(GLO)- Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai diện tích hơn 22.000 ha, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, nó có hầu như tất cả các giá trị của vùng đất ngập nước nhiệt đối ven bờ, với những giá trị mang tầm quốc gia và quốc tế, là môi trường thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển của nhiều loại động thực vật, các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. Do đó, hệ đầm phá này cung cấp các sản phẩm, các lợi ích từ chức năng sinh thái cho con người và cho tự nhiên. Đặc biệt, đầm phá Tam Giang-Cầu Hai có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế và các tỉnh khu vực miền Trung.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Bùi Oanh |
Tuy nhiên, đây cũng là nơi hứng chịu nhiều rủi ro môi trường và tai biến thiên nhiên. PGS.TS Lê Văn Thăng-Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường của Đại học Huế cho rằng, các áp lực về mặt môi trường từ quá trình sản xuất, khai thác tài nguyên gây ô nhiễm môi trường ở đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đã và đang dẫn đến những hệ lụy làm biến đổi chất lượng nước, suy thoái tài nguyên thủy sinh vật và giảm đáng kể tính đa dạng sinh học của hệ đầm phá. Theo đó, các cơ hội sử dụng tài nguyên thủy sản của đầm phá và vùng ven biển Thừa Thiên-Huế cũng bị hạn chế và mất dần trong tương lai.
Mặt khác, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng đã và đang tác động lên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, biểu hiện trong những năm gần đây gia tăng tần suất và cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới, thay đổi chế độ mưa, lũ lụt, hạn hán, ngập úng… Do đó tác động mạnh đến lao động sản xuất, nguồn sinh kế, đời sống và sức khỏe của cộng đồng người dân nơi đây. Chính vì vậy, việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đầm phá được xem là giải pháp quan trọng, mang tính bền vững cho việc bảo vệ môi trường hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai.
Trong khi, TS. Nguyễn Hữu Quyết-Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, môi trường đầm phá đang diễn ra theo chiều hướng không tốt do cát chảy gây bồi lắng, tập trung nhiều chất thải rắn, nguy cơ ô nhiễm do dư lượng thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật, ô nhiễm dầu tràn, khai thác quá mức nguồn lợi thủy sản, đánh bắt có tính hủy diệt, nuôi trồng thủy sản không theo đúng quy hoạch rồi dịch bệnh thải ra đầm phá… làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, làm ảnh hưởng đến các loại sinh vật, suy giảm đa dạng sinh học. Hiện có 6 loài cá quý hiếm gồm: cá mì đường, mòi hoa cờ, mòi cờ chấm, măng, chìa vôi và cá quả bông đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngư dân đánh bắt trên phá Tam Giang-Cầu Hai. Ảnh: Bùi Oanh |
Theo TS. Nguyễn Hữu Quyết ngoài các giải pháp về bảo vệ môi trường, phục hồi và tái tạo tự nhiên đầm phá thì việc huy động cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên đầm phá được xem là giải pháp tối ưu và lâu dài. Trong đó, cộng đồng ngư dân phải khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản ở đầm phá bằng cách tỉa đàn, trẻ hóa quần thể, giải phóng nguồn thức ăn cho thủy vực; quy định cụ thể từng loại ngư cụ, mật độ, kích cỡ cho những vùng nước nhất định; hạn chế khai thác ở mức thấp nhất vào cuối mùa Xuân đến đầu mùa Thu hàng năm vì đây là thời kỳ sinh sản của nhiều động vật; nghiêm túc chấp hành quy định việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không vứt bừa bãi các loại chất thải rắn xuống đầm phá.
Bùi Oanh