Thạc sĩ bỏ việc lương cao, về quê mở trung tâm ngoại ngữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có bằng Thạc sĩ Quản lý Giáo dục và đang làm Phó Giám đốc một Trung tâm Ngoại ngữ có tiếng ở TP. Hồ Chí Minh với nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, nhưng Tạ Ngọc Thịnh (sinh năm 1985) quyết định từ bỏ tất cả để về mở một trung tâm ngoại ngữ tại quê nhà.

Được chị Võ Thị Tuyết Hà-Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Gia Lai giới thiệu, tôi hẹn gặp Tạ Ngọc Thịnh tại Trung tâm Anh ngữ Việt Anh cơ sở 2 ở đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku. Cơ sở này vừa được anh khai trương chỉ mới hơn một tháng.

“Sao không quay về?”

Đó là câu hỏi vẫn thường trực với Tạ Ngọc Thịnh suốt những năm sống và làm việc ở TP. Hồ Chí Minh. Thịnh cho biết anh là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Hùng Vương. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp, anh thi đậu vào Trường Đại học Ngoại ngữ TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành tiếng Anh. Khi vào học từ năm thứ 2, để kiếm thêm tiền trang trải cho việc ăn học tại thành phố đắt đỏ này, anh đi dạy thêm ở các trung tâm ngoại ngữ. Nhờ kinh nghiệm từ những năm dạy thêm, làm thêm nên sau khi tốt nghiệp đại học anh được nhận vào làm giảng viên ở Trường Quốc tế ACG của New Zealand, sau 4 năm công tác tại đây anh lại chuyển về Trung tâm Ngoại ngữ Việt Mỹ thuộc hệ thống trường Việt Mỹ. Trong thời gian làm việc tại đây, anh tranh thủ đi học thêm thạc sĩ, chuyên ngành Quản lý Giáo dục. Nhờ có kinh nghiệm và kiến thức, chỉ một thời gian ngắn công tác tại Trung tâm, anh đã được đề bạt làm Phó Giám đốc phụ  trách chuyên môn.


 

 Thạc sĩ Tạ Ngọc Thịnh. Ảnh: H.Đ.T
Thạc sĩ Tạ Ngọc Thịnh. Ảnh: H.Đ.T

Kinh nghiệm khởi nghiệp của Tạ Ngọc Thịnh


* Kiên định con đường đã chọn.


* Đừng nản chí lúc khó khăn.


* Tạo uy tín chính từ chất lượng dạy và học ngoại ngữ.

Vậy nhưng, cuộc sống và việc làm ở một trong những thành phố sôi động bậc nhất cả nước vẫn không níu chân được Tạ Ngọc Thịnh. Từ khi bắt đầu đi dạy tại các trung tâm ngoại ngữ ở TP. Hồ Chí Minh, Thịnh luôn suy nghĩ và nung nấu ý định về quê mở trung tâm ngoại ngữ để dạy thêm cho các em thiếu nhi, vì Gia Lai là một tỉnh lẻ, thiếu nhi ít có điều kiện tiếp cận với ngoại ngữ một cách bài bản. Và rồi một cơ duyên cũng đã đến với Thịnh. Vốn là người rất mê bóng đá, tình cờ trong một cuộc giao lưu, anh gặp được ông Tấn Anh là Trưởng đoàn Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai; khi ấy Hoàng Anh Gia Lai muốn dạy ngoại ngữ cho các cầu thủ nhỏ tuổi trong Học viện Bóng đá. Vì lẽ đó, Thịnh liền nhận lời mời từ phía Hoàng Anh Gia Lai và về bàn bạc với Trung tâm, thống nhất với đối tác để cử giáo viên về dạy cho các em trong Học viện. Do yêu cầu công việc nên cứ 3 tháng Thịnh lại về Gia Lai một lần để kiểm tra việc giảng dạy. Khi tiếp cận với cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, anh nhận thấy nhu cầu học tiếng Anh của con em trong Tập đoàn nói riêng và các em thiếu nhi trên địa bàn Pleiku rất nhiều. Thịnh lại nghĩ đến chuyện về Gia Lai mở trung tâm ngoại ngữ, vừa gần nhà, vừa thỏa niềm đam mê bấy lâu.

Nghĩ là quyết định ngay, Thịnh xin nghỉ việc mặc dù lúc ấy mức lương của anh đang gần 30 triệu đồng/tháng. Trước quyết định của Thịnh, từ gia đình đến bạn bè đều không ai ủng hộ, thậm chí có người còn cho rằng anh bị “hâm”.

Nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động

Gạt bỏ mọi ý kiến phản đối, Thịnh quyết tâm quay về. Khó khăn đầu tiên mà anh vấp phải đó là sự nhiêu khê khi làm thủ tục mở trung tâm, phải ròng rã chờ đợi suốt 2 tháng trời. Lúc ấy anh bắt đầu… nản. Song với niềm đam mê và mong muốn làm gì đó cho quê hương, Thịnh lại kiên trì chờ đợi và cuối cùng cũng được tỉnh chấp thuận cho mở Trung tâm.

Ngày 6-8-2015, sau bao năm mơ ước, Trung tâm Anh ngữ Việt Anh ra đời tại 224B Phan Đình Phùng (TP. Pleiku). Ban đầu việc chiêu sinh gặp nhiều khó khăn vì lâu nay học sinh quen với việc học thêm với thầy cô tại trường, vả lại lúc ấy trên địa bàn thành phố cũng đã có vài trung tâm mở trước. Song với suy nghĩ chất lượng sẽ quyết định sự thành bại, Thịnh quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm. Với nỗ lực của ông chủ trẻ đầy tâm huyết, Trung tâm Anh ngữ Việt Anh đã trở thành một trong 22 trung tâm ngoại ngữ trên cả nước được Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) ủy quyền tổ chức các kỳ thi quốc tế của trường đại học danh tiếng này. Hiện chỉ có 2 trung tâm ngoại ngữ thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên được Đại học Cambridge ủy quyền, trong đó có Trung tâm Anh ngữ Việt Anh.  

Sau gần 2 năm, Trung tâm đã đào tạo và cấp bằng cho hơn 1.000 học viên, đồng thời lúc nào cũng duy trì 400 học viên theo học. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên, Trung tâm vừa khai trương thêm một cơ sở mới ở đường Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku. Hiện Trung tâm Anh ngữ Việt Anh có 16 giáo viên và 2 giáo viên nước ngoài là người Philippines. Các giáo viên tại đây đều do Thịnh phỏng vấn và thử việc nên chất lượng rất đảm bảo. Tạ Ngọc Thịnh cho biết thêm: Ngoài việc dạy ngoại ngữ, Trung tâm còn tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, các hoạt động từ thiện xã hội, giao lưu, tạo thêm động lực cho học viên trong học tập.

 Hà Đức Thành

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Khởi nghiệp 'không đụng hàng'

Từ những thực vật hoang dại, nhưng với sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, nhiều startup đã cho ra đời những sản phẩm bất ngờ. Không chỉ nâng tầm giá trị tài nguyên sẵn có, họ còn tạo cơ hội đưa sản phẩm vươn xa.

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.