Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quy định về hành lang bảo vệ bờ biển là một trong những quy chế quan trọng, lần đầu tiên được quy định trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Ðây là nội dung được quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bình Ðịnh là địa phương đưa nội dung pháp luật này đi vào đời sống sớm nhất.

Theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hành lang bảo vệ bờ biển (HLBVBB) là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Công trình kè chống xói lở bờ biển dài khoảng 2,4 km, từ khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn xuống phía Đông. Ảnh: Đ.PHƯƠNG

Công trình kè chống xói lở bờ biển dài khoảng 2,4 km, từ khu phố Thiện Chánh 2, phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn xuống phía Đông.  Ảnh: Đ.PHƯƠNG

Ông Lê Công Bình, Trưởng phòng Biển và hải đảo (Sở TN&MT), cho biết: “Từ năm 2018 đến 2020, Sở TN&MT phối hợp với Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, thuộc Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) triển khai thực hiện các công việc: Lập danh mục các khu vực phải thiết lập HLBVBB; xác định mực nước triều cao trung bình nhiều năm và chiều rộng, ranh giới HLBVBB; công bố, cắm mốc giới HLBVBB. Sau đó, giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ HLBVBB”.

Trong quá trình thực hiện công việc trên, Sở TN&MT đã tổ chức 2 đợt tham vấn cộng đồng; xin ý kiến của bộ, ngành trung ương và các sở, ngành địa phương; các buổi hội thảo chuyên đề với chính quyền và nhân dân địa phương về các hoạt động bị nghiêm cấm trong HLBVBB, cụ thể: Khai thác khoáng sản; xây dựng mới, mở rộng công trình xây dựng, trừ công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng; xây dựng mới nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải; khoan, đào, đắp; lấn chiếm, sử dụng trái phép; hoạt động làm sạt lở bờ biển, suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên. Đặc biệt là các hoạt động bị hạn chế trong HLBVBB lâu nay ít được lưu tâm: Khai thác nước dưới đất; khai hoang, lấn biển; cải tạo công trình đã xây dựng; thăm dò khoáng sản, dầu khí; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Khu vực bờ biển thuộc phường Hải Cảng đã có kè bảo vệ của TP Quy Nhơn. Ảnh: Đ.PHƯƠNG

 Khu vực bờ biển thuộc phường Hải Cảng đã có kè bảo vệ của TP Quy Nhơn. Ảnh: Đ.PHƯƠNG

Tại TP Quy Nhơn có 18 đoạn với 93 điểm nằm trên địa bàn các phường Nhơn Bình, Đống Đa, Hải Cảng, Lê Lợi, Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Ghềnh Ráng và xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, với tổng chiều dài khu vực thiết lập HLBVBB là hơn 18 km. Trong đó, khoảng cách đoạn 29 (xã Nhơn Lý) và đoạn 35 (xã Nhơn Hải) được thực hiện theo Quyết định số 514/QĐ-TTg ngày 8.5.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch điều chỉnh tổng thể Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040. Khoảng cách đoạn 32 (phường Nhơn Bình) và đoạn 33 (phường Đống Đa) nằm ở trong đầm Thị Nại, khu vực có hệ sinh thái rừng ngập mặn, không chịu tác động trực tiếp của biển; HLBVBB nhằm phòng, chống xói lở bờ do dòng chảy trong sông Hà Thanh đổ vào đầm Thị Nại, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn. HLBVBB các đoạn còn lại nhằm bảo vệ sinh thái, cảnh quan và môi trường biển; bảo vệ khu vực tránh trú bão và hậu cần nghề cá...

Sau khi cắm mốc HLBVBB, huyện Phù Mỹ chỉ đạo UBND các xã thực hiện niêm yết công khai bản đồ ranh giới tại trụ sở UBND xã. Ông Phan Xuân Vũ, Trưởng phòng TN&MT huyện Phù Mỹ, cho biết: Chiều rộng, ranh giới HLBVBB huyện có 6 đoạn ở các xã: Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ An, Mỹ Thọ, Mỹ Thành. Các khu vực trên đều có bờ biển với bãi cát đẹp và nguồn lợi thủy sản phong phú, tập trung các ngư trường nuôi trồng thủy sản. Xã Mỹ Đức có bãi biển Hà Ra và phía trong có đông dân cư sinh sống, có nhiều lăng và miếu thờ, di tích lịch sử địa phương. Còn khu vực bờ biển phía Nam xã Mỹ An có bãi cát đẹp kẹp giữa mũi Cù Lao và mũi Lam... Với việc cắm mốc HLBVBB, việc quản lý những khu vực này sẽ chuyên nghiệp và chu đáo hơn.

Theo công bố Báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TN&MT, tính đến thời điểm năm 2020, có 9 địa phương đã thực hiện xác định chiều rộng, ranh giới HLBVBB, trong đó có tỉnh Bình Định; Bình Định cũng là địa phương cắm mốc HLBVBB sớm nhất. Ông Lê Văn Tùng, Giám đốc Sở TN&MT, cho hay: Việc thiết lập, công bố và cắm mốc HLBVBB đã góp phần quan trọng vào định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt là kinh tế biển. Là cơ sở thực hiện quyền giám sát, quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trong phạm vi hành lang bờ biển đã được thiết lập.

 

Chiều rộng, ranh giới HLBVBB tỉnh Bình Ðịnh gồm 43 đoạn với 291 điểm gồm đường ranh giới ngoài (đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm) và ranh giới trong (khoảng cách từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm về phía đất liền) với tọa độ tại 28 xã, phường thuộc các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước, TX Hoài Nhơn và TP Quy Nhơn. Cụ thể, TX Hoài Nhơn có 9 đoạn với 59 điểm; huyện Phù Mỹ có 6 đoạn với 70 điểm; huyện Phù Cát có 7 đoạn với 62 điểm; huyện Tuy Phước có 3 đoạn với 7 điểm; TP Quy Nhơn có 18 đoạn với 93 điểm. Tổng chiều dài khu vực thiết lập HLBVBB là hơn 100 km.

ÐÌNH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh: Lan tỏa từ nhận thức đến hành động

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh: Lan tỏa từ nhận thức đến hành động

Sau hơn 15 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bình Ðịnh đã thực sự đi vào đời sống tiêu dùng của người dân. Từ nhận thức đến hành động, hàng Việt ngày càng được ưu tiên lựa chọn, chiếm lĩnh thị trường và khẳng định vị thế.
Chả ram tôm An Nam

Chả ram tôm An Nam

Chả ram tôm An Nam do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Nam Long (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) chế biến, được làm từ bánh tráng gạo truyền thống, tôm đất tươi, thịt heo ba chỉ, kết hợp với hành, tỏi, gia vị theo công thức gia truyền, rất thích hợp dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc.
Giữ niềm tin cho gạo Việt

Giữ niềm tin cho gạo Việt

Việc ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tăng cường giám sát thị trường và xử lý nghiêm hành vi làm giả, làm nhái là nền tảng để khẳng định giá trị thực và bảo vệ uy tín gạo Việt trên cả thị trường trong nước lẫn quốc tế.

null