"Thắp sáng" vùng rẻo cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đường về Kon Pne (huyện Kbang) nay đã dễ dàng hơn khiến xã xa xôi hẻo lánh từng được ví như một ốc đảo này đang từng ngày thay da đổi thịt. Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện thì sự phát triển của Kon Pne một phần là nhờ vào nguồn điện. Có điện, Kon Pne đã được “thắp sáng” trên mọi lĩnh vực.

Năm 2004, Kon Pne là xã duy nhất của tỉnh chưa có đường đến trung tâm xã. Lúc đó, Kon Pne chỉ có... đói và nghèo. Và điện là thứ hiếm. Nhưng trong lần tới Kon Pne mới đây, ấn tượng về xã trong chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi khi trước mắt là hệ thống điện-đường-trường-trạm được xây dựng khá khang trang. Điện đã được kéo tới từng nhà. Đời sống của người dân Kon Pne cũng đã được nâng lên một cách rõ rệt. Được biết, khoảng năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của xã mới chỉ đạt hơn 4 triệu đồng/năm, nhưng hiện đã là trên 13 triệu đồng/người/năm. “Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào việc trồng lúa nước, bắp, mì. Hiện người dân trồng thêm bời lời và lúa rẫy. Còn chăn nuôi thì tập trung nuôi bò, heo và dê. Đời sống của người dân ngày một nâng lên nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, của huyện, nhất là khi xã được đầu tư hệ thống điện. Theo đó, đời sống tinh thần cũng như nhận thức của người dân ngày một nâng lên nhiều”-ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, cho biết.

 

Điện đã được kéo tới từng nhà người dân ở xã Kon Pne. Ảnh: H.D
Điện đã được kéo tới từng nhà người dân ở xã Kon Pne. Ảnh: H.D

Ngày 30-4-2005, Công ty Điện lực Gia Lai tổ chức lễ đóng điện cho xã Kon Pne. Đó thực sự là một ngày trọng đại đối với người dân Kon Pne. Với tổng kinh phí đầu tư 5,7 tỷ đồng (trích từ nguồn vốn của Công ty Điện lực 3, nay là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung), công trình 28,4 km đường dây trung áp từ xã Đak Rong đã được kéo vào xã Kon Pne, 1,6 km đường dây hạ thế nối đến 3 trạm biến áp và kéo đường dây điện đến tận nhà người dân nơi đây. Đây có thể coi là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Gần đây, chúng tôi ghé thăm ngôi nhà khang trang mới xây với kinh phí trên 100 triệu đồng của gia đình anh Đinh Khiu (làng Kon Ktonh). Anh Đinh Khiu hồ hởi: “Từ lúc có điện, tôi đã mua ti vi, đầu đĩa, nồi cơm điện, quạt điện, máy bơm nước... về dùng. Người dân ở đây đã biết sử dụng điện để bơm nước tưới cây, phát triển chăn nuôi. Trẻ con có điện chiếu sáng nên học hành tốt hơn. Đặc biệt, kể từ khi có điện, người dân xem ti vi để học hỏi những kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi”.

Theo số liệu của Công ty Điện lực Gia Lai, doanh thu tiền điện tại xã Kon Pne năm 2005 chỉ đạt 3 triệu đồng/tháng, đến năm 2016, con số này lên trên 50 triệu đồng/tháng, tăng gần 20 lần sau 11 năm đóng điện. Điện đã trở thành “đòn bẩy” để các dịch vụ khác phát triển. Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Toàn xã hiện có 389 hộ dân, trong đó 30% hộ có ti vi. Cùng với 3 cụm loa truyền thanh, bà con dần có thêm nhiều kênh để tiếp nhận thông tin, kiến thức để áp dụng vào sản xuất.

Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại xã vẫn cao với 137 hộ (chiếm 35,2%), hộ cận nghèo là 87, nhưng nhìn những ngôi nhà khang trang, những công trình xã hội được mọc lên ngày càng nhiều, Kon Pne rõ ràng đang phát triển từng ngày. Và ngành Điện đã góp phần rất lớn trong tiến trình “thắp sáng” Kon Pne trên mọi lĩnh vực.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.