Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tránh phiền hà, sách nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 19-7, tại TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ năm để sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023. Phiên họp được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.

Đồng chí Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo.

Dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có đồng chí Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L
Quang cảnh phiên họp tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Tại phiên họp, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà-Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Theo thống kê, cập nhật, kế hoạch cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến 21-6-2023, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt 46,09% so với kế hoạch đề ra.

Các bộ, cơ quan đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 Luật, Nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án Luật. Về cải cách quy định, thủ tục hành chính, tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; thực thi cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản quy phạm pháp luật, đạt 41%. 10/22 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành các quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính nội bộ thuộc phạm vi quản lý, với 356 thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, 397 thủ tục hành chính nội bộ thực hiện trong bộ, cơ quan. Tính từ năm 2022 đến nay, các bộ, ngành đã sửa đổi 16 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp, giải quyết 86/699 thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án (đạt 12,3%). Đến nay, có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa. 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đến nay đã có 26/26 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, ngành, cơ quan được ban hành. 18 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan.

Thực hiện việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành; 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức; trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Gia Lai tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: P.L
Các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Gia Lai tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: P.L

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế trong cải cách hành chính thời gian qua. Đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận tập trung vào các nội dung: Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần hoàn thành các nhiệm vụ; kinh nghiệm nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với thực hiện chuyển đổi số; kinh nghiệm và giải pháp thực hiện sắp xếp cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập..

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tiếp tục được Đảng, Nhà nước xác định là một trọng tâm, đột phá trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn mới. Công tác cải cách hành chính gồm 6 nội dung chính: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Thời gian qua, với sự đoàn kết, quyết tâm, cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện, có tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong trong giải quyết công việc, cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. Đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát lại công việc, làm sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, thực hiện các thủ tục một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất, tiết giảm chi phí, thời gian, công sức, tránh phiền hà, sách nhiễu, tham nhũng, tiêu cực.

Để triển khai tốt nhiệm vụ cải cách hành chính trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị: Các bộ, ngành, địa phương cần bám sát thực tiễn, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để xử lý các công việc cụ thể. Phân cấp phân quyền mạnh hơn, phải bố trí nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới. Tăng cường kiểm tra giám sát, kỷ luật, kỷ cương ở các cấp, các ngành. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là người trực tiếp xử lý công việc với doanh nghiệp và người dân; đặt vị trí của mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Chú trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách để người dân hiểu được về cải cách hành chính. Kêu gọi và tạo động lực để người dân cùng tham gia cải cách hành chính. Cần ưu tiên việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, vướng mắc ở đâu phải tháo gỡ ngay. Rà soát lại thủ tục hành chính ở các cấp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân; tiếp tục cải cách hành chính ở các cấp, các ngành, tập trung vào những thủ tục vướng mắc nhất hiện nay như: nhà ở, tiếp cận tín dụng, thuế khoán, đất đai, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu… Phải rà soát đội ngũ cán bộ, xử lý những người gây phiền hà, né tránh, đùn đẩy trong công việc, khen thưởng động viên khích lệ kịp thời những người làm tốt theo nhiều hình thức.

Các thành viên của Ban Chỉ đạo, người đứng đầu các cấp coi việc lãnh đạo, chỉ đạo việc cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm của việc thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xem đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đổi mới, phương thức cách làm, tăng cường đối thoại với người dân và doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn. Các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai các quy định về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề tài chính công phải thực hiện công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.