(GLO)- 17 gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc đại diện cho 17 huyện, thị xã, thành phố vừa được Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch biểu dương, khen thưởng. Để xây dựng một gia đình văn hóa, phương châm của các gia đình này là “thuận hòa-mọi điều sẽ tốt đẹp”.
Là một trong 17 gia đình được khen thưởng dịp này, chị Kpuih H’Thảo (làng Trol Đeng, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) xúc động chia sẻ: “Trong gia đình, dù cuộc sống có khó khăn, vợ chồng tôi đều học cách kiềm chế, cố gắng vượt qua, không lớn tiếng, có vậy hạnh phúc gia đình mới được bền lâu”.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng giấy khen cho các gia đình văn hóa tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y |
Vợ chồng chị H’Thảo là công nhân cạo mủ Đội C14 (Công ty 75, Binh đoàn 15). Hàng ngày, để chu toàn mọi việc từ chăm sóc 2 con nhỏ (một cháu lớp 2 và một cháu 3 tuổi) đến hoàn thành việc cạo mủ, vợ chồng chị phải chia sẻ công việc cùng nhau. Chưa kể, chị H’Thảo còn là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ làng Trol Đeng kiêm cộng tác viên dân số, y tế thôn bản. Vì thế, nếu không được chồng quan tâm chia sẻ, hỗ trợ thì chị khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. “Ngoài công việc, tôi thường xuyên được chồng giúp đỡ việc nhà. Trong cuộc sống, dù có những bất đồng, mâu thuẫn nhưng vợ chồng tôi luôn tôn trọng lẫn nhau. Làm bất cứ việc gì, cả 2 cũng đều bàn bạc để thống nhất”-chị H’Thảo tâm sự.
Cũng nhiều năm liền được bầu chọn là gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh, đồng quan điểm với gia đình chị Kpuih H’Thảo, ông Puih Nhen-Trưởng thôn Bẹt (xã Ia Bă, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Trong gia đình, tôi luôn chia sẻ công việc với vợ con trên tinh thần bình đẳng, hòa thuận. Trước đây chưa nghỉ hưu, sau những giờ làm việc ở xã, ngày nghỉ, tôi cùng vợ làm rẫy, chăm sóc 1,5 ha cà phê, 3 ha điều, 3 ha cao su. Còn chuyện cơm nước thì mỗi người một tay. Dù bận rộn, chúng tôi cũng luôn dành thời gian quan tâm đến việc học tập, chăm sóc các con. 3 con của tôi luôn đạt học sinh giỏi, 2 cháu đã tốt nghiệp đại học và có việc làm, còn con út đang học năm cuối Trường Đại học Sư phạm Huế”.
Theo ông Puih Nhen, ông không áp đặt mà luôn xem con cái như người bạn, thủ thỉ tâm sự những việc nên làm, không nên làm để con hiểu và thực hiện; rèn luyện tính độc lập, tự giác cho con ngay từ bé và bản thân bố mẹ cũng luôn gương mẫu để con cái học tập, noi theo. Việc xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc cũng là điều kiện thuận lợi để ông tập trung phát triển kinh tế và tích cực làm tốt vai trò Trưởng thôn.
16 năm được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, 3 nhiệm kỳ tham gia HĐND xã nhưng với ông Lê Xuân (thôn 7, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) thì, dù làm việc gì đi chăng nữa, mục đích cuối cùng là xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc, con cái ngoan hiền, chịu khó, nỗ lực vươn lên. Ông Xuân cho biết: “Riêng chuyện giáo dục con cái, lúc đầu tôi cũng chỉ nghĩ đó là trách nhiệm của vợ. Nhưng sau đó tôi nhận ra rằng người cha cũng có vai trò quan trọng không kém. Vì vậy, tôi đã dành thời gian quan tâm đến con cái, chia sẻ công việc với vợ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ để có cách giáo dục phù hợp, giúp con xây dựng tình bạn, tình yêu đúng đắn, phòng tránh tệ nạn xã hội…”.
Theo ông Phạm Hồng Phong-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nhân cách mỗi cá nhân đều được hình thành và phát triển từ nền tảng văn hóa gia đình, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Vì vậy, việc xây dựng gia đình văn hóa là cơ sở để xây dựng con người và xã hội văn minh. “Ai cũng có một nơi để đi về, đó là gia đình. Chỉ có ở gia đình, con người mới có thể cảm nhận được tình yêu thương và sự bao dung vô bờ bến. Một gia đình hạnh phúc, đó là ước mơ đời thường nhất mà cũng là sâu xa nhất đối với mỗi người. Tuy nhiên, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nên mỗi gia đình cần tự sắp xếp cuộc sống và ứng xử sao cho phù hợp với hoàn cảnh sống. Gia đình hòa thuận thì mọi điều sẽ tốt đẹp”-ông Phong đúc rút.
Đinh Yến