Tháng 8 trên vùng căn cứ cách mạng Chư Krey

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong không khí hân hoan của những ngày tháng 8 lịch sử, tôi tìm về xã Chư Krey (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai)-mảnh đất kiên trung trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nơi đây từng là vùng căn cứ địa cách mạng thuộc khu 7.

Từ thị trấn Kông Chro, mất chừng 45 phút chạy xe máy để đến trung tâm xã Chư Krey. Không khí buổi sớm khá trong lành và mát mẻ. Những cánh đồng đậu xanh cuối vụ vẫn còn trĩu quả, những bãi mía trải dài và cả những ruộng bắp đang độ ra trái đã góp phần khắc họa nên một bức tranh quê đầy sức sống dọc hai bên đường. Sau cơn đại hạn, cây cỏ nơi đây đã trở nên tươi tốt hơn nhờ những trận mưa đầu mùa dồi dào nước.

Khi màn sương sớm dần tan cũng là lúc trung tâm xã Chư Krey dần hiện ra trước mắt tôi. Như đã hẹn, ông Đinh Văn Đơm-Phó Bí thư Đảng ủy xã ra đón tôi với cái bắt tay niềm nở.

Một thời kiên trung

Ông Đơm bảo rằng, những người thật sự hiểu rõ về lịch sử của vùng đất này trên địa bàn xã hiện giờ không có là bao. Hơn nữa, vài già làng trong số đó đã tuổi cao sức yếu, sự minh mẫn cũng chẳng còn. Vậy mà khi biết có người từ nơi khác đến, muốn gặp gỡ và nghe kể chuyện xưa của làng, các già mừng ra mặt. Có già ở xa, sáng sớm đã nhờ con cháu chở đến, ngồi ở nhà già Đinh Drip-làng Sơ Rơn để chờ gặp tôi.

 

Già Druk (giữa) ôn lại quá khứ cách mạng với những người cùng thời. Ảnh: H.T
Già Druk (giữa) ôn lại quá khứ cách mạng với những người cùng thời. Ảnh: H.T

Già Đinh Druk hiền lắm. Người đàn ông của làng qua gần 80 mùa rẫy, trí nhớ đã giảm và đôi mắt cũng chẳng còn tinh anh. Thế nhưng, khi nhắc nhớ lại những ngày quá khứ hào hùng của mảnh đất Chư Krey quê mình, giọng già Druk vẫn đầy hào sảng. Em trai của già là già Đinh Drip (làng Sơ Rơn) và cả già Đinh Khế (làng Châu) cũng như thế.

Các già kể, ngày ấy, hết giặc Pháp rồi đến giặc Mỹ tràn về, bà con Chư Krey ai cũng tỏ rõ sự căm thù, quyết tâm đánh đuổi giặc, gìn giữ buôn làng. Thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ hoặc tham gia du kích địa phương. Phụ nữ ở nhà tăng gia sản xuất, trồng thêm nhiều lúa, mì để nuôi bộ đội; đồng thời gùi gạo, muối… tiếp tế lương thực cho cách mạng. Ngày vót chông, đêm cắm chông, đào hầm trú ẩn, cứ thế mà làm theo như cách đánh của bok Núp năm nào.

“Pháp thì đi bộ càn quét, Mỹ thì đổ quân bằng trực thăng. Dù cách vào làng khác nhau, nhưng bọn chúng đều đốt nhà, bắt bớ, giết chóc dân làng. Mỗi khi chúng đến, cả làng kéo nhau chạy lên rừng, sau khi chúng rút đi thì lập tức quay trở về tiếp tục sản xuất, phục vụ cách mạng chứ không bao giờ sợ sệt”-già Druk nhớ lại. Ngồi cạnh, già Đinh Drip tiếp lời: “Mấy anh em tôi tham gia du kích địa phương, còn cha mẹ thì nuôi giấu cán bộ ngoài Bắc vào. Cán bộ mà đến, cứ ở lại làng này 10 ngày rồi qua ở làng khác, ăn mặc đồ thổ cẩm như người làng để địch khỏi phát hiện. Ban ngày họ cùng với thanh niên làng lên rừng săn bắt, ban đêm lại bí mật tuyên truyền cho dân về chủ trương, đường lối của Đảng, của Bác Hồ, giúp mọi người giác ngộ thêm về cách mạng. Hễ có động, là bà con lại nhanh chóng đưa cán bộ trốn đi”.

Nhắc đến chuyện gùi lương thực, các già nói rằng, không hiểu sao ngày đó mình khỏe thế, vác nặng, đi bộ cả một quãng đường xa, lại còn phải băng rừng lội suối mà chẳng thấy mệt. Già Đinh Khế tự hào khoe: “Hồi đó tôi gùi 50 ký gạo, muối từ làng ra tận Hà Tam cho bộ đội. Một ngày 3-4 bận mà vẫn hăng hái đi”.

Những năm 1968-1969 được coi là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. Mỹ liên tục pháo kích, ném bom, những ngôi làng chìm trong biển lửa. Ấy cũng là lúc dân làng biến đau thương thành sức mạnh để phối hợp cùng bộ đội đánh giặc, làm nên những trận thắng vẻ vang. Riêng trận đánh bất ngờ vào đồn địch đóng tại núi Brơl (thuộc làng Châu), các già Druk, Drip cùng du kích và bộ đội tập kích vào đồn khiến 1 trung đoàn pháo binh của địch phải rút chạy. “Lúc mình đánh thắng xong, quân ta không thiệt hại gì về người. 3 ngày sau, mình mới cử 3 đồng chí du kích đến hiện trường để kiểm tra tình hình thì không ngờ địch vẫn còn mai phục trong đồn và bắn chết cả 3 đồng chí ấy. Chúng tôi đã rất đau lòng trước sự việc này…”-nói đến đây, giọng già Đinh Druk như nghẹn lại.

Buôn làng khởi sắc

 

Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Ảnh: H.T
Cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện. Ảnh: H.T

Đi qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đầy gian khổ và hơn 41 năm hòa bình với không ít khó khăn nhưng người Bahnar ở Chư Krey vẫn một lòng theo Đảng. Ngay cả ngọn gió độc “Tin lành Đê-ga” và bọn phản động FULRO vẫn không thể nào xâm nhập cũng như lay chuyển được lòng kiên định mà bà con nơi đây dành cho Đảng, cho Bác Hồ. Do vậy, Chư Krey là xã đầu tiên của huyện Kông Chro được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1976.

Đưa tôi đi dạo một vòng quanh các làng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đinh Văn Đơm, cho hay: Là vùng căn cứ cách mạng, chịu nhiều đau thương bởi chiến tranh nên một thời gian dài sau ngày giải phóng, Chư Krey mới bắt đầu đi vào ổn định. Dân làng tập trung phát triển kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là đã biết chuyển dần cây lúa rẫy xuống ruộng nước mỗi năm 2 vụ. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của toàn Đảng bộ và nhân dân, những năm qua, bộ mặt của xã đã dần khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn…

Chư Krey hiện có 6 làng với 604 hộ (3.405 khẩu), chủ yếu là đồng bào Bahnar. Trong những năm qua, xã đã xác định phát triển kinh tế theo hướng nông-lâm nghiệp, coi nông nghiệp là mũi nhọn hàng đầu, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, bình quân hàng năm đạt 18,2%. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng của xã khoảng 6.000 ha. Ngoài những loại cây truyền thống như: lúa, mì, đậu, bắp... gần đây, người dân đã biết trồng thêm các loại cây có giá trị kinh tế cao như mía, chanh dây, rau các loại; đồng thời tự mua sắm phương tiện để phục vụ sản xuất (toàn xã có 30 chiếc máy cày, 17 máy tuốt lúa, 4 máy sạc bắp).

 

Đến cuối năm 2015, xã Chư Krey có 90% người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số hộ sử dụng điện thắp sáng; 89 hộ gia đình văn hóa; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn gần 26%. Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, giải quyết việc làm… được Đảng bộ và chính quyền chú trọng. Công tác giáo dục-đào tạo được quan tâm, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên với tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 90%. Đảng bộ xã hiện có 10 chi bộ trực thuộc với 73 đảng viên. Tính đến tháng 6-2016, xã Chư Krey đã đạt được 7/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí nữa vào cuối năm nay.

Ông Đinh Jră (làng Sơ Rơn) là một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã Chư Krey với thu nhập trung bình hơn 150 triệu đồng/năm. Bên cạnh trồng mía, đậu xanh, gia đình ông Jră còn nuôi bò, làm lúa nước. Ông phấn khởi nói: “Năm nay tôi trồng 5 ha đậu xanh, thu hoạch đợt đầu tiên 5 tấn hạt, bán được hơn 100 triệu đồng, trừ chi phí lãi được 50 triệu đồng. Tôi mới mua được máy cày, vừa cày cho nhà mình, vừa cày đổi công với hàng xóm. Không chỉ tôi, cuộc sống bà con dân làng ở Chư Krey bây giờ đã no ấm hơn nhiều so với ngày xưa. Dù cái nghèo chưa hết, nhưng cái đói đã không còn đeo bám nữa. Có nhà đã sắm được xe máy, ti vi. Bọn trẻ con đã được đến trường học cái chữ”.

Song song với đó, cơ sở hạ tầng của xã từng bước được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc của vùng căn cứ địa cách mạng này. Điện-đường-trường-trạm đã cơ bản kiên cố, khang trang. Hệ thống đường giao thông liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp.

Bên cạnh những thành tích đạt được, ông Đơm cũng bộc bạch với tôi về những khó khăn mà xã đang gặp phải. Trong đó, điều mà lãnh đạo xã trăn trở nhất là tỷ lệ hộ nghèo hiện còn khá cao, chiếm 68,95% (tương đương 402 hộ). Người dân chủ yếu là đồng bào Bahnar nên trình độ dân trí thấp, khả năng áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế. Trong khi đó, công tác đào tạo nghề còn thấp; một số tuyến đường giao thông đang bị hư hỏng khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều bất lợi; giá nông sản ngày càng giảm…

Gian nan, thử thách vẫn còn đó. Tuy nhiên, qua cuộc chuyện trò, tôi biết rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chư Krey vẫn đang quyết tâm trên con đường xây dựng xã nhà ngày một phát triển.

 Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm