rát mặt. Ly chỉ kịp giấu một tấm hình mẹ đang bế Ly trên tay, ba choàng cánh tay rắn chắc ôm cả hai mẹ con. Lúc ấy, Ly ba tuổi, hai mẹ con cười tươi rói, ba cười mim mím miệng không giấu vẻ hạnh phúc. Ba không nói nhưng nhiều người nói với Ly: “Mẹ mày theo trai”. “Trai” là người đàn ông bụng bự, da trắng lốp, đi chiếc ô tô đen bóng biển số Sài Gòn, cuối tuần nào cũng đánh xe ra đây nghe mẹ hát.

Lúc ấy, Ly bước vào tuổi 15. Ba chở Ly bằng chiếc xe Chaly lùn xỉn, chạy trên con đường nhựa xuôi ra phố. “Mình đi lên phố tìm mẹ hả ba”. Ba ậm ừ gì đó. Ly không níu kéo: “Thôi, hay ba cho mẹ đi luôn, lúc nào mẹ hối lỗi mẹ về”. Lặng một lúc, Ly nói tiếp: “Con sắp lớn rồi ba, sau này ba cần gì con sẽ giúp ba, con sẽ nuôi ba”. Ba dừng xe lại trước một trại trẻ mồ côi. Ly thắc mắc: “Sao tìm mẹ mà ghé đây ba? Hay ba con mình đi thăm ai?”. Ba nhìn Ly bằng đôi mắt nặng trĩu. Giọt nước mắt hiếm hoi rớt xuống. Ba quay đầu xe lao như ma đuổi về nhà…

*
Mẹ đi rồi, ba bán luôn xưởng nước mắm cho một người khác, quyết định dọn vào Sài Gòn sinh sống. Ly cảm nhận đó là cách ba chạy trốn nỗi đau của mình bằng một nỗi đau khác. Xưởng nước mắm có từ đời ông nội, đến nay ngót nghét gần 40 năm. Khi bước chân đi, Ly thấy mắt ba đỏ hoe. Ba đổi sang nghề chạy xe ôm. Buổi tối về ba thường nằm dài trên chiếc võng, hát bài “Lý con sáo” buồn hiu.

Khách hàng thân nhất của ba là cô Mai. Cô góa chồng, có một phòng trà nhỏ nằm ven sông, ngày nào cũng thuê ba hai cữ đưa đi đón về. Ly quý cô Mai vì cô cười rất hiền. Cô mở phòng trà nhưng ăn mặc giản dị, thoa một chút son màu hồng nhạt, cuộn tròn tóc gọn gàng sau gáy. Khi đứng gần cô thoang thoảng mùi dễ chịu chứ không sực nức phấn son như mẹ Ly. “Ba, ba thấy cô Mai đẹp không?”. “Ừa, đẹp. Mà đàn bà đẹp chỉ tội làm khổ đàn ông”. Ba triết lý một câu nghe… trớt quớt. Ly cụt hứng không nói gì nữa. Lại nghe tiếng thở dài thườn thượt của ba. Ly định kể cho ba nghe chuyện có một cậu bạn cùng lớp viết thư gửi Ly, mời đi ăn kem, nhưng rồi lại thôi. Những câu chuyện không đầu không đuôi của Ly chẳng thể làm nhạt đi nỗi buồn trong ba.

- Con nghĩ kỹ rồi, ba quên mẹ đi. Con biết sáu bảy năm nay, rất nhiều lần ba chạy xe ôm không phải vì đón khách mà vì muốn tìm thấy mẹ ở góc nào đó trong Sài Gòn này. Thành phố này rộng lắm chứ có nhỏ như quê mình đâu ba. Mà chật chội như quê mình, ba còn không giữ được mẹ, huống gì…

Khi nói những điều ấy, mắt Ly cay xè, sống mũi nghèn nghẹt. Ba ngồi im như pho tượng, chỉ đôi mắt nhìn Ly khẽ nhíu lại, ươn ướt như hồ nước cạn cuối mùa khô.

- Con gái ba hai mươi hai rồi, đã thương ai chưa?-Ngày sinh nhật 22 tuổi, cũng là ngày Ly ra trường, xin được việc làm, bỗng dưng ba hỏi.

Ly ngúc ngoắc đầu. Ba nhìn dõi xa xăm: “Hồi trước, mười tám tuổi mẹ con đã theo ba về nhà. Hai mươi tuổi đã có con gái bi bô tập nói”. Biết rằng nếu để ba đuổi theo dòng hồi tưởng ấy thì chắc sẽ tìm tới nỗi buồn nào đó, Ly đánh trống lảng: “Ba đàn con nghe nha ba, sinh nhật con mà”. Ba lặng im ngoảnh nhìn cây đàn bụi phủ mờ kê trên nóc tủ. Nhìn qua vẻ mặt háo hức của Ly, ba kéo cây đàn, phù phù thổi bụi, so lại dây và dạo những nốt nhạc nhẹ nhàng như gió lướt qua. Khi bản nhạc kết thúc, Ly thấy ba cười thật tươi. Bảy năm, từ hôm rời quê đến nay, Ly mới gặp lại nụ cười rạng rỡ ấy. “Ba, con sẽ đi hát ở phòng trà của cô Mai, ba đệm đàn cho con nha?”. Sau một khoảng không tưởng như cô đặc vì im lặng, ba bảo: “Nghề đó phù du lắm con. Con cứ làm cô giáo, đúng như nghề con học”. “Con làm cô giáo, nhưng con sẽ tranh thủ những ngày cuối tuần đi hát phòng trà để được nghe ba đàn như xưa, để ba lại vui như xưa. Nha ba…”.

Khuya hôm ấy, trong giấc ngủ chập chờn, Ly nhìn thấy ba ngồi bần thần rất lâu lật giở chiếc hộp Ly vẫn cất giữ những kỷ vật nho nhỏ của mình. Ba cầm tấm hình duy nhất Ly còn giữ lại được có đủ mặt ba, mẹ và Ly. Hình như khóe miệng ba khe khẽ nụ cười rất hiền.

*
Nhiều khách quen như tôi đến quán này cũng chỉ vì hai cha con em gái tóc chấm vai ấy. Sau những buổi tối khách đã vãn, khi cô gái tranh thủ đọc sách, tôi vẫn thấy người đàn ông ấy cùng bà chủ phòng trà xếp đàn lại, dọn dẹp bàn ghế, thu xếp bộ ấm chén, ly tách. Thi thoảng bà chủ quán lấy tay che miệng cười khi nghe điều gì đó thú vị, vẻ mặt bẽn lẽn như tuổi đôi mươi. Người đàn ông chơi đàn đưa mắt nhìn chị rất đỗi dịu dàng. Tôi thấy một niềm vui nho nhỏ vừa nhóm lên.

Có một điều mà tôi vốn được xếp vào hàng giàu trí tưởng tượng vẫn thấy bất ngờ. Ly kể, chuyện này em cũng mới biết đây thôi. Ngày mẹ em ra đi, lá thư bà để lại có ghi rằng: “Con Ly không phải con ông. Nó lớn lên chắc cũng chẳng chịu nổi mùi nước mắm khẳm thối. Ông hãy đưa nó vào trại mồ côi Hoa Hướng Dương bảo bố mẹ nó bỏ nó, nhờ xã hội nuôi giùm. Sau này nếu có điều kiện tôi sẽ quay lại tìm nó”.

...Tối nay, khi đến nghe em hát, tôi đã chọn cho mình một nụ hồng. Nụ hồng đầu tiên mà tôi gửi tặng một người con gái!

Võ Thu Hương

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Thơ Đại Dương: Kính rượu thầy giáo cũ

(GLO)- Bài thơ "Kính rượu thầy giáo cũ" của tác giả Đại Dương chứa đựng nhiều tình cảm và lòng tri ân sâu sắc. Mỗi câu thơ là hình ảnh rất chân thật về một thời gian khó cắp sách đến trường, về những hy sinh thầm lặng của thầy giáo và cả sự khắc khoải, trăn trở của người học trò đã trưởng thành...

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.