Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết tinh thần phương án thi vào lớp 10 là gồm môn Toán, Ngữ văn và môn thi thứ ba do các Sở lựa chọn trong những môn có tính điểm còn lại với nguyên tắc thay đổi hằng năm. Việc thay đổi môn thi thứ ba để tránh việc học lệch, học tủ.
Thực tiễn qua công tác kiểm tra của Bộ, nhiều ban, ngành đã ghi nhận hiện tượng này, Bộ đã có chấn chỉnh cả về quá trình dạy học và điểm số.
Việc cố định môn thi như trước đây, lâu dần dẫn tới hệ lụy có trường từ đầu năm học chỉ học trọng tâm ba môn thi, trong khi học sinh cần kiến thức, kỹ năng ở cả các môn khác. Khi tâm lý thi thế nào, học như vậy thì quản lý phải nghiêm.
Mục tiêu giáo dục của chương trình bậc Trung học cơ sở là học cơ bản để học sinh có đủ năng lực và phẩm chất tiếp tục vào Trung học phổ thông hoặc chuyển sang học nghề nghiệp.
Phẩm chất và năng lực của học sinh được hình thành, tổng hợp ở tất cả môn học. Do đó, các môn học phải được dạy và học bình đẳng, trừ hai môn khoa học cơ bản Toán và Văn.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh học sinh chỉ cần học đều các môn là có thể đảm bảo cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10, không cần lo lắng và học thêm.
Thực tế, không phương án nào đáp ứng được hoàn toàn nhưng cần chọn phương án tối ưu và phù hợp nhất để đảm bảo các yếu tố về giáo dục, phẩm chất năng lực cho các em học sinh, đặc biệt là yêu cầu theo chương trình mới.
Về đề xuất giữ ổn định ba môn thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Thành phố Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết quy chế của Bộ là thực hiện chung cho toàn quốc.
Hơn nữa, môn tiếng Anh được tổ chức dạy và học xuyên suốt từ bậc Tiểu học đến lớp 12, thậm chí học suốt đời vì thế không nên phụ thuộc vào một kỳ thi.
Năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông.
Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Quy chế lần này là môn thi thứ ba trong phương thức thi tuyển phải được thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.
Bên cạnh ý kiến đồng tình với phương án trong dự thảo, không ít ý kiến cho rằng, việc thay đổi môn thi thứ ba hằng năm và đến ngày 31/3 mới được công bố khiến các trường và học sinh bị động, tăng áp lực học tập ở nhiều môn.
Theo T.Hoài (TTXVN/Vietnam+)
Ý kiến bạn đọc
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu