Tiềm năng lớn từ kinh tế ban đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều thành phố lớn có cơ hội phát triển kinh tế ban đêm theo những hướng khác nhau nhưng mới khai thác được phần rất nhỏ.
Trong khi các điểm đến lớn trên thế giới thu về nhiều tỉ USD từ việc phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch, ở Việt Nam, kinh tế ban đêm còn manh mún, nhỏ lẻ… Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu về chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm, nhất là ở những thành phố lớn.
Không có gì ngoài... nhậu!
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tất cả hoạt động mang tính kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cho nền kinh tế đều có thể coi là kinh tế ban đêm, từ chợ đêm, nhà hàng, quán ăn, khách sạn, các hoạt động văn hóa, giải trí, lễ hội… TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng là những điểm du lịch nổi tiếng nhưng nhiều du khách quốc tế đến thường than ban đêm "không biết đi đâu, chơi gì".
 
Phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP HCM) thu hút du khách vào ban đêm nhưng chủ yếu hoạt động ăn uống Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Các điểm vui chơi về đêm ở phố cổ Hà Nội, nằm trên địa bàn quận trung tâm Hoàn Kiếm rất náo nhiệt từ khoảng 18 giờ mỗi ngày nhưng không khí này chỉ kéo dài đến khoảng 23 - 24 giờ, sau đó phải nhường chỗ cho sự im lặng của màn đêm. Đó là phần nổi bật nhất của kinh tế ban đêm ở thủ đô.
 
Một khu chợ đêm hiếm hoi ở Đà Nẵng nhưng hầu hết sản phẩm đều kém đặc sắc Ảnh: BÍCH VÂN
Du khách đến với Hà Nội thường nhắc đến phố Tạ Hiện (quận Hoàn Kiếm) trầm mặc, bình yên hay rêu phong, cổ kính vào ban ngày và đông đúc, nhộn nhịp khi màn đêm buông xuống. Đây là một phần rất ít sôi động về đêm ở Hà Nội nhưng chỉ hoạt động đến gần 12 giờ đêm. Trong khi đối với nhiều du khách phương Tây, đây mới là thời điểm bắt đầu vui chơi, giải trí.
Nhiều người trẻ Việt cũng khá hụt hẫng khi mới 23 giờ mà nhiều điểm vui chơi đã phải lặng lẽ dọn dẹp, ngưng phục vụ. Điển hình là phố lẩu Phùng Hưng (Hà Nội) đậm chất Hà thành nhưng do nhiều vấn đề về an ninh, trật tự, các hàng quán đều phải dọn dẹp bàn ghế, đóng kín cửa theo quy định và chỉ phục vụ khách ở tầng 2, 3, 4… thay vì ngồi ở vỉa hè hay tầng 1 như thời điểm 20-21 giờ. Các quán bán đồ ăn đêm ở Hà Nội nếu muốn hoạt động sau 12 giờ đêm, phải là những địa điểm nằm sâu trong ngõ, bày biện vài chiếc bàn nhỏ và sẵn sàng bị lực lượng chức năng yêu cầu dọn hàng, đóng cửa bất cứ lúc nào.
Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội để phục vụ người dân, du khách ở Hà Nội cũng khá khiêm tốn. Ngoài các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính chất thời vụ hoặc vào các dịp lễ.
Trong một khảo sát nhỏ với bạn bè, người thân và một số khách du lịch tới TP HCM cho câu hỏi "Tới TP HCM buổi tối thì ăn ở đâu, chơi gì?", phần lớn khách trong nước trả lời chỉ biết ngồi la cà quán cà phê ở khu vực trung tâm hoặc các quận lân cận, rồi giải tán vào khoảng 22 giờ. Muốn ngồi lâu hơn thì ra phố đi bộ Bùi Viện (quận 1). Nhiều khách quốc tế được hỏi cho biết ấn tượng với phố đi bộ Bùi Viện nhưng gần đây con phố này được nhắc nhiều hơn với cái tên "phố nhậu", khi không gian cho người đi bộ gần như không còn vì quán xá, nhà hàng đua nhau tràn xuống đường.
Đà Nẵng cũng nổi tiếng là thủ phủ du lịch miền Trung nhưng ghi nhận của phóng viên, từ khoảng 21 giờ, các tuyến phố ở khu vực trung tâm quận Hải Châu hay phố du lịch ở Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã bắt đầu tắt đèn… đi ngủ. Con đường phố thời trang Lê Duẩn cũng chỉ hoạt động tới 22 giờ. Nhiều du khách lần đầu đến Đà Nẵng đều bất ngờ với việc "thành phố đi ngủ sớm". Dạo quanh một vòng ở khu phố An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn, được mệnh danh là phố Tây của Đà Nẵng, chỉ có vài hàng quán mở cửa đón khách sau 22 giờ.
Nhiều nhóm du khách cho biết ban đêm ở Đà Nẵng, họ chỉ trải nghiệm dịch vụ đến 22 giờ ở các điểm như Helio, chợ đêm Sơn Trà hay một số quán bar nổi tiếng. Tuy vậy, anh Nguyễn Quốc Việt, ngụ quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, cho biết những điểm đến về đêm mùa này rất vắng vẻ. "Mùa nắng còn sôi động ở các tuyến phố khu vực trung tâm nhưng khuya lắm cũng chỉ tới 23 giờ, kể cả những khu phố phục vụ cho du khách nước ngoài. Còn mùa mưa, đường sá vắng vẻ, hàng quán thưa thớt" - anh Việt nhận xét.
Trong khi đó, TP biển Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hiện có 4 chợ đêm hoạt động: 46 Trần Phú của Công ty Yến sào Khánh Hòa; Nha Trang Market trên đường Trần Quang Khải; Yasaka 9 market của khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang và "Phố mua sắm" trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Tuy nhiên, các chợ đêm này chỉ đơn thuần là mua sắm những mặt hàng lưu niệm.
Ngoài chợ đêm, ban đêm ở Nha Trang có những quán bar nhưng chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Sailing Club, Skylight, Zima, Lodge, Yasaka. Các hoạt động biểu diễn văn hóa về đêm cũng khá ít dù có đủ không gian biểu diễn như ở trung tâm hội nghị 46 Trần Phú, Công viên Phạm Văn Đồng, Công viên bờ biển Trần Phú. Ông Đinh Văn Cường, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP Nha Trang, cho biết hiện trên địa bàn có gần 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke. Trong đó, số lượng đủ tiêu chuẩn hoạt động đến 2 giờ sáng chỉ khoảng trên 10 đơn vị.
Chưa có ngành kinh tế đêm thật sự
Nhiều du khách cho rằng mỗi khi khám phá địa phương nào đó, điều chắc chắn họ muốn biết là bản sắc về đêm. Ẩm thực, văn hóa hay thậm chí là các dịch vụ giải trí mang màu sắc địa phương, được quy hoạch bài bản thành những khu phố đặc trưng trong thủ phủ du lịch là nơi du khách muốn đến nhưng đang thiếu ở nhiều điểm đến.
Từ năm 2016, Hà Nội bắt đầu tổ chức tuyến phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm và liên thông với khu vực phố cổ. Đây được coi là bước tiến quan trọng của TP hơn 8 triệu dân. Các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội đường phố, biểu diễn âm nhạc đường phố đã bắt đầu hút khách du lịch và tạo nên những dấu ấn riêng cho thủ đô. Dù vậy, phố đi bộ mới chỉ hoạt động vào các ngày cuối tuần, không khí về đêm dù rất đông đúc nhưng chưa thực sự hấp dẫn…
Dưới góc nhìn của người làm du lịch nhiều năm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, nhận xét nhiều địa phương ở Việt Nam đã quan tâm đến dịch vụ du lịch về đêm như phố đi bộ, chợ đêm, khu ẩm thực hay mua sắm lưu niệm… Nhưng phân tích ở góc độ "ngành kinh tế đêm", sự phát triển đó chưa được quy hoạch hợp lý nên chưa hiệu quả, đến nay vẫn chưa có một tổ hợp vui chơi giải trí về đêm có quy mô lớn, hấp dẫn.
Những sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra ở các điểm đến vào ban đêm hiện nay không thể gọi là "kinh tế ban đêm" mà chỉ dừng ở góc độ "dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm" hay đơn giản có phố ăn chơi về đêm muộn như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến (Hà Nội), hay Bùi Viện (TP HCM); tại Đà Nẵng có những chợ đêm nhưng sơ sài, thiếu bản sắc...
"Ngay cả ở TP HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, ban đêm cho du khách đi xem những chương trình giải trí, văn hóa rất ít; mua sắm thì hầu hết là các sản phẩm rẻ tiền… Theo thống kê, hiện mỗi du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ tiêu xài chừng 600-700 USD, mức rất thấp nếu so với các nước khác trong khu vực, chủ yếu là tiền đóng cho các tour. Nếu làm tốt kinh tế ban đêm, chỉ cần du khách tăng chi tiêu lên mức 1.000 USD/khách, với 15 triệu lượt khách đến Việt Nam mỗi năm thì nguồn thu thêm sẽ rất đáng kể" - ông Nguyễn Quốc Kỳ phân tích.
Có nhiều năm gắn bó với ngành du lịch, chuyên đưa đón khách quốc tế đến Việt Nam, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt, nhìn nhận dòng khách quốc tế công ty ông phục vụ thường là nhóm khách sang nhưng cũng không biết chơi đêm ở đâu. Kinh tế ban đêm đối với du khách nước ngoài và người dân chỉ là chợ đêm, ăn uống ban đêm, coi biểu diễn nghệ thuật đêm… "Tới TP HCM, vào ban đêm, du khách chỉ có thể xem vài chương trình biểu diễn nghệ thuật hoặc ăn tối, rồi đi quán bar nhưng càng về khuya càng ít hoạt động. Đặc biệt với phân khúc khách tàu biển, cả ngàn khách cùng tràn xuống trung tâm TP nhưng quá thiếu chỗ vui chơi, giải trí, ăn uống xuyên đêm…, bởi khi tàu cập cảng thì các nhà hàng, dịch vụ trên tàu biển đã đóng cửa. Nếu tổ chức được nhiều dịch vụ vào ban đêm cho nhóm khách tàu biển cao cấp tới TP sẽ kích thích nhu cầu chi tiêu của họ rất lớn" - ông Phan Xuân Anh nêu thực trạng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế ban đêm như dân số trẻ thích sinh sống tập trung tại các thành phố, bên cạnh những yếu tố văn hóa - nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc, mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao; thời tiết ban đêm khá dễ chịu. Do đó, hầu hết thành phố lớn, không riêng gì Hà Nội và TP HCM, đều có những tiềm lực phát triển kinh tế ban đêm theo những hướng khác nhau. Quan trọng lúc này là cần phải thay đổi lại quan điểm mới giải quyết được vấn đề thu hút du khách. Nếu không, ngành du lịch sẽ phát triển như kiểu lòng máng - khách du lịch vào rồi trượt đi luôn. 
Kỳ tới: Những tín hiệu tích cực
Những "thành phố không ngủ" làm ăn ra sao?
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc New York (Mỹ), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc)... sôi động, náo nhiệt hơn cả ban ngày.
New York "không bao giờ ngủ" và ngành thu được nhiều tiền nhất chính là dịch vụ ăn uống. Ăn uống mang về 12 tỉ USD và tạo ra 141.000 việc làm mỗi năm (chỉ tính ban đêm) cho thành phố này. Nối gót dịch vụ nhà hàng, nghệ thuật cũng tạo ra nhiều lợi tức tại New York ban đêm. Tính riêng năm 2018, các cơ sở nghệ thuật, từ bảo tàng, phòng tranh, cho đến sân khấu kịch, tạo ra hơn 18.000 việc làm và thu về 3,1 tỉ USD. Tức là mỗi đêm, New York hốt hơn 8 triệu USD từ trình diễn và triển lãm nghệ thuật. Con số nhiều hơn hẳn so với doanh thu 2 tỉ USD của các quán bar tại New York trong cùng năm. Ngoài kinh doanh nghệ thuật, dịch vụ cho thuê sân khấu ban đêm cũng mang về cho New York 1,2 tỉ USD/năm.
Không riêng gì New York, tờ China Daily cho biết mỗi năm, kinh tế ban đêm mang về cho Sydney - Úc gần 4 tỉ USD. Trong đó, lĩnh vực thức ăn đóng góp nhiều nhất về giá trị tài chính và việc làm (thu về 15,7 tỉ USD và tạo ra khoảng 150.000 công việc). Theo sau là ngành giải trí, đóng góp 7,1 tỉ USD và 49.000 việc làm. Lĩnh vực đồ uống mang về 4,4 tỉ USD, tạo hơn 32.000 việc làm.
Tại châu Á, Đài Bắc nổi danh từ lâu với hoạt động giải trí về đêm. Điểm sáng trong việc làm kinh tế đêm ở "thành phố không ngủ" này là tận dụng nét văn hóa đặc trưng, đầu tư cơ sở hạ tầng tiện lợi và luôn tạo ra những điểm vui chơi độc lạ níu chân cư dân địa phương và du khách. Đài Bắc đã biến chợ đêm, vốn được coi là nét văn hóa đặc trưng của hòn đảo này, trở thành điểm nhấn hút khách du lịch. Những khu chợ đêm luôn đầy ắp các gian hàng buôn bán đủ loại mặt hàng từ quần áo đến đồ gia dụng. Chợ cũng có nhiều gian hàng bán đồ ăn với các món cá viên chiên, tàu hũ chiên, cánh gà chiên, bánh dứa, trà sữa trân châu... Theo Liberty Times, bên cạnh ăn uống và mua sắm, Đài Bắc đang mở rộng các hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, nhà sách 24 giờ, cửa hàng tiện lợi 24/7, rạp chiếu phim và nhiều dịch vụ giải trí khác.
Huệ Bình
Nhóm Phóng viên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm