Trước việc người nhà sản phụ “tố” bác sĩ tắc trách dẫn đến cháu bé sơ sinh tử vong, ngày 16/10, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Lâm Đồng đã chính thức có ý kiến về vụ việc.
Theo đó, khoảng 10 giờ 30 phút ngày 13-10, chị Nguyễn Thị Hải (33 tuổi, ngụ xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) được người nhà đưa vào nhập viện tại BVĐK tỉnh Lâm Đồng. Qua khám thai, siêu âm, đo tim mạch, bác sỹ không phát hiện bất thường nào ở sản phụ Hải.
Bệnh viện Đa Khoa Lâm Đồng - nơi xảy ra sự việc cháu bé bị tử vong. |
Đến 3 giờ 10 phút sáng ngày 14-10 thì chị Hải vỡ ối và được chuyển vào phòng sinh. Các bác sỹ tiến hành biện pháp nghiệp vụ để giúp thai phụ. Khoảng 25 phút sau, em bé chào đời với cân nặng là 3,1 kg nhưng theo chẩn đóan của các bác sỹ thì cháu bị suy thai, tiến triển nặng nên dẫn đến tử vong.
Trong khi đó, gia đình chị Hải thì cho rằng, sự chậm trễ và tắc trách trong việc đưa sản phụ lên bàn sinh khiến cho bé vừa chào đời đã tử vong. Bác sĩ Phạm Quang Hoa (bác sĩ trực Khoa sản) cho hay: “Giai đoạn từ lúc vỡ ối đến khi lọt em bé ra là 25 phút, như vậy nhanh hơn cả bình thường. Khi vỡ ối thì bệnh nhân có thể sa dây rốn trong hoặc ngoài bọc ối.
Khi tiến triển nhanh thì đầu thai nhi và xương chậu của bà mẹ rất khít với nhau chỉ cần có khe thì dây rốn sẽ sa xuống và chèn ép đầu thai nhi khoảng vài phút thì thai nhi sẽ tử vong.
Phát hiện sa dây rốn bên ngôi là rất khó bởi vì không thể sờ được, giống như một tai biến khá bất ngờ, áp lực của cơn co bóp tử cung sẽ đẩy em bé ra thì càng chèn ép mạnh làm cho tuần hoàn theo thai nuôi em bé không có.
Trường hợp của chị Hải, em bé sinh ra thì không có phản xạ, không có tim và không có biểu hiện về sức sống. Lúc đó, tôi xem kết quả và mời các bác sĩ của Khoa Gây mê hồi sức và nhờ bác sĩ Khoa Nhi qua hỗ trợ. Chúng tôi nhận định em bé này đã chết trước khi được sinh ra. Mặc dù cấp cứu đã kịp thời và đầy đủ nhưng không mang lại hiệu quả”.
Ông Nguyễn Xuân Tạo- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Lâm Đồng cho biết: “khi tiếp nhận thông tin bệnh nhân Nguyễn Thị Hải có biểu hiện vỡ ối thì đã chuyển vào phòng chờ sanh và thăm khám 1 vài phút. Sau đó kíp trực chuẩn bị dụng cụ để giúp thai sản.
Trong trường hợp này ca trực không tiên lượng được ca nặng của bé (suy thai cấp tính). Riêng sản phụ Hải đang được chăm sóc tích cực tại Khoa sản trong tình trạng sức khỏe ổn định”.
Trong khi đó, người nhà sản phụ lại cho rằng, khi chị Hải vỡ ối đến lần thứ hai đã đề nghị kíp trực khẩn trương vào hỗ trợ sinh nhưng không nhận được hợp tác. Một số người của kíp trực vẫn thản nhiên nằm nghỉ và cho rằng sản phụ không sao.
Sau đó, người nhà sản phụ có đưa “ phong bì” bồi dưỡng để được trợ giúp nhưng sự việc đã quá muộn. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Tạo cho biết, thai nhi đã tử vong từ trong bụng mẹ (trước khi sinh).
Sự việc diễn ra trong vòng 25 phút. Vào thời điểm trên, người nhà sản phụ có đặt 1 triệu đồng trên bàn của kíp trực nhưng không ai cầm. Số tiền này sau đó được trả lại nhưng người nhà không nhận. Hiện nguyên nhân dẫn tới tử vong của bé sơ sinh vẫn đang chờ Hội đồng khoa học kỹ thuật xác định.
Thanh Bình - Gia Hân/phapluat