(GLO)- Gia Lai online số ra ngày 31-7-2012 có bài “Tiền hỗ trợ có đến tay học sinh nghèo” phản ánh về việc học sinh trường THCS Hoàng Hoa Thám, xã Ia Khai, huyện Ia Grai không được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 112 của Chính phủ và nhiều học sinh thiếu sách trong khi kho thư viện của trường được lưu trữ đầy đủ…
Theo đơn thư phản ánh thì nội dung sự việc như sau: Quyết định 101/2009/QĐ-TTg ngày 5-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức đầu tư năm 2010 đối với một số dự án thuộc chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010 và sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20-12-2007 về chính sách hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật thuộc Chương trình 135 giai đoạn II: học sinh là con hộ nghèo đi học, học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông mỗi học sinh được hỗ trợ một năm (9 tháng) là 1.260.000 đồng.
Trường THCS Hoàng Hoa Thám ngày tựu trường. Ảnh: L.H |
Thế nhưng, năm học 2011-2012, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo tại trường THCS Hoàng Hoa Thám vẫn chưa được nhận khoản tiền này, kể cả năm học 2010-2011 nhà trường cũng chỉ cho học sinh nhận 3 tháng/năm.
Vừa qua, chúng tôi đã làm việc với ông Đặng Ngọc Quế-Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Hoa Thám, ông Quế cho hay: Trong các năm học từ 2008 đến 2011, trường có 89 suất học sinh nghèo được nhận tiền hỗ trợ theo Quyết định 112 của chính phủ. Bắt đầu từ ngày 1-1-2011, chúng tôi thực hiện theo Quyết định 49, theo đó 100% học sinh các cấp học của nhà trường được hưởng theo Quyết định này với tổng số tiền hơn 240 triệu đồng cho toàn bộ 473 em học sinh (đến hết học kỳ I năm học 2011-2012). Đầu tháng 8-2012, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục lập danh sách gửi lên Phòng Giáo dục-Đào tạo, hiện nay học sinh chưa nhận được tiền hỗ trợ học tập trong học kỳ II của năm học trước.
Việc phụ huynh cho rằng không ký vào danh sách và tiền cũng chưa nhận thì ông Quế khẳng định: không có trường hợp nào khiếu nại về vấn đề này. Khi ông Quế cung cấp sổ sách, chứng từ để đối chiếu, chúng tôi thấy phần cấp tiền hỗ trợ có đầy đủ chữ ký của phụ huynh (xác nhận của hiệu trưởng) song hầu hết các chữ ký đều rất giống nhau thì lúc này ông Quế mới giải thích: có thể do phụ huynh nhờ nhau hoặc nhờ giáo viên ký giúp (!?).
Không những vậy, nhiều ý kiến còn cho biết nhà trường vẫn chưa thực hiện đúng quy định trong việc cấp phát sách giáo khoa cho học sinh tại đây. Theo nguyên tắc, sách giáo khoa cũ (học sinh khóa trước trả lại) tiếp tục sử dụng cho học sinh khóa sau mượn. Nếu không đủ cấp phát cho 100% học sinh năm học mới, nhà trường có kế hoạch đề nghị trên cấp bổ sung và phải bảo đảm đủ sách giáo khoa cho các học sinh theo diện ưu tiên được mượn. Tuy nhiên, năm học vừa qua do trên cấp bổ sung chậm, một số học sinh phải đợi. Học kỳ II nhà trường mới nhập sách giáo khoa về nhưng lại không cho học sinh mượn mà lưu trong thư viện nhà trường, dẫn đến nhiều học sinh không có sách để học.
Về phần sách giáo khoa, ông Quế cho biết: Hàng năm tỉnh cấp bổ sung sách giáo khoa về các trường (khoảng 10%) nhưng đến hết học kỳ I nhà trường mới nhận được trong khi học sinh tựu trường từ 15-8. Để đảm bảo cho việc học, Ban Giám hiệu đã cho học sinh mượn sách giáo khoa theo quy định, sau đó rà soát lại số sách giáo khoa còn thiếu tại các lớp để lập danh sách cấp vào đợt II. Qua khảo sát, năm học 2011-2012 trường còn thiếu 1.126 đầu sách các loại nên đầu tháng 9-2011 Ban Giám hiệu nhà trường đã trích từ số tiền do phụ huynh đóng góp để mua sách cho học sinh.
Như vậy, số sách tỉnh cấp cho năm học trước nhà trường có cho học sinh mượn trong năm học mới hay lại thu tiền phụ huynh để mua sách bổ sung cho học sinh? Khi được hỏi, ông Quế đưa ra nhiều lý do khác nhau trong đó có sổ theo dõi mua, nhận sách, cho mượn sách giáo khoa của trường. Qua sổ ghi chép thể hiện số liệu ghi trong sổ hoàn toàn không khớp với báo cáo của ông hiệu trưởng lúc ban đầu, sách giáo khoa nhà trường mua về cho học sinh cũng chỉ cách một ngày so với số sách của tỉnh cấp về. Một nghịch lý nữa là, trong khi sách giáo khoa là phương tiện thiết yếu giúp học sinh nắm vững kiến thức thì sách cấp về lại lưu dự trữ trong thư viện và 98% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thuộc đối tượng được mượn sách giáo khoa thì nhà trường lại thu tiền để mua sách nhưng học sinh vẫn không đủ sách để học.
Trước những vấn đề trên, ông Đặng Ngọc Quế-hiệu trưởng trường THCS Hoàng Hoa Thám đã thừa nhận nhiều sai sót, trong đó có phần thiếu trách nhiệm của ông trong việc kiểm tra, giám sát khi triển khai và thực hiện nhiệm vụ. Một câu hỏi được đặt ra, liệu các chế độ hỗ trợ cho học sinh có đến tay học sinh, đặc biệt là học sinh hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đến trường và những bức xúc kéo dài như thời gian vừa qua có tiếp tục lặp lại khi năm học mới đã bắt đầu.
Lệ Hằng