Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt:

Thí sinh cần thi 2 môn để xét tuyển vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2025

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Một điểm mới đáng lưu ý trong tuyển sinh vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2025 là thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào trường bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học. ẢNH: NHẬT THỊNH
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học. ẢNH: NHẬT THỊNH

Thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định

Chiều 30.10, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ thông tin dự kiến liên quan đến phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức năm 2025.

Theo kế hoạch dự kiến, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025. Tuy nhiên, phương thức tuyển sinh này có điểm thay đổi quan trọng, chuyển từ hình thức bổ trợ trong phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT sang phương thức tuyển sinh độc lập.

Trước đó, từ năm 2022, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM áp dụng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Nhưng từ 2025, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt sẽ trở thành phương thức tuyển sinh riêng, không còn kết hợp với điểm học bạ như trước đó.

Cách thức xét tuyển này sẽ dẫn đến thay đổi quan trọng trong việc đăng ký môn thi của thí sinh. Nếu trước đó, để xét tuyển phương thức này, thí sinh chỉ cần chọn thi tối thiểu một môn trong số các môn thi được tổ chức. Điểm xét tuyển được xác định là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) nhân hệ số 2, cộng với điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp là điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT. Tổng điểm này được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ GD-ĐT, được làm tròn đến hai chữ số thập phân.

Nhưng ở năm 2025, thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành dành riêng cho phương thức xét tuyển này. Điểm xét tuyển dự kiến gồm điểm 1 môn chính nhân hệ số 2 cộng điểm 1 môn còn lại trong tổ hợp.

Phương thức xét tuyển dựa vào điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt dự kiến áp dụng cho hơn 30 ngành đào tạo và khoảng 40-50% chỉ tiêu tùy ngành.

Thêm trường ĐH sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển

Từ năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt gồm các bài thi: toán, vật lý, hóa học, sinh học, ngữ văn và tiếng Anh.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết năm tới kết quả kỳ thi dự kiến không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường ĐH khác. Cụ thể, kết quả kỳ thi dự kiến được sử dụng xét tuyển các trường trong khối sư phạm, Trường ĐH Công thương TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, trường cũng đang làm việc với một số trường khác có đào tạo khối ngành khoa học sức khỏe về vấn đề này.

Trước đó, ngày 25.10, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Công thương TP.HCM thực hiện ký kết hợp tác cùng phối hợp tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt để tuyển sinh từ năm 2025.

Theo đó, Trường ĐH Công thương TP.HCM chuẩn bị địa điểm tổ chức kỳ thi tại cơ sở của trường. Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cung cấp các quy trình, kỹ thuật và các hồ sơ pháp lý liên quan để đảm bảo kỳ thi được tổ chức đúng quy chế, quy định pháp luật. Cả 2 trường ĐH sẽ sử dụng chung kết quả kỳ thi để phục vụ cho công tác tuyển sinh.

Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã công bố đề thi mẫu kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi. Trong đó phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% là chương trình lớp 12, còn lại là chương trình lớp 10 và 11.

Theo Hà Ánh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Khi nào thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính?

Khi nào thí điểm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính?

Từ nay đến năm 2030, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi bổ sung một số luật, xây dựng các nghị định, quyết định, đề án... liên quan đến các bậc học từ mầm non đến ĐH. Trong đó có đề án đổi mới hình thức thi tốt nghiệp THPT thí điểm thi trên máy tính.

Tuyên truyền, hướng nghiệp, tuyển sinh quân sự cho hơn 500 học sinh Trường THPT Lê Lợi

Tuyên truyền, hướng nghiệp, tuyển sinh quân sự cho hơn 500 học sinh Trường THPT Lê Lợi

(GLO)- Chiều 10-4, Ban tuyển sinh Quân sự TP. Pleiku phối hợp với Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tuyên truyền, hướng nghiệp, tuyển sinh quân sự vào các học viện, nhà trường trong quân đội năm 2025. Tham gia buổi tuyên truyền có hơn 500 học sinh khối 12 của Trường THPT Lê Lợi.

Cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12

Cảnh báo nguy cơ trượt tốt nghiệp lớp 12

Gần 32% số bài thi khảo sát lớp 12 của Hà Nội dưới điểm trung bình, trong đó có hàng nghìn bài thi bị điểm liệt. Một trong những nguyên nhân chính là do đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có cấu trúc, định dạng mới.

Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề cho học sinh THCS và THPT

Tăng cường tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề cho học sinh THCS và THPT

(GLO)- Từ kết quả đạt được của hơn 5 năm phối hợp trong công tác tư vấn, hướng nghiệp và tuyển sinh đào tạo nghề cho học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Trường Cao đẳng Gia Lai tiếp tục ký kết chương trình phối hợp công tác này giai đoạn 2025-2030.