(GLO)- Vừa gặp, ông đã từ chối ngay với lý do: “Trong làng còn nhiều người làm kinh tế giỏi hơn tôi!”. Và phải thuyết phục khá lâu, ông mới đồng ý với tôi rằng, người làm kinh tế giỏi có thể nhiều, song vừa làm cán bộ y tế chăm lo sức khỏe cho người dân, vừa làm kinh tế giỏi thì trong làng duy có mình ông!
Người mà tôi muốn nhắc đến là ông Kpă Ghi (làng Phun, xã Ia Băng, huyện Chư Prông)-một cán bộ y tế với thâm niên trên 30 năm, vừa mới nghỉ hưu, đồng thời cũng là người làm kinh tế giỏi trong làng với hơn 5 ha cà phê, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Ông Kpă Ghi. Ảnh: P.D |
Nói về quá trình gắn bó với cây cà phê, ông Ghi kể: “Năm 1979, tôi được huyện hỗ trợ 7 cây cà phê giống và hướng dẫn cách trồng trong vườn nhà. Vài năm sau, cà phê cho thu hoạch, được vài ký thôi, tôi lựa những trái to, chín đều rồi tự mày mò ươm giống, đào hố trồng thêm khoảng 40 cây quanh vườn”. Suốt 3 năm tiếp theo, cứ có thời gian rảnh rỗi, ông lại dạo quanh vườn, kiểm tra từng tán lá để xem sự phát triển của cây cà phê. 100 kg quả tươi là thành quả đầu tiên ông thu hoạch được vào năm 1986. Không tìm được người thu mua, ông lại hì hụi chở 2 bao cà phê bằng xe đạp lên tận TP. Pleiku, cách nhà hơn 20 km để bán với giá 60 ngàn đồng. Vào thời điểm đó, 60 ngàn đồng là số tiền khá lớn.
Mặc dù thấy cây cà phê phù hợp với đất, dễ trồng và cho thu nhập khá nhưng cũng như bao hộ dân trong làng, gia đình ông chỉ phát triển quanh vườn chứ không dám mạo hiểm đưa ra trồng ngoài rẫy. Mãi đến năm 1995, khi phong trào trồng cà phê lan rộng, ông mới tiếp tục ươm giống và trồng thử nghiệm trên diện tích 1 ha đất rẫy cách nhà chừng 4 km. Chiều đến, sau khi xong công việc ở xã (thời điểm đó, ông là Bí thư Đảng ủy xã, kiêm Trạm trưởng Trạm Y tế xã-P.V), ông đạp xe vào rẫy tranh thủ làm cỏ, tỉa cành... Sáng sớm, ông lại đạp xe ra xã làm việc. 2 năm sau, ông tiếp tục trồng thêm 1,5 ha cà phê nhưng thay vì tự ươm giống, ông nghe một số người mách rồi tìm sang tận Trung tâm Giống cây trồng Ea Kmat (tỉnh Đak Lak) để mua cây giống; rồi lân la học hỏi, nhờ những người có kinh nghiệm trồng cà phê hướng dẫn cho cách cắt bầu, kiểm tra rễ cây trước khi trồng... Cùng với đó, ông duy trì đàn bò gần 50 con vừa để có thêm nguồn thu từ chăn nuôi, vừa để đảm bảo nguồn phân bón cho cây trồng.
Đã có lúc giá cà phê xuống thấp, song ông vẫn kiên định, thậm chí tiếp tục phủ kín diện tích gần 3 ha đất còn lại, bởi ông cũng như nhiều người trồng cà phê quanh vùng đều tin rằng: Cây trồng chủ lực của vùng đất Tây Nguyên sẽ có ngày phục hồi giá! Hơn nữa, ông quyết định “trung thành” với cây cà phê thay vì trồng xen một số cây trồng khác là bởi “năm 1999, tôi có trồng 600 trụ hồ tiêu quanh vườn, cây lên rất tốt nhưng chỉ thu được đúng 1 năm thì chết hàng loạt...”. Khi các vườn cà phê cho thu hoạch, ông quay trở lại tái canh 1 ha cà phê trồng đầu tiên bằng hạt giống tự ươm vì thấy cây cho hạt nhỏ, năng suất thấp. Hiện 4 vườn cà phê của gia đình ông đều phát triển tốt, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và hàng chục lao động vào các thời điểm: làm cỏ, bón phân, thu hoạch... Chỉ riêng vụ thu hoạch cà phê năm 2017, gia đình ông thuê tổng cộng 120 lao động với giá 120 ngàn đồng/người/ngày. Để phục vụ cho sản xuất một cách hiệu quả, ông đã đầu tư mua 2 chiếc xe công nông chuyên chở phân bón, máy móc vào rẫy cũng như chở cà phê từ rẫy về nhà. Tuy nhiên, không vì mục tiêu làm kinh tế mà ông lơ là nhiệm vụ chuyên môn. Nhiều năm liền ông đều được Trung tâm Y tế huyện và UBND huyện tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nhận xét về ông Kpă Ghi, Chủ tịch UBND xã Ia Băng Nguyễn Văn Hà cho biết: “Ông Kpă Ghi là gương sản xuất kinh doanh giỏi đáng để bà con làng Phun nói riêng và người dân khu vực 5 làng: Băng, Bak, Phun, Kual, Klă học hỏi. Chỉ riêng năm 2017, hơn 5 ha cà phê của gia đình ông đã thu về 16 tấn cà phê nhân, thu nhập khoảng trên 500 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Chúng tôi đang đề nghị UBND huyện có hình thức khen thưởng ông Ghi-một trong những tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi của địa phương”.
Phương Dung