Thống đốc Lê Minh Hưng: Đang hoàn thiện cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo nhiều chuyên gia, ban hành sandbox về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) sẽ giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hàng chục app cho vay tín dụng đen trá hình, mạo danh P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc. Thậm chí, ngay cả các công ty P2P hoạt động đúng nghĩa, việc phải “thanh lọc” một lần nữa cũng là cần thiết.



Hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) là mô hình kinh doanh mới được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.

P2P Lending hiện đang được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cơ quan chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế thí điểm.

Cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý

Trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Bùi Xuân Thống, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận, thời gian qua, hoạt động cho vay thông qua các nền tảng công nghệ phát triển rất mạnh mẽ, trong đó có hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ trì đoàn công tác liên ngành khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng hoạt động cho vay ngang hàng của một số công ty tại TP. HCM và Hà Nội.

Kết quả khảo sát cho thấy một số công ty đăng ký ngành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính, kinh doanh dịch vụ cầm đồ và tự nhận là công ty cho vay ngang hàng để cung cấp các dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, vận hành trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Sản phẩm vay vốn trên các nền tảng trực tuyến được các công ty này vận hành khá đa dạng, chủ yếu dưới hình thức vay vốn không có tài sản đảm bảo; thời gian vay ngắn; khách hàng phải trả phí và lãi suất đối với các khoản vay.

Đáng chú ý, tuy mới được triển khai từ năm 2016 trở lại đây, nhưng các công ty này có sự tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng, hợp đồng vay vốn kết nối thành công và tổng phí dịch vụ thu được.

"Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đang đặt thách thức lớn đối với công tác quản lý, giám sát đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa hoạt động của các công ty này vận hành theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh hệ thống tài chính", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.

Trước thực tế trên, NHNN đã tích cực và chủ động triển khai nhiều giải pháp quản lý đối với hoạt động này. Trong đó, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện báo cáo cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng để trình chính phủ, dự kiến đưa lĩnh vực cho vay ngang hàng vào đề án cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng (cơ chế Regulatory Sandbox).

"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này", Thống Lê Minh Hưng cho hay.

Dẹp loạn thị trường, P2P chờ bứt phá

Hàng lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm P2P mà NHNN đang xây dựng được cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hết sức mong chờ. Bởi các doanh nghiệp cho vay ngang hàng (P2P) kỳ vọng, hành lang pháp lý thử nghiệm với P2P sẽ loại bỏ những doanh nghiệp trá hình và thị trường sẽ tăng trưởng bứt phá.

Ông Trần Thế Vĩnh, Tổng giám đốc, kiêm thành viên HĐQT Tima nhìn nhận, việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) đối với P2P nói riêng cũng như lĩnh vực fintech nói chung thời điểm này là vô cùng cần thiết.

Cụ thể, sandbox sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P bứt phá, phát huy hết tiềm lực, phát triển tương xứng với quy mô của thị trường và tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ giúp các công ty P2P đẩy mạnh hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế không tiếp cận được kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen…

Việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm P2P cũng giúp thanh lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đơn vị hoạt động trá hình đang gây nhiễu loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, giảm uy tín của lĩnh vực P2P tại Việt Nam.

"Chúng tôi tin rằng, sandbox sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành app cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường", ông Vĩnh tin tưởng.


 

 Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hành lang pháp lý thử nghiệm với cho vay ngang hàng (P2P) sẽ loại bỏ những doanh nghiệp trá hình và thị trường sẽ tăng trưởng bứt phá.
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng hành lang pháp lý thử nghiệm với cho vay ngang hàng (P2P) sẽ loại bỏ những doanh nghiệp trá hình và thị trường sẽ tăng trưởng bứt phá.


Theo nhiều chuyên gia, việc ban hành sandbox sẽ giúp thanh lọc thị trường cho vay ngang hàng, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để xử lý hàng chục app cho vay tín dụng đen trá hình, mạo danh P2P có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngay cả các công ty P2P hoạt động đúng nghĩa, việc phải "thanh lọc" một lần nữa cũng là cần thiết.

Ông Nguyễn Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lendbiz cho hay, thị trường P2P Trung Quốc lúc cao điểm có gần 5.000 công ty, sau đó đóng cửa hơn 4.000 công ty, chỉ còn khoảng 200 công ty và vẫn tiếp tục cấu trúc lại ngành. Với thị trường P2P Việt Nam, số lượng 40 doanh nghiệp chính thức chưa phải là nhiều, sẽ phát triển thêm, song cũng cần sắp xếp lại để loại bỏ doanh nghiệp yếu kém.

Đồng tình, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, thiếu hành lang pháp lý đang khiến thị trường P2P trong tình trạng bát nháo. Nhiều ứng dụng cho vay online mạo danh P2P hoạt động biến tướng, gây hệ lụy xấu cho xã hội, gây mất uy tín cho hình thức cho vay này.

Cũng phải nhắc lại rằng, rào cản lớn nhất của thị trường P2P là chưa có hành lang pháp lý chính thức khiến "trắng đen lẫn lộn", người dân không phân biệt được công ty P2P đúng nghĩa và công ty P2P trá hình, có cái nhìn thiếu thiện cảm về mô hình này.

Tuy nhiên, một khi NHNN đưa ra cơ chế thử nghiệm và công bố danh sách các doanh nghiệp được thử nghiệm, thị trường sẽ sàng lọc được các doanh nghiệp P2P trá hình, đồng thời mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho các doanh nghiệp P2P đúng nghĩa.

"Việc đưa ra cơ chế thử nghiệm cho mô hình P2P là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên thử nghiệm 1 năm, thay vì kéo dài đến 2 năm như dự thảo hiện hành của NHNN. Bởi càng sớm cấp phép cho các doanh nghiệp P2P nghiêm túc hoạt động, thì càng thu hẹp đất sống cho các công ty trá hình, lừa đảo", TS. Hiếu đề xuất. 



https://danviet.vn/thong-doc-le-minh-hung-dang-hoan-thien-co-che-thi-diem-hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-20200708071428195.htm

Theo Nhật Minh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.